"Giáo sư" Cù Trọng Xoay: Biết đâu FTP đuổi việc tôi thì sao?

30/10/2011 07:59
Bên cạnh vẻ xinh đẹp của Phương Linh, thì sự ngố ngố, tếu tếu, lóng ngóng của "giáo sư" lại biến họ thành cặp đôi được yêu thích nhất ở tuần thứ hai.
Vị "giáo sư" Cù Trọng Xoay nhìn lúc nào cũng chững chạc, "già khú" ấy ngoài đời là chàng cán bộ của FPT- Đinh Tiến Dũng sinh năm 1981, khá đẹp trai…

- Trên các trang báo mạng, sau các phần thi của "Cặp đôi hoàn hảo" luôn có vô khối lời khen tặng của khán giả rằng "giáo sư" Cù hát hay, giọng trầm ấm, đầy cảm xúc, "giáo sư" có thấy điều đó… đúng?

Khán giả thì họ chân thành, hồn nhiên, nhưng cùng với đó là sự cảm tính. Họ khen tốt cho tôi không phải chỉ riêng tiết mục đó mà từ trước, ở các cuộc vui khác họ đã biết tôi như "hỏi xoáy đáp xoay" chẳng hạn… Tôi biết điều đó nên cũng không suy nghĩ quá tích cực về giọng hát của mình.

- Ngược lại cũng có nhiều khán giả chê giọng hát của "giáo sư" rằng hát dở, cứ ồ ồ. Trên hàng ghế giám khảo cũng có những tranh cãi, ví dụ như nhạc sĩ Lê Minh Sơn đêm thi ca khúc quốc tế vừa qua có "cảm ơn" rằng bình thường mọi người hát tiếng Anh anh ấy không dịch được, nhưng "giáo sư" hát tiếng Anh thì nhạc sĩ… dịch được. "Giáo sư" có lo lắng với sự chê này?

Tôi xác định ngay rằng mình đến đó đâu phải để hát, ca sĩ là Phương Linh mà. Tôi không suy nghĩ quá vì đó là cuộc thi giải trí mang tính cộng đồng chứ không phải một cuộc thi hát mang tính hàn lâm mà buộc phải hát đúng hay hát sai.

Ở đây, về bản chất, khán giả không quan tâm đến hát đúng hay hát sai mà vấn đề thích hay không chính là tiêu chí để lôi khán giả vào cuộc thi, giám khảo có người cho điểm cao, có người cho điểm thấp cũng chính là thành tố cấu tạo nên chương trình. Vấn đề hài lòng hay không hài lòng đã vô tình kéo cảm xúc của khán giả vào cùng chương trình.

- Nhưng… "giáo sư" có đánh giá cao giọng hát của mình? Có đủ độ làm "gục ngã" một cô gái nào đó?

Có một thời kỳ tôi chơi nhạc theo kiểu khi mà tôi lầm tưởng rằng mình là cái gì đó rất hay ho, đến khi gặp một cú sốc thực ra mình không là cái gì cả, tôi không chơi nhạc nữa, cất đàn đi. Nhưng, tôi cũng chỉ chịu được điều đó 1 -2 tuần rồi lại không chịu được. Thực ra tôi nghĩ chơi nhạc tốt cho bản thân mình trước đã, thế là quý lắm rồi, còn may mắn thì đem niềm vui của mình đến cho người khác thì càng tốt, càng vui. Hy vọng nó không là thảm họa thôi.

- "Giáo sư" Cù Trọng Xoay được coi là hiện tượng của làng hài và Đinh Tiến Dũng thì được coi là "cây hài mới nổi", cuộc sống của một cán bộ FPT có khác gì nhiều khi Dũng trở thành "cây hài mới nổi"?

Bận rộn hơn chứ không thay đổi gì nhiều. Vì những người khác phải đầu tư nhiều từ vấn đề trang phục biểu diễn đến nhiều thứ khác cho công việc nhưng với tôi lại không đầu tư quá nghiêm túc. Tôi cũng có thấy mình nổi tiếng gì đâu, bình thường mà. Nếu xét tiêu chí người nổi tiếng ở Việt Nam mình thì trong tám mấy triệu người, số người nổi tiếng cũng kha khá đấy…

- Nhưng khán giả ai cũng biết "giáo sư" Cù Trọng Xoay, đấy rõ ràng là sự nổi tiếng…

Ở Việt Nam, truyền hình có một sức ảnh hưởng rất lớn, nên bỗng nhiên… nổi tiếng. Với nhiều người, khi họ vô tình trở nên nổi tiếng sẽ bị chính sự nổi tiếng đó áp chế lại. Thời điểm này, tôi chưa dám nói mạnh là có bị sự nổi tiếng áp chế lại không, nhưng hiện giờ vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn có những sai phạm ngớ ngẩn.

Khán giả luôn khó tính cho rằng đã là người nổi tiếng thì phải hoàn hảo, phải thế này, thế kia. Tôi không đồng ý với việc là người nổi tiếng thì phải gọt tròn những gì không phải là tròn trịa của mình. Khán giả hãy coi người nghệ sĩ như những bông hoa ấy, họ đã dành những gì đẹp và thơm nhất cho cuộc đời rồi thì đừng soi mói vào phần gốc rễ nữa….

- Đã có nhiều bậc đàn anh, đàn chị như nhà báo Lại Văn Sâm chẳng hạn, tham gia vào một số chương trình truyền hình rồi trở thành những nhà báo nổi tiếng, gắn bó với truyền hình, "giáo sư" có bao giờ nghĩ mình sẽ có sự gắn bó tương tự như thế?

10 năm về trước tôi chẳng nghĩ là mình sẽ gắn bó với FPT, chẳng nghĩ là tham gia chương trình truyền hình. Nhiều người hay đi học những khoá học hoạch định cho cuộc đời, vẽ cho tương lai những gì phải đi… Tôi luôn nghĩ không biết mình sẽ sống đến bao nhiêu tuổi, những kế hoạch to tát cho cuộc đời đều không làm đúng…

Tôi chỉ rút ra một điều là hãy giữ một tâm sáng và tính hướng thiện thì ngoặt sang hướng nào cũng tốt cả. Nói chung thôi cứ mặc dòng đời xô đẩy, có duyên với việc gì thì làm việc đó, biết đâu thời gian tới FPT thấy tôi tham gia nhiều chương trình quá, họ đuổi việc tôi thì sao? Tôi cũng nhảy việc thường xuyên mà, đồ đạc luôn luôn ở trên bàn rất ít...

“Giáo sư” Cù trên “Hỏi xoáy đáp xoay” luôn có những câu trả lời rất bất ngờ, độc đáo, dí dỏm và thông minh, đó là những câu trả lời của Đinh Tiến Dũng?

Chúng tôi có một ekip thực hiện, sau khi có kịch bản thì đạo diễn là anh Đỗ Thanh Hải, anh Xuân Bắc và chúng tôi ngồi lại bàn bạc tìm phương án trả lời. Đôi khi một cái đầu không bằng mấy cái đầu, câu hỏi của khán giả thì đều có câu trả lời, vấn đề là câu trả lời có hay hay không. Lúc ấy, trí tuệ tập thể là điều quan trọng.

Một nền nghệ thuật chưa chắc sẽ lớn nếu có nhiều nghệ sĩ lớn, còn các nghệ sĩ tự biết mình là nghệ sĩ nhỏ biết hợp nhau lại sẽ làm được việc lớn. May mắn cho tôi là có một ekip tốt, mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến thoải mái và được tôn trọng ý kiến đó.

- Tức là Cù Trọng Xoay chỉ là một vai diễn?

Không hẳn vậy, tôi cũng có nhiều vai trò, khi bước lên hình là vai diễn, nhưng trước đó tôi ở trong ban biên tập, là người viết kịch bản…

- Xuân Bắc từng nói là Cù Trọng Xoay làm lu mờ anh ấy, “giáo sư” nghĩ thế nào?

Đấy là một câu nói rất yêu thương của đàn anh thôi, còn mọi người thì ai cũng biết là có Xoay hay không Xoay thì anh Bắc cũng là một tài năng thực sự. Anh nói như thế là có ý muốn đẩy đàn em lên, tôi trân trọng điều đó chứ không bao giờ mù quáng nghĩ như thế thật.

- Trên sân khấu ăn ý với nhau như thế, vậy ngoài đời “giáo sư” Cù và Xuân Bắc có ăn ý với nhau?

Không chỉ riêng anh Bắc mà cả ekip “Táo quân” chúng tôi gắn bó với nhau từ lâu rồi, đều cảm thấy tự hào khi ở bên cạnh nhau. Tự hào và khoái chí. Khi tập “Táo Quân” thấy anh Công Lý nói một câu hay, anh Quốc Khánh nói câu hay thấy khoái vô cùng.

- “Giáo sư” Cù còn được biết đến là tác giả kịch bản của “Táo Quân” mỗi khi Tết đến. Các chương trình Táo Quân luôn ngồn ngộn sự kiện, khá phức tạp, anh có mất nhiều thời gian để đầu tư cho kịch bản?

Tôi viết kịch bản Táo Quân từ năm 2007, nói chung thời gian viết thì nhanh, không lâu nhưng thời gian nghĩ thì khá nhiều. Trước đó, có một ekip tập hợp tư liệu cho tôi và sau đó chúng tôi ngồi chọn những thông tin mà nghệ thuật có thể diễn tả được. Có những bức xúc thì không diễn tả được.

- Đó là cách chọn vấn đề của “Táo Quân”, còn tiêu chí chọn câu hỏi của “Hỏi xoáy đáp xoay” thì sao?

Là có thể giải quyết bằng câu trả lời hay.

Theo Phụ nữ Thủ đô