Khát vọng, niềm tin trong thơ chúc Tết của Bác

24/01/2020 06:50
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Những vần thơ chúc Tết, mừng xuân của Bác chúng ta ẩn chứa bao khát vọng, bao niềm tin của Bác, của dân tộc Việt Nam vào mỗi thời khắc lịch sử song hành.

Trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng toàn quân và toàn dân háo hức lắng nghe lời thơ chúc Tết của Bác Hồ kính yêu “vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” đầy ý nghĩa.

Những bài thơ chúc Tết của Bác thường ngắn gọn, với các thể thơ quen thuộc như thơ tự do, thơ lục bát, thơ tứ tuyệt. Vì thế, hình ảnh thơ luôn sống động, tươi vui, dễ nhớ, dễ đi sâu vào tâm khảm mọi người.

Có ý kiến nhận xét rất sâu sắc rằng: “Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là một hiện tượng rất dân tộc, độc đáo và độc đáo hơn nữa vì những bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Người còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ gửi đến đồng bào chiến sĩ cả nước. Là kim chỉ nam cho đường lối cách mạng cụ thể của một năm, một giai đoạn.

Tổng hợp lại những bài thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác theo trật tự thời gian, chúng ta sẽ nhìn ra đường lối cách mạng của Đảng, của Bác qua những chặng đường cụ thể của hai cuộc kháng chiến oanh liệt, vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa bảo vệ vừa xây dựng đất nước. Bởi thế mà giá trị to lớn của thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là không có gì so sánh được”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: Tư liệu).

Đọc những vần thơ chúc Tết, mừng xuân của Bác chúng ta còn thấy được ẩn chứa bao khát vọng, bao niềm tin của Bác, của dân tộc Việt Nam vào mỗi thời khắc lịch sử song hành.

Đó là khát vọng to lớn về độc lập, tự do, thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam. Suốt những đêm dài sống trong cảnh bị đọa đày, nô lệ, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do.

Lời thơ chúc Tết như vang lên rộn rã, giục giã lòng người:

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ sao vàng bay phất phới!

Năm này là năm rất vẻ vang

Cách mạng thành công khắp thế giới. (Chúc Tết Nhâm Ngọ, 1942)

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Niềm vui lớn của dân tộc Việt Nam là từ đây chúng ta ngẩng cao đầu làm chủ vận mệnh của mình: “Ôi hai tiếng đồng bào, Tổ quốc/ Đến hôm nay mới thuộc về ta? Trăm năm mất nước mất nhà/ Hôm nay mới cất lời ca, tiếng cười” (Tố Hữu).

Khát vọng độc lập ở đây được thể hiện qua hình ảnh rực rỡ “Cờ đỏ sao vàng bay phất phới”. Đó cũng là một dự báo tài tình cho thắng lợi của Cách mạng mùa thu lịch sử năm 1945…

Tết Đinh Hợi 1947, cái Tết kháng chiến chống Pháp đã giành được nhiều thắng lợi bước đầu nhưng cũng còn biết bao gian khổ, thử thách.

Hình ảnh lá cờ “mang hồn nước” lại tung bay trong bài thơ “Chúc Tết Đinh Hợi – 1947” và tiếng kèn xung trận vang lên, thôi thúc lòng người:

Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác
Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Khát vọng thống nhất, độc lập được Người nhấn mạnh bằng điệp ngữ “nhất định” và sử dụng câu cảm thán, nhịp điệu thơ mạnh, nhanh nhằm tăng độ mạnh mẽ của sự khẳng định: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất, độc lập, nhất định thành công!”.

Năm Mậu Tý đã tới trong niềm vui của toàn quân, toàn dân vừa trải qua hai năm sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) với những chiến công oai hùng.

Với thể thơ năm chữ ngắn gọn mà sâu sắc, Bác Hồ kính yêu lại khẳng định khát vọng thống nhất, khát vọng độc lập của toàn dân tộc trong bài thơ: “Chúc Tết Mậu Tý - 1948):

Năm Hợi đã đi qua,

Năm Tý vừa bước tới.

Gửi lời chúc đồng bào,

Kháng chiến được thắng lợi.

Toàn dân đại đoàn kết,

Cả nước dốc một lòng

Xuân về, nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ
Xuân về, nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ

Thống nhất chắc chắn được,

Độc lập quyết thành công.

Bác căn dặn, chúc “Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng” thật nhiều ý nghĩa. Chính tinh thần đoàn kết một lòng đã giúp dân tộc Việt Nam vững vàng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Vì vậy, Bác Hồ từng dạy: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Bài thơ “Chúc Tết Quý Tỵ - 1953” ngắn gọn, chỉ bốn câu thơ mà vang động cả năm tháng đầy chiến công vang dội khi quân ta đã giải phóng hầu hết các tỉnh Tây Bắc, mở rộng vùng giải phóng… 

Lời chúc đầu năm mới thật bình dị mà sâu sắc vô cùng:

Toàn thể chiến sĩ thi đua giết giặc,

Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,

Độc lập thống nhất, nhất định thành công.

Một lần nữa, khát vọng độc lập, thống nhất được Bác đưa vào lời thơ chúc Tết mừng Xuân một cách tự nhiên, lan tỏa, củng cố niềm tin, làm ấm lòng đồng bào, chiến sĩ trước mùa Xuân đất nước…

Bài thơ “Chúc Tết năm Nhâm Thân -1956” ra đời trong hoàn cảnh đất nước tạm thời chia cắt hai miền. Bài thơ ngắn, với thể thơ sáu chữ nhưng chất chưa biết bao niềm vui, hy vọng:

Thân ái mấy lời chúc Tết:

Toàn dân đoàn kết một lòng,

Mãi khắc ghi Di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ
Mãi khắc ghi Di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ

Miền Bắc thi đua xây dựng,

Miền Nam giữ vững thành đồng,

Quyết chí, bền gan phấn đấu,

Hòa bình, thống nhất thành công.

Lúc này, miền bắc đang trong thời kỳ khôi phục kinh tế, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Bác chúc “Miền Nam giữ vững thành đồng”, giữ vững ngọn cờ đấu tranh bất khuất… Một lần nữa, khát vọng thống nhất, hòa bình được Người khẳng định mạnh mẽ, đầy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng:

Quyết chí, bền gan phấn đấu,

Hòa bình, thống nhất thành công.

Bác chúc có “quyết chí, bền gan” thì sẽ có thành công. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng Bác đã từng chúc, từng động viên “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”(Chúc Tết Đinh Hợi – 1947).

Năm Kỷ Hợi đã đến và Bác có bài thơ “Chúc Tết Kỷ Hợi - 1959” với bốn câu thơ nhưng chứa đựng cả những khát vọng thống nhất nước nhà:

Chúc mừng đồng bào năm mới,

Đoàn kết thi đua tiến tới,

Hoàn thành kế hoạch ba năm,

Thống nhất nước nhà thắng lợi.

Bốn câu thơ với hai mươi bốn chữ nhưng đã khái quát được nhiệm vụ của năm mới, của giai đoạn lịch sử là đất nước vừa xây dựng vừa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thống nhất nước nhà.

Phía trước là chặng đường đấu tranh đầy gian nan nhưng lời thơ vẫn lạc quan phơi phới: “Hoàn thành kế hoạch ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Năm 1960 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của lịch sử dân tộc. Đó là 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là kỷ niệm Đảng ta tròn 30 tuổi (3/2/1030- 3/2/1960).

Bài thơ “Chúc Tết Canh Tý - 1960” có một ý nghĩa vô cùng to lớn bởi vì trong năm sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Triết lý giáo dục trong năm điều Bác Hồ dạy
Triết lý giáo dục trong năm điều Bác Hồ dạy

Lời thơ dậy lên những niềm vui đón chào năm mới trong niềm tin, niềm phấn khởi vô bờ của toàn quân, toàn dân trước vận hội mới:

Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh!

Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!

Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,

Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,

Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.

Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên,

Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!

Cả miền Bắc là một đại công trường xây dựng với những niềm vui tưng bừng từ nông thôn đến thành thị: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn/ Màu áo mới nâu non nắng chói/ Mái trường tươi roi rói ngói son” (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu).

Mỗi lời thơ, mỗi ý thơ, giọng điệu thơ đều vang lên âm hưởng của mùa Xuân đất nước. Trong niềm vui chung mừng Xuân, mừng Đảng, Bác Hồ đã thể hiện khát vọng thống nhất nước nhà: “Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên/Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 12/1960) là mùa Xuân Tân Sửu (1961) đã về cùng đất nước.

Đại hội Đảng lần thứ III đã quyết định đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhân ái, hòa bình (Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau - Tố Hữu).

Đồng thời, quyết định tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Mừng năm mới, mừng xuân mới,

Mừng Việt Nam, mừng thế giới,

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,

Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi.

Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!

Bác Hồ của chúng ta
Bác Hồ của chúng ta

Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!

Chúc hòa bình thống nhất thành công!

Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

Giọng thơ mạnh mẽ, kết hợp năm câu cảm thán đã thể hiện cao độ niềm vui dâng trào khi đất nước bước vào mùa Xuân mới, vào kỷ nguyên mới.

Khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc lại vang lên hùng hồn trong những vần thơ chào Xuân mới: “Chúc hòa bình thống nhất thành công!/ Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!”.

Năm mới Nhâm Dần (1962) lại đến trong niềm vui miền Bắc đạt được nhiều thành tựu kinh tế, nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện; niềm vui khi Miền Nam tiếp tục đấu tranh. Lời thơ vang lên đầy tiếng nhạc ngân xa:

Năm Dần, mừng xuân cả thế giới,

Cả năm châu phất phới cờ hồng,

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới

Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi

Hòa bình thống nhất quyết thành công.

Một thời điểm lịch sử: miền Bắc thực hiện năm thứ hai kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961- 1965), miền Nam đoàn kết dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Nghĩ về lời khuyên của Bác Hồ với văn học, nghệ thuật Việt Nam
Nghĩ về lời khuyên của Bác Hồ với văn học, nghệ thuật Việt Nam

Hậu phương vững mạnh thì chặng đường hòa bình, thống nhất sẽ tiến nhanh. Khát vọng hòa bình, thống nhất một lần nữa được Bác thể hiện mạnh mẽ: “Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hòa bình thống nhất quyết thành công”.

Trong bài thơ “Chúc Tết Giáp Thìn - 1964”, Bác cũng luôn khẳng định: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”.

Bài thơ “Chúc Tết Ất Tỵ - 1965” ra đời khi dân tộc ta đón Tết trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước. Đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến miền Nam anh hùng.

Khát vọng hòa bình, thống nhất được nhắc tới với nhịp điệu thơ mạnh mẽ qua thể thơ tám chữ trang trọng: “Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi/ Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng/ Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi!/ Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!”.

Điểm qua những bài thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác, chúng ta thấy có tới 10 lần Bác nhắc đến từ “thống nhất”! Phải chăng, thống nhất nước nhà, thống nhất Bắc Nam, đưa giang sơn Việt Nam về một mối là khát vọng ngàn đời của dân tộc!

Những bài thơ chúc Tết, mừng Xuân “vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” có ý nghĩa vô cùng to lớn trong từng thời điểm lịch sử.

Đó là những lời động viên, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là lời hịch của Tổ quốc, vọng vang tự ngàn xưa của con cháu Lạc Hồng…

Những vần thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác đã xây dựng, củng cố niềm tin của bao thế hệ. Niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng đã làm nên sức mạnh đoàn kết, sức mạnh của con người Việt Nam là nên lịch sử.                                                                         

Tài liệu tham khảo:

Thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ và lời bình - NXB Chính trị quốc gia, 2015.

LÊ ĐỨC ĐỒNG