Lê Cát Trọng Lý, Thái Trinh, Mai Khôi và Kim

26/01/2012 08:08
Theo Tuổi TrẻTuổi
Một thế hệ nghệ sĩ mới đang hình thành. Họ là những người tài năng, tự sáng tác, tự hát, tự sản xuất và tự quyết định mình sẽ làm gì cho một lối đi riêng...
Đáng vui mừng, một lớp ca sĩ, hay nói đúng hơn là nghệ sĩ nữ đang ngày càng chững chạc và tỏa sáng bằng tiếng hát cùng với các bài hát của mình. Khác với trào lưu vay mượn hay cố sức để tạo ra một vài bài hát riêng, mong có sự khác biệt của nhiều ca sĩ thị trường, những nghệ sĩ nữ trẻ này đang giới thiệu những cảm nghĩ của họ về cuộc đời, về tình yêu hết sức cá tính và độc đáo. Đôi khi, hơn thế nữa, chính họ là những người có thể cầm đàn, bước nhẹ nhàng vào trái tim khán giả với những cảm xúc gần gũi nhất.

Lê Cát Trọng Lý
Lê Cát Trọng Lý : "Mọi thứ trong cuộc sống em đều có thể đem vào âm nhạc..." Ngắm Lê Cát Trọng Lý ôm đàn hát du ca Nghe Mai Khôi hát Lê Cát Trọng Lý
Lê Cát Trọng Lý : "Mọi thứ trong cuộc sống em đều có thể đem vào âm nhạc..."
 Ngắm Lê Cát Trọng Lý ôm đàn hát du ca
Nghe Mai Khôi hát Lê Cát Trọng Lý
Không thể không nhắc đến Lê Cát Trọng Lý trong câu chuyện này. Cô gái nhỏ ít nhất đã đem lại những phút giây thú vị cho không gian âm nhạc Việt trong năm, vốn đang mệt mỏi vì sự đơn điệu. Cô sinh viên trường đại học ngoại ngữ Đà Nẵng này đang gợi nhớ nhiều đến lối trình diễn của âm nhạc miền Nam, vốn ăn sâu trong ký ức của nhiều người như Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, hoặc gần đây nhất như Trần Tiến – Hồng Ngọc hay Phương Thảo – Ngọc Lễ. Mộc mạc, đôi lúc chưa hẳn có thể gọi là hay, nhưng chất gần gũi cùng với những bài hát sáng tác riêng của Lê Cát Trọng Lý đang làm nhiều người thích thú.

“Mọi thứ trong cuộc sống em đều có thể đem vào âm nhạc. Từ những băn khoăn của mình cho đến một hình ảnh nào đó chợt ấn tượng trong đầu” – Lê Cát Trọng Lý nói. Cuộc sống quanh mình của Lý là một cuộc sống của trái tim trẻ đang bước vào đời với nhiều khát vọng, với màu sắc chân thành. Có lẽ vì vậy mà những bài hát do Lý trình bày thường rất gần với khản giả. Lý đánh guitar và đôi khi chơi violon như trong một khán phòng gia đình, với mọi người là bạn. Chính phong cách đó, những bài hát đó của Lê Cát Trọng Lý đã được người ta đón nhận dễ dàng và chia sẻ nhanh hơn.

Mọi thứ ập đến với cô gái sinh năm 1987 này cũng bất ngờ và nhanh. Từ việc hát như tìm niềm vui cũng như là cách để tạm trang trải cho việc đi học ở Sài Gòn, Lý tìm thấy khán giả yêu thích mình nơi bar Acoustic, rồi nhanh chóng được mời bước ra sân khấu lớn và nhận được nhiều khen ngợi lẫn khuyến khích.

Những người biết Lý từ lâu kể rằng khi hai chị em của Lý vào miền Nam để lập nghiệp, Lý hát trong một quán cà phê nhỏ tự dựng phong cách của mình, trò chuyện với khán giả và có lúc khán giả đã ngỡ ngàng khi Lý ngừng bài hát, thúc hối “hãy chất vấn tôi, hãy phản biện tôi”.

Album đầu tay của Lý, với tên của chính mình, chỉ mới dừng ở bảy ca khúc trong số 30 bài đã sáng tác. Vì vậy, có lẽ cơ hội để chứng kiến những cao trào mới của cô ca sĩ – nghệ sĩ này sẽ còn nhiều. Khả năng sáng tác và tư duy thoáng về nhiều khía cạnh của cuộc sống đang mang lại cho Lý một lối đi riêng, và cũng đang mở lối hi vọng cho nhiều nghệ sĩ độc lập khác.

Thái Trinh

Thái Trinh có nét mặt mềm mại và giọng hát sáng như đôi mắt của mình. Khi trò chuyện với giọng nói đó, ít ai có thể nghĩ đó là một ca sĩ vì thanh âm quá nhẹ nhàng, thậm chí khe khẽ và dễ vỡ. Ấy vậy mà Thái Trinh đã xuất hiện và chinh phục rất nhiều người bằng tiếng hát từ vài năm trước, thậm chí bằng những bài hát của chính mình sáng tác.
Xem và nghe Thái Trinh thời là "hiện tượng Youtube"
Xem và nghe Thái Trinh thời là "hiện tượng Youtube"
Ngắm: Thái Trinh nhí nhảnh thời áo trắng Ngắm: Say vẻ đẹp trẻ trung lãng tử của Thái Trinh
Ngắm: Thái Trinh nhí nhảnh thời áo trắng
Ngắm: Say vẻ đẹp trẻ trung lãng tử của Thái Trinh
Sinh năm 1993, cô còn rất trẻ để có thể hát nhiều bài hát ngợi ca tình yêu đơn giản. Nhưng kỳ lạ, hát cho những cảm giác sống, những điều nhìn thấy quanh mình lại là một thế mạnh của Thái Trinh. Sóng gió Internet do Trinh gây ra đã từng dậy lên trong giới truyền thông giải trí về hương vị khác thường độc đáo.

“Tình yêu thì có lẽ bao la và nhiều cảm xúc quá, nên em tự thấy mình chưa đủ sức diễn đạt đúng được. Nên hoặc là em sẽ diễn đạt thật hay trong sáng tác của mình sau này, hơn là sẽ vội viết nó một cách tầm thường” – Trinh nói. Chứng minh cho điều này, Trinh cầm đàn guitar và hát một bài hát mới viết gần đây của mình có tên là Đứng yên. Cần nói thêm là tiếng guitar điệu nghệ của Trinh cũng gây ngạc nhiên không kém với tiếng hát trong suốt của Trinh.

Đứng yên, như một cách để nhìn lại, để nhìn thấy mình đã từng làm gì và cuộc đời đã từng lôi mình chạy như thế nào. Thái Trinh hát với tâm trạng như vậy khi nói về những ngày đầu được thị trường vồ vập, chào đón và san sát những buổi diễn. Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy một cô gái trẻ lại cảm nhận rất nhanh rằng những danh tiếng phù du ngoài kia sẽ bóp chết những giá trị nghệ sĩ của mình. Vì vậy, Trinh đã lùi lại mọi hoạt động để lấy cân bằng cảm giác của mình như một nghệ sĩ có đủ lực kháng cự với nhiều cám dỗ.

Thị trường âm nhạc Việt Nam lâu nay vẫn vậy. Mỗi khi có một tài năng mới xuất hiện, mọi thứ đều lập tức đổ dồn vào ca ngợi, thúc đẩy như một thứ áp lực thiêu đốt những người trẻ tuổi phải lao vào dòng chảy, khó để thoát ra, dù họ có thể nhận ra rằng mình đang trở thành con rối của sự nổi tiếng hay bộ máy âm nhạc thương mại.

Nói như vậy để hiểu rằng Thái Trinh đã phải bứt ra mạnh mẽ như thế nào cho một hành trình đi tới khác điềm tĩnh hơn. “Em nghĩ nếu như không có âm nhạc, em sẽ trở thành một con người khác và có một cuộc đời khác” – Trinh ghi như vậy trên Facebook của mình.

Trinh nói cô muốn hát những bài hát tự sáng tác, vì việc hát lại một bài hát của ai đó có vẻ dường như không nói thay được cảm giác của mình. Trinh đang mơ ước đến một chương trình với những bài hát của mình, trong đó lại có thể chơi được các nhạc cụ mà Trinh yêu thích là piano, guitar và violon. “Những bài hát sáng tác mới thường khó được chấp nhận – Trinh nói – Nhưng em tin vào mình”.

Mai Khôi

"Sáng tác và hát những gì của mình luôn khiến mình cảm thấy cuộc đời âm nhạc của mình không đơn điệu" - Mai Khôi nói
"Sáng tác và hát những gì của mình luôn khiến mình cảm thấy cuộc đời âm nhạc của mình không đơn điệu" - Mai Khôi nói
Hát những điều mình nghĩ và những gì trong trí tưởng tượng mình thôi thúc có lẽ là một trong những lý do khiến những người nghệ sĩ trẻ này vươn vai đứng lên.

Nhưng cái khó là một bài hát mới thường khó được chấp nhận. Đặc biệt khi xuất hiện từ giới ca sĩ. Thói quen của nhiều người là một bài bát “đúng và giá trị” thường chỉ xuất hiện nơi giới sáng tác chuyên nghiệp. Thậm chí nhiều ca sĩ khi sáng tác bị coi là “đèo bòng” hoặc bị nghi ngờ là có ai đó đứng sau lưng làm thay. Thậm chí ngôn ngữ phân biệt cũng khá tàn nhẫn khi gọi đó là những bài “tự biên” chứ không là “sáng tác”.

Đó cũng là cái nhìn khởi đầu về Mai Khôi, không ít người từng nghi ngờ khả năng của cô ca sĩ hết sức cá tính này.

Mãi đến ba album, tràn ngập các ca khúc tự sáng tác của mình, một giá trị đầy nghệ sĩ của Mai Khôi mới thật sự tỏa sáng, vượt qua hình ảnh của một ca sĩ bình thường, vượt qua mọi hồ nghi. Từ album Một ngày Khôi cho đến Mai Khôi hay hoa hồng, và gần đây là Made in Mai Khôi, hơn 30 ca khúc sáng tác của Mai Khôi đang dần thấm vào người nghe như một phong cách riêng không thể lẫn được vào đâu.

Khi bài Việt Nam – Việt Nam hết sức độc đáo ở phong thái alternative trẻ trung xuất hiện ở chương trình Bài hát Việt, một lần nữa tố chất nghệ sĩ của Mai Khôi lại được khẳng định hơn. Khôi nói bài hát đầu tiên mà mình viết là từ lúc học lớp 6 có tên Cam Ranh quê tôi. Cho đến giờ Khôi vẫn giấu biệt bài hát này khi được hỏi tới. “Nó dở tệ, em nghe lại mà cứ mắc cười” – Khôi kể. Nhưng đó là bài hát khởi đầu của mọi thứ ngày hôm nay. Nhận biết mình chưa hay là một đặc tính có lẽ đang mai một trong giới văn nghệ, đặc biệt với vùng âm nhạc hôm nay. Phải thật sự tự trọng và yêu nghề nghiệp của mình lắm mới có thể nhìn ra những “điểm chết” trong công việc của mình. Đó cũng là lý do vì sao mà với hơn 50 bài hát Mai Khôi viết và ấp ủ, cô chỉ chậm rãi đưa ra trong hành trình của mình một cách thận trọng.

Hát để trải lòng mình rõ ràng khác với hát một sáng tác của người khác. Những điều mình ấp ủ sẽ là một lộ trình dẫn đến đích của giá trị riêng, nhưng cũng không ít mạo hiểm.

“Sáng tác và hát những gì của mình luôn khiến mình cảm thấy cuộc đời âm nhạc của mình không đơn điệu” – Mai Khôi nói. Những ngày tháng này, rõ ràng với Mai Khôi, người ta có thể nhìn thấy sự khác biệt và thú vị mà Khôi nuôi dưỡng, lắm lúc rất cô độc của mình.

Ca khúc thay đổi Kim rap
Rapper Kim - gương mặt quen thuộc với các bạn tuổi teen.
Rapper Kim - gương mặt quen thuộc với các bạn tuổi teen.
Êkíp của Kim đã chọn đường tàu với những ngôi nhà nhăm nhăm lấn hành lang an toàn đường sắt để quay bài hát cô mới sáng tác. Bài hát Bạo lực gia đình có đoạn: “Tôi chỉ thấy những đứa trẻ đang bị tổn thương. Đây không phải là ngôi nhà mà bạn đang mong. Đây là đống đổ nát của trận cuồng phong. Yeah, bạo lực, bạo lực gia đình. Kim hát, nước mắt lăn dài rồi ngưng lại như thạch trên nền phấn phủ không thấm nước. Đã không còn bóng dáng của cô nữ sinh má bầu bĩnh, hát những bài rap về tình yêu ngày nào.

Sinh năm 1991, Kim đến với sân khấu chuyên nghiệp từ khi mới 14 tuổi. Cũng như mọi cô bé, cậu bé ở tuổi đó, Kim xăm xăm chọn một con đường riêng, Rap là sự lựa chọn của cô. Những bài hát về tình yêu lúc đó của Kim có tiết tấu trẻ. Lời hát tuy phóng khoáng mà vẫn đa cảm, mộng mị kiểu học trò. Biết tình yêu vẫn mong manh xa vời. Những lời ca viết riêng tặng người, mong ngày sau em sẽ hát. Biết tình yêu vẫn mong manh xa vời. Những đêm dài tiếng mưa buồn rơi hiu hắt. Ước trời cao giúp tôi một lần. Cho em được biết tình tôi.

Nhưng rồi âm nhạc của cô thay đổi đột ngột như con tàu chạy tốc độ tối đa bỗng gặp chú huơu chạy ngang qua đường sắt. Sự chuyển mình bắt đầu từ ba năm trước, năm 2009, vào một chiều hè ở Huế, Kim được đạo diễn yêu cầu tới khu đèn đỏ. Cô sẽ đối thoại với gái mại dâm để quay phim tài liệu. “Ngay lập tức em hét toáng lên. Không, không, em không gặp loại người chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình như vậy. Tất nhiên, cuộc gặp vẫn diễn ra. Nhưng điều tệ hại nhất chưa đến” – Kim nhớ lại.

“Chỉ sau cuộc gặp, em mới nhận ra sai lầm tệ hại nhất đời mình. Đó là định kiến với phụ nữ bán dâm. Người đàn bà ấy – toàn thân tỏa ra mùi mỹ phẩm rẻ tiền hăng hắc. Chị nói ít, chậm, miễn cưỡng về nghề nghiệp bạc bẽo của mình. Chắc lâu rồi chị cũng chẳng nhìn lại đời mình trôi ra sao. Rồi sau đó nước mắt chị ậc ra mà không một tiếng nấc. Đôi mắt tô nhũ xanh lá cây hun hút như một hố đen trên bộ mặt trang điểm đậm khiến em rùng mình. Có lẽ chị không muốn khóc. Vì thế trông chị giống như cười ngượng còn tay lập cập vến vén tóc” – Kim nói. Đôi mắt cô nhìn trân trân về phía trước như để tìm lại vóc dáng của người đàn bà ngồi khóc năm nào.

Từ đó Kim thay đổi.

Những bài hát trong năm tập phim tài liệu Hãy nói đều do Kim sáng tác. Không còn lời tình yêu đôi lứa mơ màng. Kim nói về khao khát sẻ chia của mỗi người trong một gia đình nhỏ và trong cả không gian lớn của nhiều gia đình gắn kết.

“Em ngạc nhiên khi nhận ra rằng bố mẹ đáng lẽ phải chia sẻ với con cái về chuyện giới tính. Nhưng nhiều cha mẹ Việt lại ngại ngùng và để con phải tự tìm những điều đó ở đâu đâu. Em cũng thấy nhiều người phụ nữ bán dâm không tệ như người ta vẫn nghĩ, bởi họ cũng chịu chuyện đau lòng vì nghề. Rồi sự ràng buộc vợ - chồng luôn làm nhiều phụ nữ thiệt thòi” – Kim chia sẻ.

Nhưng những lời cô nói không mạnh bằng âm nhạc và ca từ cô hát. Những đứa con gái ngoan. Họ không nói về sex… Nói chuyện với bố mẹ thì sợ bố mẹ lại trách. Nói chuyện với cô giáo là cả một khoảng cách. Nói chuyện với bạn bè thì không biết đường nào mà lần… Sex – có người nhận từ đó là cả sự yêu thương. Sex – có người nhận từ nó là cả sự đau thương – bài hát về sự cần thiết phải chia sẻ giữa cha mẹ và con cái.

Tôi sẽ tiến bước. Vẫn có ước muốn. Rằng cuộc sống vẫn luôn chờ tôi. Và bình minh chiếu soi hi vọng. Nghị lực cho tôi sức mạnh để sống. Một ngày mai vui một ngày mai sẽ không đơn độc.
Xung quanh tôi bên tôi. Bao nhiêu băngrôn. Bao nhiêu những lời đẹp hay. Ta luôn bên nhau, tay luôn chung tay. Giúp đỡ, không kỳ thị người ta – bài hát về những người có HIV chiến đấu với kỳ thị.

Và Kim mang tất cả những bài hát đó, những câu chuyện cô muốn kể ấy lên sân khấu. Sân khấu với đèn điện tử tân kỳ, những bước nhảy hip hop sôi động, khán giả phần lớn trẻ tuổi.

Nhạc rap Việt, qua Kim, chạm tới bản chất sâu xa của rap, khao khát tự do và hạnh phúc cho những người bất hạnh ở tầng lớp xã hội thấp, dễ bị tổn thương.

Vài ba câu chuyện về các ca sĩ – nghệ sĩ không thể nói hết được trào lưu cho một mô hình mới đang xuất hiện. Rồi khi có dịp, chúng ta sẽ nói thêm về lớp nghệ sĩ trẻ đang hình thành với những khả năng hoàn thiện đáng trân trọng, đang là một điều đáng mừng cho nền âm nhạc Việt. Và đặc biệt riêng với một lớp nghệ sĩ nữ, rõ ràng là chúng ta có thói quen nhìn họ về lâu nay như những người trình diễn giản đơn, nay đã đến lúc phải thay đổi dần bằng sự ngưỡng mộ và khâm phục. Bạn hãy ngẫm nghĩ xem, có phải không?
Theo Tuổi TrẻTuổi