Ném đá “Lon bà Cục”, “Lu bà Nghị”, văn hóa phản biện đang bị biến mất

17/07/2019 07:06
Trần Phương
(GDVN) - Rất nhiều người sẽ "ném đá" - đay nghiến người khác, nhưng bản thân họ chưa chắc đã làm được điều gì tốt đẹp.

Trong thời đại khoa học – công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi người có thể dễ dàng tương tác với nhau qua mạng xã hội bằng những ý kiến thẳng thắn. Và ở một góc độ nào đó, những góp ý thẳng thắn mang tính xây dựng (phê phán kèm theo giải pháp) cũng là một kênh tham khảo giúp cho các cơ quan chức năng làm việc tốt hơn. 

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái, ở đó là tràn lan các thông tin không được kiểm chứng, nhất là khi người ta nhằm vào cá nhân, vô tư lăng mạ, đay nghiến người khác, luôn đưa thông tin tiêu cực...

Việc bày tỏ ý kiến cá nhân là quyền của mỗi người, song điều tối kỵ khi nói về quan điểm cá nhân là chê bôi, xúc phạm người khác.

Dù ở bất kỳ thời đại nào thì lối hành xử như vậy cũng chỉ mang tính "bản năng", hẳn nhiên không phải cách ứng xử của những người có văn hóa.

Không khó để nhận ra một xu hướng gần đây của cộng đồng mạng chính là phong trào “ném đá, quăng gạch” vô tội vạ vào bất kỳ ai nếu như họ có những quan điểm khác với suy nghĩ của số đông.

Gần đây nhất, câu chuyện “Lon bà Cục” và “Lu bà Nghị” đã trở thành trò chế giễu của cộng động sử dụng mạng xã hội.

“Lon bà Cục” là câu chuyện râm ran từ ngõ hẻm ra đến đường cái quan về lý giải của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, rằng chữ “lon” “nếu bị thêm dấu thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất khủng khiếp”.

Còn “Lu bà Nghị” là câu chuyện vị Đại biểu Hội đồng nhân dân (đơn vị quận Gò Vấp) Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân nêu sáng kiến trang bị cho mỗi gia đình chiếc lu to chứa nước mưa để chống ngập cho thành phố.

Những phát ngôn của bà Cục trưởng hay vị Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có lẽ "khác thường" nên đã nhận rất nhiều phản ứng từ dư luận xã hội, trong số ấy có vô vàn lời lẽ chửi rủa thậm tệ.

Học sinh của ta vẫn chưa biết...cãi
Học sinh của ta vẫn chưa biết...cãi

Người ta cũng có lý khi nói rằng người dân có thể kém hiểu biết thì nói chưa chuẩn có thể hiểu được, còn cán bộ nhà nước có vị trí như thế mà phát ngôn "ngây thơ" không được chấp nhận. Và, ở nhiều quốc gia, sau khi "lỡ lời" thì thậm chí những vị này còn nhanh chóng từ chức.

Nhưng dẫu sao thì việc chỉ trích, thóa mạ người khác một cách thậm tệ trên mạng xã hội hoặc bằng bất cứ hình thức nào thì cũng là việc không nên. Bày tỏ ý kiến, quan điểm trái chiều cũng nên thể hiện một cách văn minh, còn chỉ nói cho sướng miệng mà không góp phần làm cho xã hội tốt lên thì cũng chỉ vô nghĩa.

Trước các ý kiến và đề xuất về “Lon” và “Lu” của các bà là những cuộc tranh luận không hồi kết về cải cách chữ viết của Giáo sư Bùi Hiền và Giáo sư Hồ Ngọc Đại hay cả vụ án có nhiều ý kiến trái chiều như vụ Nữ sinh giao gà ở Điện Biên, hay một vài biểu hiện tiêu cực của nền giáo dục Việt Nam, một số hình ảnh liên quan đến lực lượng Công an…

Việc phản biện những câu chuyện này sẽ không có gì đáng nói nếu những phản biện có tính văn hóa, có luận cứ, luận chứng chứng minh những cái chưa hợp lý và đưa ra những giải pháp mang tính góp ý cho vấn đề.

Phê phán, phản đối, mạt sát và tự động "ném đá" đang là cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người Việt. (Ảnh minh họa: Báo Công Lý)
Phê phán, phản đối, mạt sát và tự động "ném đá" đang là cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người Việt. (Ảnh minh họa: Báo Công Lý)

Tuy nhiên, thật tiếc là thay vì việc tranh luận có văn hóa, có tri thức thì một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội thích ném đá, mạt sát hơn là góp ý.

Việc “Cái Lon của bà Cục” và “Cái Lu của bà Nghị” đã chuyển thành những thứ chế giễu và tung ra những thứ rác văn hóa trên mạng xã hội, biến thành trò cười cả hang cùng ngõ hẻm, các nhà khoa  học cao tuổi như ông Hiền, ông Đại phải khốn khổ vì những lời mạt sát của thế hệ con cháu…

Những điều đó có đem lại kết quả gì không? Không gì cả! Tất cả chỉ làm những người đưa ra ý tưởng thêm tổn thương đau đớn.

Không một nhận ra hoặc cố tình không nhận ra rằng ý kiến đó là ý kiến cá nhân, có tính mới hay không, có áp dụng được vào thực tiễn hay không?

Được và chưa được như thế nào rất ít người đề cập đến vấn đề đó.

Văn hóa phản biện gần như đã bị giết chết trên diễn đàn của mạng xã hội.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng (Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) cho rằng: "Chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi việc đang cần đổi mới tư duy, tôn trọng mọi sáng kiến, phát minh.

Chúng ta cần tôn trọng cái mới nếu nó hợp lý hơn, tiến bộ hơn cái cũ. Mạng xã hội là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cần tôn trọng nhau, không nên thoải mái “ném đá”, nhất là những chuyện mình không nắm vững.

Phản biện là rất cần thiết nhưng phản biện phải có văn hóa và mang tính xây dựng. Văn hóa phản biện là nói đúng sự thật, nói có lý, không phải “a dua” một cách tùy tiện..."[2]

Nói về nguyên nhân việc thiếu văn hóa phản biện hiện nay, Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hoá nghệ thuật quốc gia cho rằng: "...Theo một số cuộc điều tra xã hội học, người Việt Nam đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều mà chủ yếu phục vụ thi cử hay hoàn thành một chứng chỉ, bằng cấp nào đó.

Vì thế trong nghiên cứu, học tập người Việt nặng về giáo điều, sao chép và học thuộc lý thuyết có sẵn.

"Lối học tầm chương, trích cú đó trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn tới thiếu tự tin, không dám vượt bỏ quá khứ". [2]

Có lẽ do vậy nên việc hình thành văn hóa phản biện của đa phần người Việt bị hạn chế rất nhiều. Chưa muốn nói là không có như hiện nay.

Nói về văn hóa phản biện, tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy đã nêu quan niệm: “Bản chất của tranh luận, phản biện chính là khoa học tìm tòi cái mới, cái tiên tiến, cái tốt hơn. Xây dựng “thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi” có nghĩa là cần có sự sáng tạo, phát triển nhưng vẫn giữ được “tôn sư trọng đạo”, thầy cô vẫn được tôn trọng, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc”.[3]

Chính người lớn, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội hàng ngày cũng kêu gào đòi hỏi phải có tính phản biện trong trường học, trong giáo dục và trong đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, thực tế rất ít bài viết, ý kiến có tính phản biện được nêu lên từ trên các phương tiện thông tin chính thống đến mạng xã hội.

Chúng ta muốn xây dựng, muốn tìm tòi cái mới thì tất phải xây dựng văn hóa phản biện nếu không cái mới, cái tiến bộ có thể chết ngay từ khi là ý tưởng ban đầu.

Sự thiếu văn hóa trong phản biện và bằng những hành động ném đá, mạt sát người khác có lẽ để thỏa mãn dục vọng nào đó của bản thân người ném đá mà thôi.

* Tài liệu tham khảo: 

[1] https://baoquocte.vn/gs-nguyen-lan-dung-phan-bien-phai-co-van-hoa-77899.html

[2] https://vnexpress.net/thoi-su/vien-truong-van-hoa-nguoi-viet-qua-tin-vao-may-rui-3895502.html

[3] http://www.dangcongsan.vn/khoa-giao/xay-dung-van-hoa-tranh-luan-phan-bien-494028.html

Trần Phương