Xin cảm cảm ơn những ngày đi bộ tới trường!

22/12/2019 06:06
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Từ lớp 1 cho đến lớp 10 (hệ 10 năm), chúng tôi đến trường bằng đôi chân cuốc bộ không bao giờ mệt mỏi.

Cũng như bao bạn bè miền quê khác trên miền Bắc vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX chúng tôi lớn lên ở vùng nông thôn, quanh năm công việc ruộng đồng vất vả.

Từ lớp 1 cho đến lớp 10 (hệ 10 năm), chúng tôi đến trường bằng đôi chân cuốc bộ không bao giờ mệt mỏi.

Khi còn lớp nhỏ, nhà chúng tôi cũng gần trường (chừng một cây số) cũng đỡ phần nào nhưng lên đến cấp 2 (lớp 5, 6, 7) và cấp 3 (lớp 8, 9, 10) thì trường càng xa vì hồi ấy, cứ vài ba xã mới có trường cấp 2, cả huyện mới có một trường cấp 3.

Ba năm học cấp 3 (niên khóa 1971- 1974), chúng tôi học xa nhà đến 8 cây số.

Lớp học thời chiến (Ảnh: tư liệu).
Lớp học thời chiến (Ảnh: tư liệu).

Lúc này, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của Mỹ vào thời kỳ ác liệt. Vậy mà chúng tôi hầu như không nghỉ học buổi nào.

Sáng thức dậy trước 5 giờ, tranh thủ học lại bài dưới ngọn đèn dầu. Xong vào bếp cầm vài củ khoai lang mẹ vừa nấu chín rồi cuốc bộ tới trường…

Đi học sớm có nhiều cái lợi. Đó là tránh được máy bay Mỹ ném bom cầu cống, kho tàng mà trên đường đi học thường gặp.

Sau này chúng tôi mới biết, máy bay Mỹ đánh theo kiểu hiện đại, đúng giờ giấc (sáng từ 7 giờ đến 11 giờ; chiều từ khoảng 13 giờ đến 5 giờ thì nghỉ; trừ những trường hợp đánh ban đêm).

Bên cạnh đó là đi sớm, vừa đi vừa “truy bài” lẫn nhau, kiến thức vừa nhớ lâu, vừa khắc sâu để có dịp sử dụng sau này…

Các xóm khác, xã khác cũng tụm năm, tụm ba đến trường bằng phương tiện xe “căng hải” (xe hai cẳng, tức đi bộ bằng hai chân) chúng tôi vừa đi vừa học bài, vừa trò chuyện nên có khi đến trường  lúc nào không biết.

Nếu được phân công làm trực nhật, công việc không hề đơn giản là quét lớp và lau bảng mà còn phải làm các công việc khác ngoài khuôn viên lớp.

Đó là phải thức dậy sớm hơn, các loại vật dụng như than giã nhuyễn; một thân cây chuối nhỏ để nhúng vào bột than, lau bảng cho đen. Tất cả đều phải chuẩn bị xong xuôi vào chiều hôm trước; gói bằng lá chuối, cột dây đàng hoàng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục từng đi bộ 120 km tới trường

Dọn dẹp trong lớp xong, phải chia nhau đi kiểm tra hào giao thông, hầm Triều Tiên; xem có 2 con rắn, rết, chuột… rơi xuống thì bắt đem ra ngoài.

Chưa hết, thầy chủ nhiệm còn đi tới kiểm tra việc lau bảng đen, việc quét lớp và dạo quanh các hầm hào xem dọn sạch hay chưa…

Vào ngày mùa thu hoạch, học sinh được nghỉ mùa một tuần để giúp gia đình thu hoạch theo từng hợp tác xã. Chúng tôi lại hăm hở ra đồng bằng đôi chân trần, cũng bẻ ngô, đào khoai, đào lạc, tuốt củ lạc mang về kho hợp tác xã…

Vào lớp học xong, chúng tôi lại cuốc bộ trở về dưới nắng gắt hoặc mùa mưa phùn ẩm ướt. Những màu áo nâu, áo xanh lầm lũi bước, mong cho mau đến nhà để có cơm ăn (dù độn khoai, độn ngô)…

Nhờ có thời gian đi bộ nhiều, nên hồi đó dù thiếu thốn đủ thứ nhưng hầu như chúng tôi ít bị bệnh lặt vặt, sức khoẻ tốt nên công việc nhà nông vẫn làm trôi chảy…

Sau này vào bộ đội, những người lính vùng nông thôn chúng tôi chịu cực giỏi hơn; sức khỏe bền hơn, vận động tốt hơn…

Thói quen đi bộ của chúng tôi vẫn còn. Mỗi sáng, mỗi chiều đều đi bộ để có sức khỏe dẻo dai… Xin cảm ơn những tháng ngày đi bộ đến trường thuở ấy!

LÊ ĐỨC ĐỒNG