Mặt trái của các kỳ thi học sinh giỏi

22/01/2021 06:52
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đi thi học sinh giỏi, học sinh buộc phải tập trung học môn mình chọn thi, nên tình trạng học lệch đã và đang xảy ra, đặc biệt là ở các trường chuyên, lớp chọn.

Chuyện thi học sinh giỏi đã có từ lâu ở nước ta, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó vô vàn tác động tiêu cực đến mục đích giáo dục nói chung và mỗi cá nhân học sinh nói riêng.

Tác động tiêu cực lớn nhất đến xã hội chính là tạo ra sự lầm tưởng tai hại, “đỗ học sinh giỏi là người tài”.

Chính vì mong muốn con mình thành người tài nên phụ huynh đã tìm mọi cách để con mình đạt học sinh giỏi, đỗ học sinh giỏi.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Muốn học trò mình thành người tài, thầy cô giáo đã phải “luyện gà chọi” trong quá trình dạy học. Không ít người cho rằng “học sinh giỏi phải biết trước, biết tuốt” nên bồi dưỡng học sinh giỏi buộc giáo viên phải dạy trước chương trình, lấy kiến thức lớp trên dạy cho lớp dưới mới “đi tắt, đón đầu” đề thi học sinh giỏi được.

Đề thi học sinh giỏi năm nay khó hơn năm trước; nên mới có câu chuyện “Đề thi học sinh giỏi dành cho tiến sĩ, giáo sư: Gây mất cảm hứng văn chương”. [1]

Chính đề thi học sinh giỏi càng ngày càng khó vô hình trung đã làm mất hứng thú học tập của học sinh, hứng thú dạy học sáng tạo của giáo viên.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã nói “Cách dạy hiện nay gọi là thợ giải bài tập thôi chứ không phải học để phát triển đi theo ngành chuyên môn nào đó, phát triển lên đỉnh cao”.[2]

Chính vì vậy, hôm nay, ngày mai, cứ từ từ, cả xã hội đã vô hình trung vào vòng xoáy dạy thêm, học thêm với phương châm và mục tiêu đạt được danh hiệu học sinh giỏi, đỗ học sinh giỏi.

Giáo dục đã tạo ra rất nhiều học sinh giỏi từ cấp lớp, cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thế nhưng chúng ta đã bỏ đi vai trò cốt yếu nhất của giáo dục, đó là dạy con người sống tử tế, làm người tử tế.

Tổ chức thi học sinh giỏi như hiện nay có đi ngược lại mục tiêu giáo dục phổ thông đã quy định trong Luật Giáo dục?

Để đi thi học sinh giỏi, học sinh buộc phải tập trung học môn mình chọn thi, nên tình trạng học lệch đã và đang xảy ra, đặc biệt là ở các trường chuyên, lớp chọn.

Điều 29 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: “Điều 29. Mục tiêu của giáo dục phổ thông

1. Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

3. Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

4. Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’.[3]

Vì vậy theo cá nhân người viết, Bộ nên bỏ ngay việc tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh phổ thông như đang làm lâu nay, có như thế mới đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định của Luật Giáo dục; ít nhất là bỏ thi học sinh giỏi ở tiểu học và trung học cơ sở.

Có như thế chúng ta mới bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/de-thi-hoc-sinh-gioi-danh-cho-tien-si-giao-su-gay-mat-cam-hung-van-chuong-1330472.html

[2]https://congluan.vn/giao-su-nguyen-minh-thuyet-truong-chuyen-dang-dao-tao-tho-giai-bai-tap-post83859.html

[3]https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai