Vay 30 triệu đồng học nâng chuẩn vẫn bị xếp Chưa đạt, giáo viên nặng trĩu tâm tư

13/06/2021 07:09
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mất tiền lớn đi học ngỡ được khuyến khích động viên, ai dè cuối năm vẫn bị xếp loại chuẩn nghề nghiệp là Chưa đạt, nghĩ mà chán.

Tâm tư nặng trĩu của những giáo viên tự bỏ tiền túi để học nâng chuẩn

30 triệu đồng nộp học phí cho 2 năm học nâng chuẩn trình độ đào tạo từ cao đẳng lên đại học là số tiền quá lớn đối với nhiều nhà giáo hiện nay.

Giáo viên tiểu học phải có bằng đại học (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Giáo viên tiểu học phải có bằng đại học (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Cô giáo D. một đồng nghiệp của tôi cho biết: “Giá đình em hiện khá khó khăn vì đang phải nuôi 2 con học đại học. Ngôi nhà cả gia đình đang ở dột nát vào mùa mưa, nắng nóng như thiêu đốt vào mùa hè nhưng vẫn chưa có tiền để sửa chữa.

Thế nhưng, trước yêu cầu cấp bách của nghề, em đành bấm bụng đi vay 30 triệu đồng nộp học phí cho 2 năm học nâng chuẩn từ cao đẳng lên đại học chứ đợi học theo lộ trình của Bộ Giáo dục thì lâu quá. Số tiền lớn như thế, tiền lời mỗi tháng một tăng, lãi mẹ đẻ lãi con cũng chẳng biết bao giờ mới trả xong.

Điều đáng buồn, bằng tốt nghiệp thì chưa kịp lấy do dịch Covid nên trường hoãn dạy miết. Mất tiền lớn đi học ngỡ được khuyến khích động viên, ai dè cuối năm vẫn bị xếp loại chuẩn nghề nghiệp là Chưa đạt, nghĩ mà chán”.

Cô giáo L. giáo viên hợp đồng dù chưa có gia đình nhưng vẫn lâm vào tình cảnh khó khăn không kém do tự đi học nâng chuẩn. Cô L. cho biết: “Em tốt nghiệp cao đẳng đi dạy hợp đồng được 3 năm với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Số tiền này, dù tằn tiện đến mức tối đa vẫn chưa đủ cho sinh hoạt bản thân. Đã thế, 3 tháng hè bị cắt lương đã thấy khốn khổ nhưng em vẫn sẵn sàng vay 30 triệu đồng để đăng ký đi học nâng chuẩn.

Nếu không bị dịch Covid, em đã lấy bằng đại học từ năm ngoái. Năm nay, dịch lại bùng phát cũng chưa biết khi nào nhà trường mới tổ chức dạy lại để lấy bằng. Cũng vì chưa có bằng, em và mấy bạn cũng bị xếp loại chuẩn nghề nghiệp Chưa đạt. Với một giáo viên hợp đồng như em mà bị đánh giá Chưa đạt nghĩ buồn lắm”.

Đó chỉ là một vài tâm tư trĩu nặng nỗi buồn của những giáo viên đang tự nguyện bỏ tiền túi của mình đi học nâng chuẩn trình độ nhưng vẫn bị đánh giá là chưa nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Giáo viên đang theo học đại học chính là nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ Thông tư số: 20/2018/TT-BGDĐT quy định: Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Dựa vào những tiêu chuẩn này, có thể khẳng định chắc chắn rằng những thầy cô giáo đang theo học đại học đang rất cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Với yêu cầu: Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ nhiều thầy cô giáo chưa đạt chuẩn trình độ vẫn đáp ứng tốt yêu cầu này.

Đơn cử, Cô giáo D. (nhân vật chúng tôi nói đến ở trên) vốn là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, là tổ trưởng chuyên môn, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, giấy khen của chủ tịch thị xã…

Nếu cứ căn cứ vào việc chưa có bằng đại học là chưa đạt chuẩn để xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên là Chưa đạt thật không hợp lý chút nào.

Bởi thế, chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khuyến khích những giáo viên đã tự bỏ tiền túi để đi học bằng việc ghi nhận những giáo viên đang học đại học chính là đang nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục để không bị khống chế vào Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ là chưa đạt chuẩn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết