Tới thăm Trường mầm non Quán Trữ (quận Kiến An, Hải Phòng) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi, hăng say của các giáo viên nhà trường nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Ấn tượng đầu tiên khi tham quan ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 này đó là khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh.
Các dãy nhà được xây dựng hợp lý, có tính thẩm mỹ cao với các phòng học, phòng chức năng tiện nghi, sạch sẽ, thoáng mát.
Đáng chú ý, không gian cất giữ đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu cũng như đồ dùng cá nhân của trẻ khá phù hợp, để trẻ dễ dàng tiếp cận.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Bình luôn tràn đầy nhiệt huyết với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ (ảnh: Lã Tiến) |
Trong các lớp học, trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường nhằm phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ cho trẻ mầm non.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Quán Trữ chi sẻ: “Để có được một ngôi trường khang trang, sạch đẹp như hôm nay phải kể đến sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường.
Trong số đó, cô giáo Phạm Thị Thanh Bình (sinh năm 1970), Tổ trưởng chuyên môn khối 5 tuổi của trường có đóng góp không nhỏ”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên cuộc sống của cô giáo trẻ Thanh Bình cũng muôn phần khó khăn vất vả.
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm mẫu giáo Hải Phòng, cô Bình xin về công tác tại Trường mầm non Quán Trữ.
Mặc dù mới ra trường, nghề giáo viên mầm non đem lại cho cô Bình đồng lương ít ỏi nhưng cô vẫn luôn cần mẫn với công việc chăm sóc trẻ thơ.
Gần 30 năm năm gắn bó với nghề, cô giáo Bình luôn dành hết tâm huyết, tình yêu, niềm say mê với sự nghiệp nuôi dạy trẻ.
Cô giáo Bình quan niệm: “Giáo viên mầm non rất vất vả, phải làm nhiều công việc không tên nên muốn gắn bó với nghề trước hết phải yêu nghề và thực sự tâm huyết với nghề”.
Cũng theo cô Bình, cô được Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ nuôi dạy trẻ lớp 5 tuổi, độ tuổi các con chuẩn bị vào lớp 1 thường hiếu động, nghịch ngợm.
Do đó, cô phải rèn cho trẻ những kỹ năng như: kỹ năng lật, dở sách, cầm bút tô vẽ bài, tô màu, đặc biệt là làm quen với việc đọc và viết để khi bước vào lớp 1 trẻ khỏi bỡ ngỡ.
Đồng thời, cô Bình còn rèn cho trẻ tính chủ động, tự tin và sáng tạo trong các hoạt động của học sinh.
Trong các giờ học, cô Bình còn lồng ghép dạy trẻ các kỹ năng sống như: kỹ năng ứng xử với người lạ khi bố mẹ vắng nhà; kỹ năng xử lý tình huống khi bị lạc ở nơi đông người.
Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, cô Bình cùng các giáo viên đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc trẻ, hướng dẫn các con thường xuyễn rửa tay, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch.
Mặc dù là một trong những giáo viên lớn tuổi của Trường mầm non Quán Trữ, nhưng cô giáo Bình luôn không ngừng học hỏi, sáng tạo trong các hoạt động dạy và học tại trường.
Cô luôn tìm tòi, học thêm trên mạng và học đồng nghiệp về công nghệ thông tin để áp dụng vào các hoạt động giảng dạy trong trường.
Cô thường đến trường rất sớm và là người hay về muộn nhất. Tranh thủ thời gian rảnh dỗi, cô Bình không quản ngại giúp đỡ các giáo viên trẻ.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Bình hướng dẫn trẻ cách cầm bút tô màu (Ảnh: Lã Tiến) |
Ban ngày chăm trẻ, đến tối về nhà, cô không ngừng suy nghĩ, trăn trở làm sao có những cách làm sáng tạo, tốt nhất giúp Tổ chuyên môn khối 5 tuổi phát triển, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Quán Trữ đánh giá: “Cô giáo Bình rất trách nhiệm với công việc, có ý thức, thái độ làm việc tích cực.
Cô luôn đến sớm, về muộn nhất trường, thường xuyên giúp đỡ các giáo viên trong tổ và các giáo viên trẻ của trường.
Cô Bình luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động dạy và học tại nhà trường, được các bậc phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu quý”.