Truyền thông thể thao VN bị “trói” Tìm hiểu về nội dung bản hợp đồng bán bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) với Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG), chúng tôi giật mình vì thấy câu chuyện không chỉ dừng ở bản quyền truyền hình. Nó lớn hơn nhiều khi bao trùm toàn bộ loại hình truyền thông như báo in, Internet, truyền thanh...
Đài truyền hình VTC bị ban tổ chức sân Lạch Tray mời ra khỏi sân trong trận V.Hải Phòng - Navibank Sài Gòn cuối tuần qua. |
Trong văn bản 1105 của VFF do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 30-12-2011 gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) nhằm thuật lại toàn bộ quá trình làm việc để dẫn đến bản hợp đồng của VFF với AVG có nêu nội dung: “Ngày 8-12-2010, VFF đã ký hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG, theo đó cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá tại VN từ năm 2010-2030”. Nhưng sự thật không chỉ như vậy, mà hợp đồng 08 này, do ông Trần Quốc Tuấn ký, đã bán thương quyền truyền thông bóng đá VN cho AVG, chứ không chỉ bản quyền truyền hình.Thương quyền là gì? Ở phần phạm vi hợp tác trong bản hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG nêu rõ: “Thương quyền có nghĩa là tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như truyền hình, Internet, thiết bị thông tin cố định và di động và quyền khai thác doanh thu trên báo, tạp chí, sách...”. Đọc phần định nghĩa về thương quyền trong bản hợp đồng, chúng ta thấy rõ câu chuyện không chỉ dừng lại ở lĩnh vực truyền hình, mà AVG nắm bản quyền chi phối toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến truyền thông. Nghĩa là báo viết, báo mạng, phát thanh... đều bị chi phối bởi bản hợp đồng này. Cũng trong hợp đồng, ở điều 2 (phạm vi hợp tác), khoản 5 về thương quyền của bên B (AVG) đối với các giải bóng đá và các sự kiện và thông tin bên lề theo hợp đồng này sẽ chỉ bị giới hạn bởi các trường hợp sau: Trong đó ở phần (ii) ghi “quyền được trích dẫn tối đa 10% thời lượng bất kỳ trận đấu nào trong các giải bóng đá, quyền đưa tin viết bài về các giải bóng đá...”. Một luật sư giải thích điều này có nghĩa là các phương tiện truyền thông chỉ được trích dẫn tối đa 10% thời lượng bất kỳ trận đấu nào trong các giải bóng đá ở VN khi đưa tin, viết bài. Từ nay đến năm 2030, khi các giải đấu thật sự hay, thu hút được đông đảo người hâm mộ, các loại hình báo chí chứ không riêng gì truyền hình khi muốn đưa tin, viết bài đều phải xin phép hoặc mua bản quyền từ AVG. Cả làng truyền thông thể thao VN đã bị “trói” theo bản hợp đồng của VFF với AVG chứ không riêng gì truyền hình!Trách nhiệm thuộc về Bộ VH-TT&DL Các ông bầu đang lãnh đạo VPF khẳng định chỉ mới các giải Super League, V-League (hạng nhất trước đây), Cúp quốc gia, họ sẽ thu trên 70 tỉ đồng/ba năm theo chuyện bán bản quyền truyền hình. Còn nếu được trọn gói bóng đá VN như VFF bán cho AVG, trong đó đặc biệt quan trọng là các trận đấu của các đội tuyển quốc gia, chắc chắn số tiền sẽ cao hơn nữa. Vậy mà VFF chỉ nhận 6 tỉ đồng + tăng 10% mỗi năm! Ấy vậy mà VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình, mà bán luôn cả thương quyền truyền thông!
Trao đổi về hợp đồng VFF đã ký với AVG, ông Trần Quốc Tuấn cho biết khi đó ông chỉ là người được VFF cử làm đại diện để ký với AVG. Tất cả những vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng, chuyển giao thương quyền, theo ông Tuấn, hiện nay phải hỏi ông Nguyễn Trọng Hỷ và ông Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên mọi nỗ lực để liên lạc với ông Hỷ và ông Dũng đều bất thành.
Tại sao VFF lại bán thương quyền truyền thông bóng đá VN với giá rẻ mạt như vậy? Trước đây, đã có lúc chúng tôi không cho rằng số tiền 6 tỉ đồng/năm là rẻ, vì trước đó VFF thu tiền từ truyền hình thấp hơn thế nhiều (cụ thể gần 4 tỉ đồng cho năm 2010). Nhưng nay khi phát hiện VFF không chỉ bán bản quyền truyền hình mà bán cả thương quyền truyền thông, quả tình cái giá 6 tỉ đồng + tăng 10% mỗi năm là quá thấp. Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho đầy đủ, phần lỗi chính trong việc bán rẻ này không chỉ thuộc về mỗi mình VFF, mà trách nhiệm chính ở Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL). Trong văn bản 1105 của VFF đã tường thuật rõ ràng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL. Vì vậy không chỉ có mỗi mình VFF, nhiều liên đoàn khác cũng bán trọn gói thương quyền truyền thông cho AVG. Cụ thể, chúng tôi xem xét hợp đồng của Liên đoàn Điền kinh VN với AVG thì thấy giống gần y chang hợp đồng của VFF với AVG! VFF (và một số liên đoàn khác) đã không dũng cảm như Liên đoàn Quần vợt VN thẳng thắn nói không với chỉ đạo của bộ về việc ký hợp đồng bán bản quyền truyền thông quần vợt cho AVG, với lý do “mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu”! Chính do mọi việc xuất phát từ Bộ VH-TT&DL, nên vừa qua các ông bầu lãnh đạo VPF đã không có niềm tin khi thanh tra bộ này vào cuộc thẩm định hợp đồng của VFF với AVG. Họ đã phải “kêu cứu” đến Thủ tướng và hi vọng mọi việc sẽ được sáng tỏ.
Theo Tuổi trẻ