Đa số sinh viên, thanh niên Việt Nam sợ thay đổi, ghét thử thách

17/04/2014 06:06
Diện Hứa
(GDVN) - "Trung thành với hiện tại và thường không muốn có sự thay đổi hay sợ những thử thách là tinh thần tầm thường", diễn giả Nam Jin Hyang nói.

Tinh thần sai thì hướng đi sai

Mỗi người sinh ra, trải qua quá trình phát triển đều cần được giáo dục. Để từ đó xây dựng tinh thần đúng đắn cho mình. Vì nếu tinh thần sai lầm thì con người sẽ đi theo hướng sai trái.

Nói về điều này,một ví dụ thực tế được đưa ra như sau. "Tôi xin kể về một bộ tộc ở Châu Phi, bộ tộc Kassena. Bộ tộc này họ xây nhà rất độc đáo bằng phân bò và bùn đất. Vì họ quan niệm, phân bò có độ kết dính và dẻo dai hoàn hảo để sẵn sàng chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt và sự tấn công của thú dữ.

Một điều đặc biệt ở đây là họ có tư duy sáng tạo và độc đáo, tuy nhiên họ lại không biết chữ và không được giáo dục. Vậy khi nhà nước có chế độ xóa mù chữ, bắt buộc phải đi học thì những gia đình trong bộ tộc Kassen chỉ cho một người được đi học. Khi đó, sự phân biệt giữa ai sẽ được đi học và ai phải ở nhà để thực hiện nghĩa vụ gia đình thể hiện rõ ràng. Nếu gia đình nào có hai anh em thì người em sẽ được đi học, còn anh phải ở nhà. Chính vì không có nền tảng giáo dục, từ nhiều thế hệ, bộ tộc Kassen không thể thay đổi được tư tưởng của mình, dẫn đến tinh thần và hướng đi sai lầm".

Trên đây là câu chuyện diễn giả Nam Jin Hyang - Chuyên gia Định hướng kỹ năng sống Quốc tế nêu ra để nói về các cấp độ tinh thần của con người, đặc biệt ở giới trẻ, sinh viên Việt Nam. Từ những kinh nghiệm diễn giả nhiều lần trong các buổi "Định hướng kỹ năng sống" cho sinh viên Việt Nam, ông đưa ra một nhận định: sinh viên Việt Nam nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung đa số có tinh thần ở cấp ba, là tinh thần tầm thường.

Vậy các cấp độ tinh thần được phân tích thế nào? và hướng đi nào để giới trẻ Việt Nam vượt qua được cấp độ tinh thần ba để đạt được thành công? Chính là nội dung diễn giả Nam Jin Hyang thể hiện tại buổi "Định hướng kỹ năng sống: Những mô thức thành công và hạnh phúc" tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam vừa qua.

Diễn giả Nam Jin Hyang - Chuyên gia Định hướng kỹ năng sống Quốc tế cùng phiên dịch trong chương trình " Định hướng kỹ năng sống - Những mô thức thành công và hạnh phúc". Ảnh: DH
Diễn giả Nam Jin Hyang - Chuyên gia Định hướng kỹ năng sống Quốc tế cùng phiên dịch trong chương trình " Định hướng kỹ năng sống - Những mô thức thành công và hạnh phúc". Ảnh: DH

Trung thành với hiện tại vì tâm lý sợ nguy hiểm

Theo diễn giả, tinh thần con người có năm cấp, để hiểu hơn ta ví như cấp nước.

Mỗi cấp nước có một giá trị khác nhau, như nước biển có giá trị làm muối thì nước lọc có giá trị để uống. Đặc trưng của nước là cái để thể hiện giá trị sử dụng của nó.

Con người cũng như vậy. Người thành công và hạnh phúc chắc chắn là người có một tinh thần quyết tâm cao, luôn tìm tòi thử thách để vượt qua. Còn những người khác chỉ sống trung thành với hiện thực, tinh thần không bình thường hoặc những người không vượt qua nhu cầu bản năng của mình.

Mỗi con người đều có những tinh thần như vậy, tuy nhiên cần điều hòa nó để trở thành người thành công và hạnh phúc phải có cấp độ tinh thần cao nhất.  Dựa vào những nghiên cứu cùng kinh nghiệm diễn giả về kỹ năng sống trong nhiều năm, diễn giả Nam Jin Hyang khái quát năm cấp độ tinh thần mà con người có.

Cấp độ năm là cấp độ thấp nhất, đó là khi con người sống theo nhu cầu xác thịt, không vượt qua bản năng của mình; cấp độ bốn là tinh thần không bình thường, nghiện các trò chơi, hay phim ảnh; câp độ ba là những người tinh thần tầm thường, trung thành với hiện thực; vươn đến cấp độ hai là cấp độ những người thành công có đó là tinh thần thử thách vượt qua giới hạn và cuối cùng cấp độ cao nhất là một người có được tinh thần thành công và hạnh phúc.

Sinh viên Việt Nam đang có mức tinh thần tầm thường. Đó là cấp tinh thần ở giữa, khi có thời gian rảnh rỗi, tinh thần của mỗi người có thể đi xuống hoặc đi lên.

Diễn giả phân tích kỹ hơn về cấp độ ba như sau. Theo truyền thống người Việt Nam, lối sống theo phép tắc lễ nghĩa. "Phép vua thua lệ làng" nên sự giáo dục con cái của người Việt khắc nghiệt hơn theo phong tục tập quán của từng dân tộc. Dù vậy, thì con cái của người Việt được bao bọc từ nhỏ, ít khi họ cho trẻ con được khám phá vì tâm lý lo sợ. Như ở Việt Nam, khi con cái lập gia đình mới được ra ở riêng, còn ở các nước phát triển như Mỹ, khi đủ mười tám tuổi họ đã có thể để con tự ở riêng.

Từ đó, khi lớn lên, đi học tâm lý bao bọc của cha mẹ kéo theo đó là sự lo sợ nguy hiểm thì giới trẻ Việt Nam thường hài lòng với thực tế sẵn có. Biểu hiện rõ nhất là tư duy phê phán yếu kém và hầu như không có ở các trường học Việt Nam. Nhiều trường hợp học sinh biết, nhưng không dám nêu ý kiến cá nhân của mình vì  sợ bị phê phán, tẩy chay.

Tinh thần trung thành với hiện tại sẽ khiến sinh viên ỉ lại, không có những bước đột phá và cơ hội thành công ít hoặc hầu như không có. Cách để những người có tinh thần tầm thường vươn lên thành công là thay đổi cấp độ tinh thần của mình.

"Để đạt thành công, các bạn cần có tinh thần thử thách và vượt qua giới hạn", diễn giả Nam Jin Hyang nhấn mạnh.

Thành công nhờ có tinh thần thử thách và vượt qua giới hạn

Có tinh thần thử thách và sẵn sàng vượt qua giới hạn các bạn sẽ thành công và hạnh phúc. Ảnh minh họa
Có tinh thần thử thách và sẵn sàng vượt qua giới hạn các bạn sẽ thành công và hạnh phúc. Ảnh minh họa

Chắc hẳn các bạn luôn tự hào về người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1980, Phạm Tuân. Đó chính là một ví dụ điển hình về tinh thần dám đến thử thách và vượt qua giới hạn để vươn tới thành công. Thử thách sẽ có khó khăn, nguy hiểm nhưng khi vượt qua được nó ta sẽ thấy tinh thần sảng khoái, được hạnh phúc và biết được giá trị tiềm năng của bản thân. Vậy làm sao để vượt qua được tinh thần tầm thường để hướng tới thành công và hạnh phúc? Đó là một quá trình thay đổi từ suy nghĩ đến hành động.

Ông Nam Jin Hyang đưa ra một ví dụ rất thực tế  là: trong môn thể thao bóng đá. Bản chất của môn thể thao này hiểu đơn giản là cuộc thi giữa hai đội, đội nào đá bóng vào ngôn nhiều nhất sẽ thắng. Vậy lúc đội chúng ta đá vào, chúng ta sung sướng hò hét. Nhưng các bạn hãy tưởng tượng, nếu một mình bạn và khung thành, bạn sút vào, liệu bạn có hò hét sung sướng? Hay khi bạn vượt qua được những cầu thủ của đội bạn, cùng thủ ngôn, bạn sút vào thì bạn mới vui?

"Vậy từ suy nghĩ đó, các bạn sinh viên Việt Nam hãy biến nó thành hành động và tự cho mình những niềm vui khi đối mặt với thử thách. Luôn có suy nghĩ tích cực, tin tưởng vào kết quả đạt được. Như vậy các bạn sẽ đạt được thành công". Đó chính là lời khuyên của ông Nam Jin Hyang đối với sinh viên Việt Nam. Có tinh thần thử thách và sẵn sàng vượt qua giới hạn các bạn sẽ thành công và hạnh phúc.

Diện Hứa