Theo TS Đỗ Vân Nam, Phó Trưởng phòng Công nghệ và Khoa học Nano – Viện Tiên tiến KH&CN, Đại Học Bách Khoa (Hà Nội), việc tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu, nhà khoa học có được điều kiện làm việc thuận lợi nhất sẽ là cơ sở để gìn giữ chất xám, tài sản trí tuệ.
Việt Nam ngày càng tụt hạng trên bản đồ trí tuệ thế giới theo báo cáo Chỉ số Đổi mới toàn cầu năm 2013 - Global Innovation Index 2013 (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện. Nguyên nhân một phần do Việt Nam đang bị bào mòn về trí tuệ. Chuyện “chảy máu chất xám” không còn là hiện tượng mà là nguy cơ của Việt Nam khi nhìn vào những con số.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục&Đào tạo, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, theo đó, năm học 2010-2011 có 98.536 người, năm học 2011-2012 có 106.104 học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.
Con đường du học của học sinh, sinh viên Việt Nam khá đa dạng nhưng nếu tính một suất du học tốn tối thiểu 10.000-15.000 USD (có thể cao hơn) thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài 1-1,5 tỉ USD. Trong khi đó số lượng du học sinh sau khi được du học trở về rất thấp chỉ chiếm khoảng 30%.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến du học sinh sau khi được đào tạo tại nước ngoài không muốn trở về Việt Nam làm việc? Để tìm câu trả lời, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Vân Nam.
Năm 2009 sau 5 năm làm việc tại Pari (Pháp), TS Đỗ Vân Nam quyết định trở về Việt Nam làm việc tại Trường ĐH Bách Khoa. TS Đỗ Vân Nam cho biết: “Tôi trở về làm việc trong nước vì muốn tìm một điểm cân bằng trong cuộc sống, với lý do cá nhân chứ không “đao to búa lớn” theo nghĩa mà mọi người hau nói. Khi quyết định về Việt Nam làm việc tôi biết trước chắc chắn tiền lương cùng với điều kiện làm việc sẽ không thể bằng tại Pháp”.
TS Đỗ Vân Nam trong buổi trò chuyện với phóng viên (ảnh H.Lực) |
Theo lời kể của TS Đỗ Vân Nam, khi rời làm việc tại Pháp với mức lương 2.400 EUR (tương đương hơn 60 triệu đồng/tháng) để trở về nhận mức lương cơ bản hơn triệu đồng cùng điều kiện làm việc kém hơn ai cũng nghĩ anh sai lầm. “Khi làm nghiên cứu sinh, lương tôi là 1.400 EUR. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tôi làm việc tại Viện Điện tử cơ bản thuộc Trường Đại học Pari – Sud (Pari 11) với mức lương khoảng 2.400 EUR”, TS Nam cho biết.
Quan điểm thứ hai ngược lại, mặc định phân chia thế giới thành các vùng, miền riêng biệt, và có sự phân biệt lợi ích dân tộc hay lợi ích quốc gia. Theo đó, nếu xem mỗi một con người là một phần của một quốc gia thì trí tuệ của họ sẽ là tài sản quốc gia, và rõ ràng khi quốc gia không giữ được tài sản ấy thì đó là một sự mất mát.
Trong khi đó, nêu về quan điểm của mình TS Đỗ Vân Nam cho rằng mỗi quốc gia và dân tộc phải bảo vệ, giữ gìn và tìm cách làm giàu hơn những tài sản mà mình đang có, trong đó có tài sản trí tuệ, chất xám.
"Tuy nhiên, tài sản trí tuệ, chất xám chỉ tồn tại trong sự vận động nên không thể chỉ giữ khư khư một chỗ, mà phải tạo các điều kiện thuận lợi cho nó được phát triển, sinh sôi nảy nở. Nếu một quốc gia không làm được điều này thì việc giữ gìn, níu kéo các tài sản trí tuệ là vô nghĩa, và khi đó sự mất mát hay chảy máu chất xám là đương nhiên, không tránh khỏi”, TS Nam nêu bất cập.
Trong lứa tuổi của mình, TS Đỗ Vân Nam cho biết nhiều bạn bè sau khi học xong tại các nước không muốn về Việt Nam làm việc nguyên nhân của nó có cả hai phía. Nhưng chung quy lại là do bản thân du học sinh và người tuyển dụng lao động trong nước chưa gặp nhau ở một điểm, suy nghĩ quan điểm còn vênh nhau.
Hơn nữa, việc du học ngày nay có nhiều hình thức, bản thân du học sinh cũng nhiều trình độ khác nhau. “Không phải ai đi du học cũng đều giỏi, xuất sắc cả. Tuy nhiên sau khi du học về thường nhiều người tự ưỡn ngực khen mình cho rằng ta đi du học ta phải được làm việc chỗ xứng đáng, ngồi ở vị trí cao, suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm”, TS Nam cho biết.
Ở vế ngược lại, nhiều nhà tuyển dụng lao động khi thấy du học sinh với tấm bằng đỏ trên tay cùng kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn còn hoài nghi về khả năng làm việc. “Việc hoài nghi, dè dặt không sử dụng đúng người đúng việc dẫn đề nhiều du học sinh sau khi về nước xin vào làm một cơ quan nhưng sau 1 năm chỉ chạy đi chạy lại không được làm đúng chuyên môn dẫn đến chán nản dần dần không muốn cống hiến, chuyên môn cái được đào tạo từ đó cũng mất đi”, TS Nam nêu vấn đề.
Vì thế để giải quyết vấn đề này TS Nam cho rằng bản thân du học sinh nếu có ý định trở về nước làm việc cần phải hiểu và không nên so sánh mức lương, điều kiện làm việc… Những thứ đó chúng ta không thể bằng được các nước. Ngược lại với cơ quan tuyển dụng nên mạnh dạn sử dụng du học sinh vào đúng chuyên môn, không dè dặt lo ngại.
“Thường du học sinh khi mới về nước có một ý chí hào hứng cống hiến rất lớn nếu đặt đúng vị trí tạo tâm lý thỏa mái yên tâm trong công việc họ sẽ phát huy hết khả năng vốn có của mình”, TS Nam nhận định.
Nói đến nguyên nhân khiến nhiều du học sinh không muốn về nước làm việc là do lương thấp tuy nhiên theo TS Nam vấn đề lương thấp chỉ là cách viễn giải của một số người còn vấn đề lương không phải vấn đề duy nhất.
“Ví dụ như tôi với mức lương bên Pháp năm 2009 là 2.400 EUR/tháng tuy cao với Việt Nam nhưng mức thu nhập đó cũng chỉ mức khá tại Pháp nếu cộng với gia đình thì vừa đủ, trở về Việt Nam thu nhập mấy triệu nhưng mức chi tiêu cũng tỉ lệ với mức thu nhập. Vì vậy tất cả nó đều có tỉ lệ hợp lý với nhau”, TS Nam nêu ví dụ.
“Điều quan trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang học tập làm việc tại nước ngoài quay trở về Việt Nam chính là phải có một môi trường làm việc tốt để có thể phát huy hết khả năng của mình. Nhưng môi trường làm việc tốt là như thế nào có chính sách xứng đáng, tạo điều kiện phù hợp cho công việc của họ. Đó là cách giữ tài sản trí tuệ, thay vì đến khi mất đi chúng ta mới mời mọc, níu kéo và giữ gìn những tài năng này thì không còn ý nghĩa nữa”, TS Nam kết luận.