Sáng nay (25/10), Quốc hội sẽ bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm với 48 chức danh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được công bố trong ngày hôm nay.
Trước giờ bỏ phiếu, nhiều đại biểu đã tâm huyết chia sẻ quan điểm của mình về việc đánh giá tín nhiệm với 48 người này.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu hoàn toàn nắm được người nào làm tốt, không tốt
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho biết, ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, các đại biểu đã được cung cấp hồ sơ về 48 người trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm này rồi. Lúc đó, đại biểu chính là những người bỏ phiếu cho từng người vào từng vị trí.
Như vậy, một trong trách nhiệm của đại biểu là giám sát đối với chức danh mà mình đã bỏ phiếu trong suốt cả quá trình vừa qua chứ không phải đến lúc lấy phiếu mới giám sát.
Đại biểu đã theo dõi toàn bộ quá trình và thường xuyên, vì thế hoàn toàn nắm được người nào làm tốt, không tốt. Thậm chí, tư cách đạo đức của người nào tốt hoặc có vấn đề cũng sẽ biết.
Bên cạnh đó, hàng năm, báo cáo về kinh tế xã hội đều có lĩnh vực của các Bộ trưởng hoặc thẩm tra luật do chính Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội làm. Kết quả kinh tế - xã hội, chất lượng làm luật ra sao, các đại biểu sẽ căn cứ vào đó để đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh: “Đừng nặng nề việc đánh giá ai tín nhiệm cao, ai thấp mà quan trọng là qua việc đánh giá đó mang lại lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc.
Lấy phiếu tín nhiệm trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn để đảm bảo công bằng |
Có thể, một ngành đó tốt nhưng bản thân ông Bộ trưởng có vấn đề này vấn đề kia khiến đại biểu đánh giá tín nhiệm không cao.
Rõ ràng, ở đây vai trò cá nhân trong tổ chức là có. Qua đó mới làm nổi bật lên vai trò lãnh đạo ngành của họ”, ông Bộ phân tích.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nhận xét, có những Bộ trưởng rất chủ động và nắm chắc quy định chức năng nhiệm vụ của ngành mình như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nó thể hiện ngay qua phần chất vấn, giải trình, hoạt động của ngành. Nông nghiệp thời gian qua rõ ràng là đi lên.
“Đành rằng có Bộ trưởng không thích bị đánh giá tín nhiệm thấp nhưng nếu không thích vậy thì phải đốc thúc ngành đó lên. Phải vì lợi ích Quốc gia, dân tộc.
Đại biểu đừng đưa quan hệ cá nhân vào việc lấy phiếu tín nhiệm mà phải vì chính lợi ích quốc gia dân tộc. Qua kết quả lấy phiếu, cá nhân đó phải tự nhìn nhận, cố gắng nhiều hơn.
Các tồn tại trong ngành nào đậm nét thì chính đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri, bà con cô bác có phát biểu hết. Đại biểu đều nắm được”, ông Bộ khẳng định.
Theo vị đại biểu đoàn An Giang, vị nào có nhiều đại biểu đánh giá mức tín nhiệm thấp thì có thể từ chức.
“Đó cũng là kênh để cơ quan sắp xếp về tổ chức nhân sự xem xét việc quy hoạch hay không quy hoạch tiếp vị đó. Thậm chí nếu yếu quá thì phải đề nghị Quốc hội miễn nhiệm. Quy định đã có rồi”, đại biểu Mai Bộ nêu quan điểm.
Theo đại biểu Bộ, nhân dân đã giao cho nhiệm vụ cho các vị. Nó giống như thực hiện hợp đồng với Nhân dân. Hưởng lương của nhân dân mà làm không tốt thì có lẽ cũng phải thay hợp đồng. Nó như là một khế ước xã hội và nên là như thế.
“Nói thật trước nay chúng ta có câu chuyện buồn là đã lên thì không xuống, đã vào thì không có ra, nên không có vị nào từ chức cả.
Xã hội giờ lành mạnh, năng lực anh yếu, đạo đức không ổn thì phải chấp nhận. Tôi nghĩ nên sòng phẳng trong việc này”, đại biểu Bộ thẳng thắn nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn |
Đánh giá phải khách quan, công bằng
Cũng về quan điểm xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hoàng Văn Cường – đoàn Thành phố Hà Nội cho biết, việc đánh giá các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, công bằng.
Theo ông, điều đầu tiên là phải căn cứ mục tiêu chương trình hành động mà người đó được giao phụ trách Bộ, ngành, ủy ban...
“Theo tôi quan trọng nhất là theo dõi hoạt động thời gian vừa qua các trưởng ngành, các chức danh được lấy phiếu thì kết quả ở mảng, ngành đó ra sao.
Bởi kết quả của ngành đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành của người đứng đầu”, đại biểu Cường cho hay. Thứ hai là dựa vào các nội dung mà đại biểu Quốc hội từng chất vấn.
“Tất nhiên, qua 5 kỳ họp không phải vị nào cũng được chất vấn, nhưng đừng nghĩ Bộ trưởng được chất vấn nhiều là ngành đó có vấn đề. Và người không được chất vấn là không có vấn đề”, đại biểu Cường nêu quan điểm.
Về báo cáo kiểm điểm của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Cường, mỗi người làm báo cáo đều có tính chất chủ quan.
Nhưng qua đấy, các đại biểu sẽ thấy được tính nghiêm túc của các thành viên đó nhìn nhận các vấn đề thuộc trách nhiệm của họ ra sao.
Trường hợp nào người được lấy phiếu tín nhiệm có thể xin từ chức? Tại khoản 2, Điều 18, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân 2015 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, khoản 3, Điều 19 của Luật này cũng quy định, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó. |