Vì sao điểm Văn năm nay cao hơn so với các môn khác?

06/08/2018 07:02
Nhật Duy
(GDVN) - Thực tế điểm Văn cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách ra đề và định hướng cách chấm của từng Hội đồng thi.

LTS: Lý giải vì sao điểm thi môn Ngữ văn năm nay lại cao hơn so với các môn khác, thầy giáo Nhật Duy cho rằng có sự du di và rộng tay của giám khảo khi chấm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Anh bạn tôi có con gái học lớp chuyên Toán của tỉnh vừa tham gia kì thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Điều mà con gái và anh bạn tôi bất ngờ nhất là “không hiểu sao” điểm thi môn Văn lại được 8.0 điểm.

Mặc dù con gái anh bạn tôi tự nhận là làm bài làm không tốt bởi viết chưa hết 1 tờ giấy.

Trong khi, môn chuyên và các môn thi để xét đại học là những môn tập trung ôn luyện suốt mấy năm trời lại thấp hơn rất nhiều so với điểm môn Văn.

Điều này cũng khó lý giải nhưng lại cũng dễ hiểu vô cùng đối với những giáo viên đã từng tham gia đi chấm thi.

Bởi, thực tế điểm Văn cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách ra đề và định hướng cách chấm của từng Hội đồng thi.

Môn Văn là môn duy nhất được tổ chức thi tự luận. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: VOV
Môn Văn là môn duy nhất được tổ chức thi tự luận. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: VOV

Hiện nay, kỳ thi Trung học phổ thông được tổ chức với tất cả 9 môn thi, trong đó chỉ có môn Văn là môn duy nhất được tổ chức thi tự luận. Các môn còn lại đều thi trắc nghiệm.

Có một điều thực tế là trong giảng dạy và học tập thời gian qua thì học sinh rất ít học Văn, chỉ có một số em học để lấy kết quả xét thi đại học mới chú trọng, còn lại đa phần là học đối phó để đủ điểm tốt nghiệp mà thôi.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cảm thấy bất ngờ nhất là nhiều môn học được học sinh chú trọng đầu tư thì có điểm trung bình rất thấp.

Trong 9 môn thi năm nay thì có tới 6 môn có điểm dưới trung bình.

Riêng, đối với môn Văn lại là 1 trong 3 môn có điểm trên trung bình.

Và, theo thống kê điểm thi trung bình môn Văn năm nay là 5.45, đa phần học sinh đạt điểm 6.

Trong đó, có nhiều địa phương có điểm trung bình môn Văn rất cao như: Tỉnh Hậu Giang dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn Văn với 6,49 điểm.

Vì sao điểm Văn năm nay cao hơn so với các môn khác? ảnh 2Chấm thoáng có phải là lý do khiến phổ điểm môn Ngữ văn thi Quốc gia đẹp như mơ?

Trong số hơn 6.000 thí sinh dự thi của tỉnh Hậu Giang thì có tới 89 em đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 em bị điểm liệt trong toàn tỉnh.

Tiếp theo là các tỉnh: Hà Nam 6,29 điểm; Hà Tĩnh 6,25 điểm; An Giang 6,22 điểm; Bạc Liêu 6,2 điểm….

Nếu nhìn vào điểm Văn năm nay, nhất là đối với những tỉnh có điểm trung bình đứng vào tốp đầu của cả nước về môn Văn thì có lẽ mọi người sẽ rất “lạc quan”.

Không lạc quan sao được khi điểm trung bình môn Văn của 8 tỉnh đứng đầu trên 6,0 điểm?

Nhưng, lạc quan rồi, chúng ta cũng phải tự đặt ra câu hỏi cho riêng mình.

Lẽ nào, một số địa phương có điểm Văn trung bình có điểm cao đến thế sao?

Bởi, chấm Văn ngoài đáp ứng về nội dung kiến thức thì còn có rất nhiều yêu cầu khác nữa như điểm sáng tạo, cách diễn đạt, cách dùng câu, từ nữa.

Vậy nên, điểm trung bình của tỉnh mà lên đến 6.49 thì chắc chắn một điều là giáo viên chấm phải rất thoáng và rộng tay.

Điều này đã được chứng minh qua lời nói của ông Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia tỉnh Bắc Kạn.

Trước việc điểm thi môn Ngữ văn của tỉnh Bắc Kạn năm nay tương đối cao vi trong số 2863 bài thi môn Ngữ văn nhưng có tới 268 bài đạt từ 8 đến 9 điểm.

Chính vì thế, khi trả lời phóng viên, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia của tỉnh đã cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo rà soát lại toàn bộ quy trình, trong quá trình rà soát, cũng chấm lại một số bài điểm cao.

Qua báo cáo, không có sự thay đổi gì. Cá nhân tôi đánh giá có thể do cán bộ chấm thi hơi rộng tay, chứ không có chuyện thêm điểm này kia”.

Vì sao điểm Văn năm nay cao hơn so với các môn khác? ảnh 3Có giám khảo Ngữ văn rơi nước mắt, phát hoảng vì bị thanh tra gọi...

Để làm rõ từ “rộng tay” thì ông Hưng đã giải thích:

Anh em chấm cơi nới và chấm rộng tay thì cũng trong phạm vi cho phép.

Ví dụ không được lệch 1 điểm. Anh em có thể có chuyện rộng rãi trong khoảng cho phép đó”.

Rõ ràng những lời nói của ông Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia tỉnh Bắc Kạn cho ta nhiều suy ngẫm và hiểu rõ hơn về cách chấm thi của một số địa phương đối với môn Ngữ văn.

Thực tế, việc ra đề và chấm thi môn Ngữ văn hiện nay có phần “dễ chịu” hơn rất nhiều các môn thi khác.

Và, điều quan trọng nhất là “định hướng” trong phần hướng dẫn chấm bài của người ra đề và tổ trưởng chấm thi mà thôi.

Bởi thực tế môn Văn là môn “định tính” nên yếu tố “tình cảm” được chi phối rất lớn trong quá trình chấm bài.

Nhiều khi học sinh chỉ cần viết dài một chút, có vài chữ “dính” vào hướng dẫn chấm thi là thầy cô đã cho điểm.

Sự “nương tay” của thầy cô cũng bắt nguồn từ việc “thương” học trò ở địa phương mình.

Dù sao thì kỳ thi này cũng đang gánh nhiệm vụ “tốt nghiệp” mà học trò không tốt nghiệp cấp III thì cũng “tội nghiệp” các em lắm.

Hơn nữa, đề thi Văn năm nay có tới 7/10 điểm là phần vận dụng, chỉ có 3 điểm là phần đọc hiểu.

Những học sinh chịu khó viết dài và trình bày đẹp thì là một lợi thế vô cùng để cho điểm.

Khi chấm, giáo viên chỉ cần linh động một chút với nhau là thí sinh sẽ có điểm thi tương đối đẹp.

Thực tế, khi chấm Văn thì người ta vẫn ngầm thống nhất với nhau là lấy điểm chấm của giám khảo 2 (người đã cho điểm trực tiếp trên bài thi) còn giám khảo 1 thường chép lại phiếu chấm thi để khỏi phải sửa điểm trên bài thi của học trò.

Nhất là đối với môn Văn thì sự lệch điểm thường có xác suất rất cao bởi mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau.

Vì sao điểm Văn năm nay cao hơn so với các môn khác? ảnh 4Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia

Nên việc lệch điểm là chuyện rất bình thường giữa các giám khảo chấm thi.

Song, bao giờ khi lệch điểm thì 2 giám khảo chấm thường lấy điểm số của người chấm cao làm điểm thống nhất cho học trò, cùng lắm là “cưa đôi” điểm của 2 người chấm.

Chính vì môn Văn không phải là môn “định lượng” nên khi chấm bài thì việc lệch điểm chấm cũng dễ xảy ra và cũng rất khó bắt bẻ được người chấm.

Vậy nên, sau khi các địa phương công bố điểm thi, có một điều mà dư luận đều chứng kiến là điểm phúc khảo môn Văn thường được nâng lên nhiều nhất so với các môn khác.

Điểm sơ qua trên các mặt báo trong mấy ngày qua chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Tỉnh Nghệ An có 62 thí sinh; Bình Phước 25 thí sinh; Hải Phòng 27 thí sinh được tăng điểm môn Văn…

Như vậy, điều mà chúng ta thấy rõ nhất là môn Văn vẫn là môn có sự “xê dịch” điểm nhiều nhất.

Điểm Văn- từ một trong các môn được xem là môn học chính, có số tiết được biên chế nhiều nhất nhưng những năm qua đang bị học sinh quay lưng nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong kì thi năm nay lại là 1 trong 3 môn có điểm thi trung bình cao nhất.

Cao đến nỗi mà chia bình quân có tỉnh đạt tới ngưỡng cận loại khá (6.49) thì có lẽ dư luận cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ, nhất là những thầy cô đang dạy môn Văn trong các trường phổ thông.

Bởi, hơn ai hết, chính thầy cô môn Văn sẽ hiểu cặn kẽ vấn đề vì sao mà môn Văn của một số địa phương bỗng nhiên lại cao đột biến!

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/diem-thi-mon-ngu-van-o-bac-kan-cao-co-the-docham-rong-tay-795035.vov

Nhật Duy