Ngày 4/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời chất vấn bằng văn bản của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về nội dung đề nghị nâng mức lương đối với giáo viên mầm non hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp trong các cơ sở giáo dục công lập thì lương của giáo viên nói chung (giáo viên mầm non nói riêng) đều căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.
Hiện nay, lương giáo viên vẫn còn nhiều bất cập (ảnh minh họa - nguồn TTXVN). |
Hiện tại, giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, tuy nhiên thực tế lương của giáo viên (nhất là giáo viên mầm non) còn thấp, hệ thống chính sách còn tản mạn, nhiều văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa đủ nguồn lực bố trí cho các chính sách, chậm và chưa bảo đảm các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt.
Thang bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu.
Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 02 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.
Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục.
Theo đó, lương của giáo viên mầm non, phổ thông, giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm được đề xuất tương xứng tính chất, mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp, trong đó cũng căn cứ vào trình độ chuẩn của giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo tính “an sinh” của hệ thống tiền lương.