Nhiều thay đổi về chính sách tiền lương nhà giáo kể từ tháng 7/2020

19/04/2020 06:26
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Khi chính sách tiền lương mới được thực hiện vào năm 2021 thì lương giáo viên được trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp.

Hàng chục năm qua, hàng triệu nhà giáo công tác tại các trường công lập trên cả nước đã được nhận phụ cấp thâm niên sau 5 năm công tác. Mỗi năm được cộng thêm 1% và càng giáo viên lớn tuổi thì phụ cấp thâm niên càng cao. Đây cũng là khoản thu nhập đáng kể để các nhà giáo có thể trang trải cuộc sống gia đình.

Nhưng, kể từ ngày 01/7/2020 tới đây, khi mà Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thì phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ không còn. Điều này cũng đồng nghĩa những nhà giáo có thâm niên từ 10 năm trở lên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không còn được cộng thêm phụ cấp thâm niên vào tiền lương hàng tháng.

Chính vì thế, những bài viết đề cập đến sự việc này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu nhà giáo đang giảng dạy tại các trường công lập.

Lương nhà giáo sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới đây (Ảnh minh họa: TTXVN).
Lương nhà giáo sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới đây (Ảnh minh họa: TTXVN).

Nói thêm về chuyện lương giáo viên hiện nay

Nhiều người khi so sánh lương giáo viên với các ngành nghề khác đều đưa ra nhận định là lương giáo viên thấp. Thực tế, lương giáo viên dạy ở các trường công lập có thâm niên dưới 15 năm hiện nay có khi còn thấp hơn lương của một lao động phổ thông mới vào nghề- đó là một sự thật.

Còn đem so sánh lương giáo viên với các ngành nghề kinh doanh khác thì còn thấp hơn nhiều vì các ngành nghề này thường làm và hưởng lương theo sản phẩm, lợi nhuận của doanh nghiệp, của công ty…

Tuy nhiên, nếu so sánh như vậy e rằng không ổn mà phải so sánh giữa lương giáo viên với những ngành nghề cũng là viên chức, công chức- những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ rõ hơn.

Hiện nay, lương giáo viên được trả theo bằng cấp và hệ số giống như mọi ngành nghề khác (trừ công an và quân đội). Chẳng hạn, người có trình độ đại học thì khi mới vào nghề hưởng hệ số 2,34 thì ngành nào cũng như nhau.

Nhưng, có phụ cấp ưu đãi và sau 5 năm công tác thì giáo viên hơn các ngành nghề khác là có thêm phụ cấp thâm niên nhà giáo. Như vậy, nếu nói về lương của cán bộ, công chức, viên chức thì nhà giáo chỉ đứng sau lương của lực lượng vũ trang mà thôi.

Nhiều người cho rằng giáo viên chỉ có đồng lương chính còn các ngành nghề khác có khoản “thu nhập ngoài lương” nhưng thực tế không phải ai cũng có những khoản này.

Các nghề khác cũng giống như nhà giáo vậy, có người làm lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường, có người đứng lớp, có người dạy thêm được, có người thì không, thậm chí có người bị phân công làm nhân viên thiết bị, thư viện…

Nhiều thay đổi về chính sách tiền lương nhà giáo kể từ tháng 7/2020  ảnh 2Hai tin buồn đối với nhà giáo từ ngày 1/7

Nên, chúng ta chỉ nhìn ở bình diện chung là mức lương hàng tháng để có thể so sánh với các ngành nghề khác ở thấy giáo viên không phải là đối tượng bị xếp lương ở mức thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội.

Thế nhưng, thực tế thì đời sống giáo viên cũng như bao những công chức, viên chức ở các ngành nghề khác còn gặp nhiều khó khăn bởi mặt bằng chung của lương vẫn chưa thể đáp ứng được cuộc sống của đa phần cán bộ, công chức, viên chức nhà nước- nhất là những người lao động trực tiếp mới vào nghề.

Thời điểm nào thì phụ cấp thâm niên nhà giáo bị cắt?

Thời gian qua, chúng ta thấy lãnh đạo ngành giáo dục cũng đã lên tiếng, nêu vấn đề trước Quốc hội về việc nhà giáo sẽ có bảng lương riêng nhưng điều này đã không thành hiện thực. Vì vậy, trong thời gian tới đây (năm 2021) thì bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với hệ thống thang bậc lương chung.

Bảng lương của nhà giáo sẽ được trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có bảng lương riêng so với các ngành nghề khác, nhưng định vị các bậc lương theo thực tiễn trình độ đào tạo đã được nâng lên theo chuẩn yêu cầu.

Vào ngày 01/7/2020 thì mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Và, cũng thời điểm này thì Luật Giáo dục mới có hiệu lực. Trong đó có điều khoản quan trọng là tiền lương của giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên nữa. 

Như vậy, nếu cứ theo lộ trình Luật Giáo dục sửa đổi và không có gì thay đổi thì chỉ còn mấy tháng nữa thôi, hàng triệu giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo. Dù muốn, dù không thì Quốc hội đã thông qua nên chuyện bàn luận cắt hay không cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo bây giờ không còn nhiều ý nghĩa bởi sự việc này đã được thông qua rồi.

Nhiều thay đổi về chính sách tiền lương nhà giáo kể từ tháng 7/2020  ảnh 3Bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, trả lương theo vị trí việc làm là điều tất yếu

Vì vậy, (có thể) tháng 7 tới đây thì tổng thu nhập của nhiều giáo viên lớn tuổi sẽ bị giảm- dù lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng nhưng vì phụ cấp thâm niên nhà giáo không còn mà việc trả lương theo vị trí việc làmthì chưa thực hiện.

Bởi vì, thời điểm từ 01/7/2020 cho đến khi trả lương theo vị trí việc làm (năm 2021) đang có một “khoảng trống” nhưng hiện chưa có những hướng dẫn cụ thể là chế độ lương nhà giáo sẽ thực hiện ra sao trong mấy tháng này. Vì thế, nếu thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi thì tất nhiên hàng triệu nhà giáo sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập hàng tháng của mình kể từ tháng 7/2020 tới đây.

Lương giáo viên sẽ có những thay đổi cơ bản trong năm 2021

Theo tinh thần của Nghị quyết 27 thì từ năm 2021 tới đây, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên sẽ có những thay đổi rõ rệt so với hiện nay. Cách tính lương theo mức lương cơ sở và hệ số lương không còn được duy trì, thay vào đó là tính lương theo vị trí việc làm.

Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác.

Trong đó, mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau. Tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác như hiện nay.

Thời gian không còn nhiều nữa, khi chính sách tiền lương mới được chính thức thực hiện vào năm 2021 thì lương giáo viên được trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp nên các nhà giáo cũng cần biết và chuẩn bị tâm thế để đón nhận sự thay đổi này.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

[2] //luatvietnam.vn/lao-dong/nghi-quyet-27-nq-tw-2018-ve-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-can-bo-cong-chuc-163205-d1.html

NGUYỄN NGUYÊN