Nhiều năm trở lại đây, điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia khá thấp so với mặt bằng chung của nhiều môn học khác.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử.
Phổ điểm tổ hợp Văn, Sử, Địa kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 (Ảnh Giaoduc.net.vn) |
Thế nhưng tình trạng học sinh không thích học sử vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018-2019, môn Lịch sử chiếm hơn 70% số điểm dưới trung bình.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, điểm Lịch sử thấp như thế đang phản ánh điều gì?
Phản ánh việc dạy của giáo viên chưa hiệu quả? Việc học của học sinh còn lơ là? Hay do chương trình quá nặng?
Giáo viên dạy Lịch sử một trường trung học phổ thông ở Thanh Hóa cho biết, phần nhiều học sinh không thích học sử là do lo sợ học những ngành có tổ hợp môn xã hội sau này ra không có việc làm.
Thế nên, ngoài những học sinh chọn tổ hợp môn xã hội để xét tuyển đại học thì điểm sử bao giờ cũng cao (nhưng số này ít).
Phần lớn, học sinh chọn thi các khối khác chỉ cần điểm để xét tốt nghiệp (tránh bị điểm liệt) nên các em chỉ học sử cầm chừng, thậm chí không cần học (vì trong đề thi bao giờ cũng có những câu hỏi nhận biết ở mức độ đơn giản).
Những câu hỏi này chỉ cần nhớ kiến thức đã học trong sách giáo khoa, đôi khi chỉ đánh lụi cũng được vài ba điểm.
Vài năm trở lại đây, xuất hiện một tổ hợp mới (Toán, Văn, Sử), thế nhưng có bao nhiêu trường đại học xét tuyển tổ hợp này?
|
Có thể nói, tìm đỏ mắt không ra ngành học mình ưng ý. Cháu tôi và một số bạn bè của cháu lỡ đăng ký thi tổ hợp này đã phải ân hận than rằng, biết thế không chọn thi môn sử.
Một nguyên nhân được nêu lên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môn sử trong trường phổ thông là trình độ của giáo viên dạy sử cũng đáng báo động.
Khi giáo viên bị hạn chế về năng lực, kiến thức hạn hẹp, dẫn đến không có nhiều cách dạy hay, linh hoạt cũng làm cho học sinh vốn không yêu sử càng trở nên chán hơn.
Tôi còn nhớ nhiều năm về trước, ngành sư phạm tuyển giáo viên vào khối C nhưng 3 môn chưa tới 10 điểm.
Một số tỉnh thành thiếu giáo viên nên đào tạo nguồn nhân lực tại chổ như tuyển sinh hệ cấp tốc, giáo viên thi đầu vào 3 môn chưa tới 7 điểm cũng đậu vào dạy cấp 3.
Yếu kém về nhiều mặt như thế tác động rất lớn đến việc truyền thụ kiến thức đến học sinh.
Để dạy Lịch sử tốt, giáo viên cần phải có kiến thức tổng hợp, có sự hiểu biết đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực đặc biệt về Văn học. Có thế, bài giảng của mình mới có sức thu hút học sinh cao.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn
Đầu tiên, phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo bằng việc nâng chất lượng đầu vào. Muốn thế, cần có chế độ thu hút với học sinh giỏi học sử như phân công việc làm sau khi ra trường.
Trong thực tế, học sinh giỏi ít đi sư phạm, nếu đi cũng sẽ rất ít em chọn học những môn không thể hoặc rất ít cơ hội dạy thêm.
Vì thế, muốn thu hút học sinh giỏi phải có chế độ ưu đãi riêng, ưu đãi đặc biệt khi ra trường.
Bên cạnh đó, đầu tư thêm cơ sở vật chất cho nhiều trường học vùng nông thôn và miền núi.
Một giáo viên dạy Lịch sử ở miền núi nói thế này, dạy Lịch sử không chỉ nói bằng lời, viết bằng phấn, dùng bằng bảng…sẽ hấp dẫn học sinh hơn khi có thêm hình ảnh trực quan sinh động như tranh ảnh, máy chiếu.
Thế nhưng hiện nay, không ít trường học ở vùng nông thôn, miền núi còn thiếu điều này. Bởi thế, nhiều giáo viên dạy chay, nói nhiều không thu hút được học sinh học tập.
Khuyến khích các trường đại học mở thêm các ngành có tổ hợp môn sử để xét tuyển.
Khi đã khắc phục được những tồn tại trên, học sinh dù không yêu cũng phải học, phải tìm hiểu môn sử nhiều hơn. Và điệp khúc điểm thi Lịch sử thấp không còn tái diễn nữa.