Vì sao ngành Diễn viên Kịch - Điện ảnh khó thu hút giảng viên trình độ cao?

02/10/2023 06:34
Nguyên Phương
GDVN-Theo Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ giảng viên các ngành đặc thù như khối ngành nghệ thuật.

Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện đang đào tạo 4 ngành học là: Quản lý văn hóa, Diễn viên Kịch – Điện ảnh, Công tác xã hội và ngành Du lịch.

Đào tạo các ngành học gắn với đặc thù của trường

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng – Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, trong các ngành đào tạo của Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, việc tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa khá thuận lợi vì đây là ngành đào tạo truyền thống của trường, chỉ sau ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.

Ngoài đào tạo đại học chính quy, nhà trường còn liên kết với các cơ sở giáo dục của các tỉnh, thành phố để đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa của địa phương.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng – Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NP

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng – Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NP

Trong khi đó, Du lịch, Công tác xã hội là những ngành học mới nên việc tuyển sinh còn gặp khó khăn. Ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh cũng khó tuyển do đây là ngành đặc thù, yêu cầu thí sinh phải có năng khiếu, tố chất và vượt qua được kỳ thi các môn thi năng khiếu.

“Trong công tác tuyển sinh, nhà trường luôn chú trọng chất lượng đầu vào thay vì chạy theo số lượng, đặc biệt với ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh, yêu cầu về năng khiếu là bắt buộc, vì vậy mà nhà trường chỉ tuyển các em thực sự có năng khiếu, có tố chất, không vì muốn có nhiều sinh viên mà hạ thấp tiêu chí”, thầy Dụng chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cho biết, chương trình đào tạo các ngành của Khoa Văn hoá Nghệ thuật được thiết kế, xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa các chương trình đào tạo trong nước và một số nước trên thế giới, phát huy thế mạnh về đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chương trình đào tạo ngành Du lịch, Công tác xã hội tại Khoa có những đặc thù riêng, gắn với các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật.

Khoa Văn hoá Nghệ thuật luôn tổ chức nhiều chương trình để sinh viên có nhiều trải nghiệm, cơ hội học tập và tiếp cận với việc làm. Ảnh: NVCC

Khoa Văn hoá Nghệ thuật luôn tổ chức nhiều chương trình để sinh viên có nhiều trải nghiệm, cơ hội học tập và tiếp cận với việc làm. Ảnh: NVCC

Ví dụ, như ngành Công tác xã hội, sinh viên vừa được học kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, vừa được tiếp cận, đào tạo thêm về văn hóa nghệ thuật, trị liệu nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật). Chính những kiến thức này sẽ giúp cho sinh viên công tác xã hội có nhiều thuận lợi khi sau này tham gia công việc, tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Đối với sinh viên ngành Du lịch cũng được đào tạo thêm về văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhà trường còn ký kết hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, công ty du lịch để sinh viên được tăng cường thực hành, thực tế, thực tập. Không những trong nước, sinh viên của khoa còn có cơ hội đi thực tập tại nước ngoài. Hiện khoa Văn hóa – Nghệ thuật đang có một nhóm sinh viên ngành Du lịch đang thực tập tại Italia.

“Với mong muốn mỗi sinh viên Du lịch Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một đại sứ văn hóa, sinh viên ngành Du lịch còn được tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, đi thực tế ở các ngôi chùa, đình làng, các không gian văn hóa tiêu biểu phục vụ nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phát triển du lịch.

Khoa cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với sinh viên, mời các chuyên gia đến chia sẻ, đào tạo thêm cho các em”, thầy Trưởng khoa thông tin.

Đối với đào tạo ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh, khoa cũng liên kết với Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, các trung tâm văn hóa nghệ thuật để sinh viên có nhiều cơ hội đi biểu diễn, đi thực tế.

Cùng với đó, nhà trường mời các nghệ sĩ đến chia sẻ, giảng dạy cho sinh viên. Trong chương trình đào tạo, sinh viên cũng phải thực hiện các chuyên đề dựng kịch, dựng phim. Tăng cường thực hành, thực tế chính là mục tiêu đào tạo của trường và của khoa.

Khó khăn trong thu hút đội ngũ ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh

Theo Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, khó khăn lớn nhất hiện nay của khoa là một số ngành mới nên chưa được người học biết đến nhiều, dẫn tới việc tuyển sinh còn khó khăn.

Về đội ngũ, một số ngành học chỉ đáp ứng được đủ số lượng giảng viên ở mức tối thiểu theo quy định. Riêng ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Sinh viên ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NVCC

Lý giải điều này, thầy Hoàng Công Dụng cho hay, đây là ngành học đặc thù, rất ít người theo học sau đại học. Nhiều nghệ sĩ chỉ cần tốt nghiệp đại học, cao đẳng là đã hoạt động nghề nghiệp tốt rồi, họ không mặn mà đối với việc học lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Một số ít người chọn học lên cao, nhưng thường là để đáp ứng tiêu chuẩn làm quản lý và đã được biên chế ở các đơn vị khác, có công việc ổn định rồi. Vì vậy, nhà trường rất khó thu hút được đội ngũ giảng viên trình độ cao để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Bên cạnh đó, nhà trường rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ tại chỗ, nhưng cũng khó khăn vì thiếu nguồn đào tạo lên trình độ cao hơn và cần phải có thời gian lâu dài cho việc này.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cho rằng, chế độ với đội ngũ giảng viên hiện nay còn nhiều bất cập, theo quy định của nhà nước thì mức chi cho cán bộ, giảng viên còn thấp. Đây cũng là một trong những trở ngại với các trường đại học trong việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ cao.

Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách về học phí, về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ giảng viên các ngành đặc thù như ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh một cách tốt hơn, xứng đáng hơn, để các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, khoa cũng gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, vì nhà trường hiện nay tự chủ một phần, trường thu học phí ở mức thấp nên chưa có nhiều nguồn kinh phí để đầu tư nhiều cho trang thiết bị.

Song, nhà trường cũng đã nỗ lực đầu tư các hạng mục để sinh viên có cơ hội học tập, thực hành tốt, trường có phòng sân khấu, thiết bị âm thanh ánh sáng, trang thiết bị tối thiểu để sinh viên học tập; phòng hoà nhạc, biểu diễn, chiếu phim những sản phẩm của sinh viên.

Sinh viên của trường cũng được tạo điều kiện để đi quay, đi ghi hình thực tế ở bên ngoài. Việc nhà trường liên kết với các nhà hát, sân khấu cũng giúp giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất hiện tại.

Cơ hội việc làm các ngành rộng mở

Về cơ hội việc làm của 4 ngành học, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cho biết, đối với ngành Công tác xã hội, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại hệ thống phòng, ban của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sở Lao động Thương binh và Xã hội, những vị trí việc làm liên quan đến thực hiện chính sách xã hội.

Sinh viên ngành Công tác xã hội thực tập đi thực tập, thực tế tại bệnh viện. Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Công tác xã hội thực tập đi thực tập, thực tế tại bệnh viện. Ảnh: NVCC

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 1.300 bệnh viện các cấp. Trong đó có 1.150 bệnh viện công và 182 bệnh viện tư nhân. Cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ bảo trợ xã hội. Ngoài ra còn nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ cũng rất cần đến nguồn nhân lực ngành công tác xã hội.

Số lượng “cầu” vô cùng lớn như vậy nhưng nguồn “cung” thì vô cùng khan hiếm. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học ngành công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước mới chỉ trên dưới 1.000 em.

Trong bối cảnh chất lượng đời sống xã hội ngày càng cao, ngành Du lịch cũng rất triển vọng, sinh viên ngành Du lịch có cơ hội phát triển nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực của ngành là rất lớn. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.

Với sinh viên ngành Diễn viên Kịch - Điện ảnh thì có lợi thế về cơ hội nghề nghiệp. Hiện nay, tại Hà Nội chỉ có 2 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học ngành này, đó là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Trong khi đó, đây là lĩnh vực nghệ thuật ngày càng được phát triển mở rộng nên cơ hội việc làm cao.

Cử nhân ngành quản lý văn hóa có thể làm việc tại các công ty Tổ chức sự kiện, truyền thông, lập dự án, trung tâm triển lãm, đề án về văn hóa xã hội, hội chợ, làm tại các cơ quan thông tấn, Đài truyền hình, Đài tiếng nói, Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố, các sở văn hóa thể thao và du lịch, khu di tích văn hóa...

Đặc biệt, sinh viên cả bốn ngành học sau khi tốt nghiệp đều có thể tiếp tục học tập lên cấp học cao hơn để có cơ hội tham gia vào nghiên cứu, giảng dạy ngay tại trường và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác.

Nguyên Phương