Vì sao việc ra đề tuyển sinh 10 vẫn thường xảy ra sai sót?

06/06/2019 07:00
THANH AN
(GDVN) - Chỉ mới có một số ít địa phương tổ chức thi tuyển sinh 10 nhưng đã có 2 địa phương để xảy ra sai sót ở khâu ra đề là thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre.

Theo biên chế hiện hành ở các Sở Giáo dục và Đào tạo thì phòng Giáo dục trung học thường được bố trí mỗi môn học một vị chuyên viên phụ trách về môn học đó ở cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở.

Vị chuyên viên này cũng sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc ra đề thi tuyển sinh 10 (nếu gia đình không có con cháu tham dự kỳ thi). Đối với việc phản biện đề thi luôn có 2 người nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy những sai sót xảy ra?

Đến thời điểm này, chỉ mới có một số ít địa phương tổ chức thi tuyển sinh 10 nhưng đã có 2 địa phương để xảy ra sai sót ở khâu ra đề là thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre.

Sai sót trong tuyển sinh 10 thường xảy ra ở khâu ra đề ( Ảnh minh họa: Tấn Tài)
Sai sót trong tuyển sinh 10 thường xảy ra ở khâu ra đề ( Ảnh minh họa: Tấn Tài)

Đề thi môn tiếng Anh của thành phố Hồ Chí Minh đã sai sót về chính tả. Đề yêu cầu thí sinh viết lại câu "Nowadays young people pay more attention to traditional festivals than they did some years ago" thành câu "Some years back young...." nhưng đề lại sai chữ "young" ở câu viết lại thành chữ "your".

Đề thi môn Ngữ văn dẫn lại đoạn ngữ liệu nhưng sai sót về năm sinh của tổng thống thứ 16 của nước Mỹ.

Ông Abraham Lincoln, sinh vào năm 1809 và bị ám sát mất năm 1865 nhưng đoạn văn ngữ liệu lại có câu: “Năm 1920, cậu bé 11 tuổi nọ lỡ đá quả bóng làm vỡ của kính nhà hàng xóm”.

Như vậy, tổng thống thứ 16 của Mỹ đã được người ra đề thi cho lùi lại năm sinh đến…100 năm sau!

Hội đồng ra đề chuẩn bị, lựa chọn kỹ lưỡng nhân sự sao vẫn sai sót?

Trước khi diễn ra thi tuyển sinh 10, Hội đồng ra đề thi của các tỉnh, thành sẽ họp toàn thể Hội đồng nhưng nhân sự ra đề thì thường là các vị chuyên viên của Sở đã được chuẩn bị, lựa chọn và trình lên trước đó hàng tháng trời.

Thực tế, ngoài vị chuyên viên của Sở thì 2 người phản biện thường là tổ trưởng chuyên môn của các trường. Nếu nhìn về nhân sự thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng nhưng…sao vẫn để sai sót xảy ra?

Đề thi tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 ở Sài Gòn sai chính tả

Những người nào “hay cãi” vị chuyên viên khi phản biện thì sang năm sau không bao giờ được điều động lại.

Vì thế, việc lựa chọn người phản biện đa phần là những người quen thân với vị chuyên viên để những đề thi này chỉ có thể góp ý về mặt kỹ thuật, còn nội dung thì thống nhất tuyệt đối với người ra đề.

Có lẽ mọi người lâu nay vẫn cứ tưởng là khi vào phòng cách ly thì 3 người trong tổ ra đề mới tập trung thảo luận và ra đề thi nhưng thực tế thì có những địa phương không làm vậy.

Đề thi được vị chuyên viên Sở chuẩn bị từ khi trước. Khi vào phòng cách ly là vị chuyên viên này lấy chiếc USB và nhấn vào máy tính để in ra 2 đề thi (1 đề chính thức và 1 đề dự trữ) rồi đưa cho 2 người phản biện đọc và xem có sai sót gì không?

Khi có sai sót, thì 2 người phản biện sẽ góp ý để sửa chữa nhưng có những chỗ sai sót mà vị chuyên viên này bảo thủ không sửa. Vì thế, không chỉ có những sai sót ở đề thi mà đáp án cũng rất hay sai sót.

Khi thi xong, họp Hội đồng chấm thi và tiến hành chấm thử để thống nhất lại đáp án luôn có rất nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều khi cả ngày trời mà chưa thảo luận xong đáp án và chấm thử 10 bài đầu tiên.

Có những điều nghi ngờ trong đề thi nhưng không thể kiểm chứng được!

Khi bước vào khu vực cách ly là lúc những thành viên trong tổ ra đề như sống trong một thế giới biệt lập. Bởi, trước khi bước vào phòng thì cán bộ an ninh đã lục soát toàn bộ những thứ mang vào phòng cách ly.

Họ lật từng bộ quần áo, từng cuốn sách một cách cẩn thận. Điện thoại phải để lại, các phương tiện ghi âm, ghi hình không được phép mang vào. Khu vực cách ly bị cắt mạng Internet hoàn toàn.

Đề thi Toán vào Trường phổ thông Năng Khiếu có sai sót

Những thành viên ra đề chỉ có thể mang vào một vài cuốn sách giáo khoa và sách tài liệu môn ra đề nên không thể kiểm chứng được những sai soát (nếu có) xảy ra.

Cái khác của việc ra đề thi hiện nay là những ngữ liệu đa phần đều lấy ở ngoài sách giáo khoa. Vì thế, có những số liệu, sự kiện ở nhiều sách, hoặc báo chưa chính xác không được người ra đề kiểm chứng và khi vào phòng cách ly thì những người phản biện cũng thường…bất lực.

Sách báo, tư liệu khan hiếm, mạng Internet thì không có nên mới có chuyện tổng thống thứ 16 của Mỹ sinh lùi lại đến hàng trăm năm sau!

Chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ mất uy tín và ảnh hưởng đến hàng chục ngàn thí sinh

Chúng ta biết rằng việc ra đề nếu đúng, phù hợp thì khi thi, các thí sinh sẽ không bị chi phối nhiều về cảm cảm xác khi nhận đề thi. Nhưng, nếu đề sai thì sẽ tạo tâm thế lúng túng trong khi đọc đề và làm bài thi bởi có những câu hỏi người ra đề đặt sai.

Trong khi, nhiều học sinh ngày nay thường có kiến thức rất rộng. Đa phần các sai sót trong đề thi là học sinh phát hiện ra. Cho dù sau này những câu sai sót của đề thi thường được Sở hướng dẫn là cho thí sinh hưởng trọn 100% điểm nhưng hệ lụy thì không hề nhỏ chút nào.

Đặc biệt là uy tín của Sở, uy tín của một kỳ thi được địa phương đầu tư nhiều tỉ đồng để chi cho việc ra đề, coi thi, chấm thi…nhưng bị mất uy tín.

Những người ra đề dù có vất vả nhưng chế độ chi trả cho người ra đề, phản biện thường tương đối cao so với thu nhập lương hàng tháng của người thầy.

Nhưng, bản thân các thành viên ra đề lại không hoàn thành được nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Nếu bị kỷ luật thì tổ ra đề đều bị ảnh hưởng và dĩ nhiên uy tín của kỳ thi sẽ mai một trong mắt mọi người!

THANH AN