Chuyện ra đề sai không chỉ xảy ra ở một địa phương hay trong một kì thi nhỏ. Từ kì thi cấp huyện thị, cấp tỉnh đến cả cấp quốc gia vẫn vướng không ít sai sót.
Thế nhưng sau sự cố, việc cần làm đầu tiên là tìm ra nguyên nhân sai sót để khắc phục, để rút kinh nghiệm cho những lần thi sau và để kỉ luật những ai có liên quan vì những việc làm tắc trách để xảy ra hậu quả.
Thí sinh thảo luận sau khi hoàn thành bài thi chiều 21/3 tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. (Ảnh minh họa Thùy Linh) |
Thế nhưng không ít địa phương lại ráo riết “truy tìm” ai là người đã tung tin ra ngoài chuyện đề thi sai sót.
Ai là người đã tuồn đề thi ra ngoài (vì theo quy định riêng của từng địa phương thí sinh thi xong phải nộp đề lại).
Thương thay cho những người nào lọt vào “tầm ngắm” và trở thành nghi can.
Thế rồi cả một đám đông (người ra đề, người kiểm duyệt, một số cán bộ phòng ban liên quan) tập trung vào chất vấn, dè bỉu, công kích nghi can ấy.
Họ cho rằng “chơi thế là không đẹp”; là “đâm dao sau lưng đồng nghiệp"; là “sống cạn tàu ráo máng...”; là "vạch áo cho người xem lưng"…
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Bình Thuận kéo lịch sử lùi lại 4 năm |
Thay vì đang trong thế của người đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng cần được ghi nhận, biểu dương thì họ lập tức nhận bao lời cay nghiệt và bị cô lập giữa một tập thể vì chẳng ai dám lên tiếng bảo vệ.
Trong lúc tôi đang viết những dòng này, một người bạn của mình cũng nằm trong những nghi can ấy cho biết:
“Giờ thì tao đã trở thành tội đồ của họ, kiểu này chắc khó lòng ngóc đầu lên nổi đây”.
Tôi hỏi bạn vì sao biết bao nhiêu người mà họ lại cứ khẳng định mình làm điều đó?
Cô bạn nói trong tiếng thở dài, để phòng chuyện đề thi bị bới móc nếu có sai sót nên địa phương của bạn đã quy định thí sinh buộc phải thu lại đề của học sinh sau khi thi.
Vậy phía học sinh coi như loại trừ, chỉ còn giáo viên. Và xui xẻo cho bạn khi chụp cái đề có mấy giáo viên khác đã nhìn thấy.
Chuyện ra đề thi để xảy ra sai sót như hiện nay có thể nói là một việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng.
Chuyện ra đề sai không chỉ thuộc trách nhiệm của một người mà liên quan đến rất nhiều người.
Nếu làm việc nghiêm túc, đúng yêu cầu sẽ chẳng bao giờ xảy ra những sai sót như thế.
Chỉ phạm vi trường học nhưng khâu ra đề đã vô cùng chặt chẽ. Chỉ là đề kiểm tra học kì, giáo viên ra đề, tổ trưởng chuyên môn kiểm tra, kí duyệt và chuyển lên phó hiệu trưởng nhà trường xem xét.
Và cuối cùng là hiệu trưởng duyệt trước khi giao cho bộ phận in sao và đóng vào bao lưu trữ.
Đề thi cấp huyện thị trở lên làm càng chặt chẽ gắt gao hơn. Từ người được chọn ra đề cũng phải là “chọn mặt gửi vàng”.
Đề thi khảo sát môn Hóa lại có sai sót, Sở Giáo dục Hà Nội lưu ý Bộ |
Đó chắc chắn phải là giáo viên dạy giỏi bộ môn áy, giáo viên có thâm niên và có nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Người kiểm duyệt đề cũng là những chuyên gia cốt cán của bộ môn ấy từ cấp Phòng, đến cấp Sở…
Nhiều người cùng phối hợp như thế mà vẫn xảy ra sai sót là điều vô cùng khó hiểu.
Người ra đề có thể sai nhưng chẳng lẽ mấy khâu kiểm tra, xét duyệt đề vẫn không thể phát hiện?
Điều này chỉ có lý giải hoặc người ta chưa làm đúng chức trách của mình vì quá tin tưởng đồng nghiệp nên kiểm tra một cách hời hợt qua loa.
Hoặc một số người kiểm duyệt lại chẳng biết đề sai chỗ nào nên mới thế.
Từ trước đến nay ít ai nhận trách nhiệm sai sót trong đề thi là do cách làm việc ẩu, chuyên môn kém của người ra đề và sự kiểm duyệt hời hợt, thiếu trách nhiệm của người kiểm tra.
Chúng ta vẫn thường nghe mãi câu nói “Sai sót về lỗi kĩ thuật, lỗi đánh máy…”
Chỉ khi nào người làm sai biết nhận khuyết điểm về mình mà không đổi thừa cho một ai khác và người lãnh đạo biết ghi nhận cái sai không dùng biện pháp "truy tìm" và "diệt" thì lúc đó tình trạng ra đề sai mới được giảm thiểu và khắc phục.