Việt Nam học được gì từ mô hình tự chủ của các trường Đại học Âu – Á?

06/12/2017 06:50
Linh Hương
(GDVN) - Hơn 60 chuyên gia tập trung trao đổi về các lĩnh vực mô hình tự chủ quản lý tài chính, quản lý nhân sự, tuyển sinh, tin học hóa hệ thống quản lý...

Trong khuôn khổ Chương trình Erasmus+ Key Action 2 - nâng cao năng lực trong lĩnh vực giáo dục đại học của Cộng đồng Châu Âu (EU), ngày 5/12/2017, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo đổi mới quản lý giáo dục đại học - Mô hình tự chủ, thực tiễn và chia sẻ giữa Châu Âu và Châu Á với sự tham gia của hơn 60 chuyên gia và nhà khoa học đến từ các trường đại học tại Châu Âu và Châu Á.

Hội thảo Đổi mới Quản lý Giáo dục Đại học - Mô hình tự chủ, thực tiễn và chia sẻ diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Mạnh Tuấn)
Hội thảo Đổi mới Quản lý Giáo dục Đại học - Mô hình tự chủ, thực tiễn và chia sẻ diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Mạnh Tuấn)

Tại đây, các chuyên gia tập trung trao đổi về các lĩnh vực mô hình tự chủ quản lý tài chính, quản lý nhân sự, tuyển sinh, tin học hóa hệ thống quản lý và mô hình quốc tế hóa trong xu thế hướng tới tự chủ cho các trường đại học, chia sẻ bài học kinh nghiệm của các trường Châu Âu, Châu Á.

Cũng tại hội thảo Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ rõ những nỗ lực của nhà trường trong việc đổi mới mô hình đào tạo hướng tới tự chủ, đổi mới cơ chế hoạt động hành chính, tài chính của nhà trường thông qua đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ phòng ban hành chính. 

Nhà trường luôn phát triển tối đa các mối quan hệ hợp tác với các trường Đại học Âu và Á để củng cố và đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo đa dạng của nhà trường không chỉ trong việc tham gia vào dự án TACTIC nói riêng mà còn 10 dự án Erasmus + Key Action 2 khác mà Nhà trường đang tham gia.

Việt Nam học được gì từ mô hình tự chủ của các trường Đại học Âu – Á? ảnh 2Học phí đại học rẻ và miễn phí thường có mặt trái ẩn phía sau

Tới dự hội thảo, ông Phạm Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định:

Việc ủng hộ của Chính phủ và Bộ cho các trường trong việc tham gia vào các dự án nâng cao năng lực Erasmus + Key Action 2 để hoàn thiện hơn nữa việc đổi mới chương trình đào tạo, hoàn thiện mô hình quản lý của mình.

Cùng với sự tham gia của Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam, ông Andrew Vickery, Tư vấn cơ quan phát triển quốc tế, Anh Quốc đã có trao đổi về chủ đề tăng cường quản lý tài chính trong các trường đại học – chia sẻ từ Campuchia. 

Và ông Regis Debrulle, Thủ quỹ EURASHE và trưởng phòng tài chính và công nghệ thông tin tại khối trường đại học, cao đẳng Ghent, Bỉ châu Âu đã có những chia sẻ kinh nghiệm từ quản lý tài chính từ góc nhìn trường khối các trường đại học, cao đẳng Ghent. 

Được biết, dự án Thông qua hợp tác học thuật hướng tới năng lực đổi mới - TACTIC (Through Academic Cooperation Towards Innovative Capacity) là một trong các dự án thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (Hợp phần Nâng cao Năng lực giáo dục đại học) do Liên minh Châu Âu tài trợ từ 10/2015-10/2018. 

Dự án nhằm mục đích phát triển năng lực cho các trường Đại học tại Mông Cổ, Campuchia và Việt Nam để hoàn thiện quy trình quản lý hành chính, hiện đại hóa phương thức quản lý của nhà trường và hoàn thiện các dịch vụ và thủ tục tại trường mình với sự chia sẻ của các tiêu chuẩn, mô hình các trường Châu Âu đang thực hiện. 

Tham gia dự án về phía các trường Châu Á, mỗi nước có 02 trường Đại học thành viên: Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh (Việt Nam); Đại học Quốc Gia Mông Cổ và Đại học Nhân văn (Mông cổ); Đại học Meanchey và Đại học Battambang (Campuchia). 

Trường Điều phối Châu Âu là trường Đại học Masaryk (Cộng hòa Séc), các trường Châu Âu thành viên gồm có: Đại học Công nghệ Talinn (Estonnia), Đại học Công nghệ Brno (Cộng hòa Séc), Đại học Perpignan via Domitia  (Cộng hòa Pháp) và Hiệp hội các tổ chức Giáo dục Đại học Châu Âu – EURASHE (Vương quốc Bỉ).

Linh Hương