Việt Nam thiếu 620.000 lao động ngành du lịch, khách sạn vào năm 2025

30/11/2017 07:22
Thùy Linh
(GDVN) - Để thành đạt (có việc làm ổn định, mức lương cao và chăm lo gia đình) thì điểm đầu tiên phải có đam mê – hiểu mình muốn gì...?

Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, đến năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam sẽ cần bổ sung 620.000 lao động. 

Trong khi đó, việc khai thác nguồn lợi từ khách du lịch nước ngoài vẫn luôn là mối trăn trở của các chuyên gia đầu ngành bởi mặc dù số lượng lao động tăng nhanh, việc bổ sung nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện có.

Số lượng nhân lực có trình độ đại học chỉ chiếm 3,11% trong tổng số hơn 1 triệu lao động hiện tại. 

Ngành Du lịch – Khách sạn năm 2017 ghi nhận con số phát triển của ngành lên tới 784 khách sạn từ 3 – 5 sao, tới năm 2025 ngành sẽ cần bổ sung khoảng 620.000 lao động.

Tuy nhiên các bạn trẻ chưa biết tiếp cận với nguồn thông tin nào? Ở đâu và như thế nào để có thể đến với ngành này.

Đến năm 2025, Việt Nam thiếu 620.000 lao động ngành du lịch, khách sạn (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
Đến năm 2025, Việt Nam thiếu 620.000 lao động ngành du lịch, khách sạn (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định đến năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2015, ngành du lịch mới có khoảng hơn 2,2 triệu lao động với hơn 600.000 lao động trực tiếp. Nhu cầu về nhân lực của ngành du lịch rất lớn nhưng khả năng cung ứng nhân lực thì lại rất kém.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. [1]

Việt Nam thiếu 620.000 lao động ngành du lịch, khách sạn vào năm 2025 ảnh 2Sinh viên Việt Nam học du lịch đi thực tập được trả lương tại Nhật

Thấu hiểu nhu cầu tìm kiếm cơ hội làm việc cũng như phương thức đào tạo và tuyển chọn nhân sự trong ngành này, ngày 26/11 vừa qua tại Hà Nội, Havina Group và trường The Hotel School Sydney (Úc) đã tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp ngành Du lịch Khách sạn: Cánh cửa ra thế giới.

Hội thảo mong muốn giúp học sinh sinh viên và các bậc phụ huynh có cơ hội tìm hiểu sâu về ngành học Du lịch Khách sạn, các chương trình học bổng và thông tin về các trường đào tạo bậc nhất trên thế giới. 

Đặc biệt, đại diện từ trường The Hotel school - Úc đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc và dành tặng cơ hội học bổng trị giá lên đến 3,000 AUD. 

Với sự phát triển của ngành trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Lê Minh -  nguyên Phó Vụ Trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm, nhìn nhận đã chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với các bạn sinh viên tại hội thảo rằng: 

Ngoại ngữ quan trọng đối với các bạn sinh viên trong khối ngành này để có thái độ tự tin trong giao tiếp với khách hàng.

Để thành đạt (có việc làm ổn định, mức lương cao và chăm lo gia đình) thì điểm đầu tiên phải có đam mê – hiểu mình muốn gì, sau đó là khả năng thực hiện được đam mê – hiểu mình là ai và cuối cùng là định hướng tương lai của mình.” 

Việt Nam thiếu 620.000 lao động ngành du lịch, khách sạn vào năm 2025 ảnh 3Ngành du lịch, quản trị khách sạn chưa bao giờ hết khát nguồn nhân lực

Cũng trong buổi hội thảo ông Nguyễn Văn Dũng – CEO & Founder Havina Group đã chia sẻ tới các bạn sinh viên về 5 “T” nên có và nên rèn luyện: Tương lai – Thể chất – Tri thức – Tiếng Anh – Thích nghi.

Trước đó, ngày 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo các ngành về du lịch (gọi chung là cơ sở đào tạo) khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học. 

Cụ thể, Bộ quy định về những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù; các chương trình, nội dung, hình thức đào tạo; cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch; việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch.

Các cơ sở đào tạo ngành du lịch áp dụng cơ chế đặc thù phải xây dựng Đề án đào tạo nhân lực du lịch giai đoạn 2017-2020, bao gồm cả các phụ lục minh chứng, thuyết minh kèm theo để đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và gửi Đề án về Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm nhất 30 ngày làm việc trước khi bắt đầu triển khai thực hiện để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của yêu cầu mới này.

Được biết, hiện nay cơ sở đào tạo du lịch tuy nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tại chỗ ở nhiều điểm đến.

Tài liệu tham khảo: 

[1] http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-che-dac-thu-dao-tao-nhan-luc-du-lich-20171121214756709.htm

Thùy Linh