"Virus sợ trách nhiệm" làm phát sinh tâm lý không quyết tâm, không sáng tạo

11/11/2022 06:32
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm việc cầm chừng vì sợ trách nhiệm, sợ sai phạm đã trở thành “căn bệnh” của một bộ phận cán bộ, công chức. Làm sao để tạo động lực cho họ dám nghĩ, dám làm?

Sợ trách nhiệm làm phát sinh tâm lý "thà bị kỷ luật khiển trách còn hơn đứng trước vành móng ngựa"

Tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đề xuất, sáng tạo hay làm việc cầm chừng không phải là câu chuyện mới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giai đoạn giữ chức vụ Thủ tướng, đã từng cảnh báo về tình trạng này và gọi đó là “virus sợ trách nhiệm”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Thực tế hiện nay, có những trường hợp một số cán bộ, công chức dám làm, dám chịu trách nhiệm khi áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, áp dụng luật khác lại vi phạm, hoặc ở thời điểm này thì đúng nhưng ở thời điểm khác lại sai, phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Thành ra, dẫn đến tình trạng một số cán bộ, công chức xuất hiện tâm trạng thà bị kỷ luật khiển trách còn hơn phải ra đứng trước vành móng ngựa”.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết: “Vừa rồi, cũng có Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội đề cập đến tình trạng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí những người cũng có chức, có quyền làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm.

Bộ phận cán bộ, công chức này đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải nhìn nhận lại vấn đề, phải có đánh giá thực sự: đánh giá về mặt nhận thức, đánh giá về mặt tư tưởng của cán bộ công chức, của những người có chức, có quyền.

Để tình trạng trên tiếp diễn, sẽ dẫn đến các đơn vị, các cơ quan đều “dĩ hòa vi quý” trong công việc. Những cán bộ, công chức ấy sẽ hình thành tư duy “giữ mình”, được phân công công việc tới đâu làm tới đó, không có sáng kiến, không quyết tâm, không quyết liệt, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”... xem công việc đối với mình là vô tư lự. Như vậy, có thể sẽ tránh được sai phạm, nhưng không tăng được năng suất lao động, hiệu quả công việc, hiệu quả của cả bộ máy không cao”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Túc, thân là cán bộ lãnh đạo, phải dám nghĩ, dám làm để đất nước đi lên.

Ông phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu: ‘Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh’.

Thực tế, trong những năm bao cấp, đổi mới, cũng đã có những đồng chí vì dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới mà bị đánh giá là làm sai tại thời điểm đó, nhưng sau này đã được “minh oan”.

Có thể kể đến đồng chí Kim Ngọc - là tấm gương mẫu mực của người đảng viên cộng sản, luôn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên, tự bồi dưỡng, học hỏi

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, tình trạng sợ trách nhiệm ở cán bộ, công chức có một phần nguyên nhân do một số bộ phận được bổ nhiệm chưa thực sự đúng chuyên môn.

Vị Đại biểu phân tích: “Phương châm cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên” đã được áp dụng xưa nay, tuy nhiên, hiện nay, cũng có những lĩnh vực không áp dụng “bất di bất dịch” như vậy. Mặc dù, các cấp lãnh đạo cũng đã có sự tính toán, suy nghĩ và bố trí công tác cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức để làm công việc cụ thể hơn.

Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ phương châm cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, tức là cán bộ phải có chuyên môn, phải chuyên môn hóa công việc, cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cũng phải có chuyên môn thì công việc mới rành mạch, cụ thể, rõ ràng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết: “Tôi vẫn ủng hộ phương châm cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, tức là cán bộ phải có chuyên môn”. Ảnh: Thanh Lam.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết: “Tôi vẫn ủng hộ phương châm cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, tức là cán bộ phải có chuyên môn”. Ảnh: Thanh Lam.

Thông thường, lãnh đạo quản lý mà không có chuyên môn thì thường rất ngại, rất ngần ngừ, do chưa nắm được những vấn đề, lĩnh vực đó, lại e ngại người tham mưu, giúp việc cho mình có thể “gài bẫy”, hoặc bộ phận tham mưu chưa hết sức, hết lòng, dẫn đến người lãnh đạo quản lý không nắm được lĩnh vực đó, không dám quyết, không dám ký.

Trên thực tế cũng có trường hợp đó xảy ra chứ không phải không. Chính vì vậy, riêng cá nhân tôi ủng hộ cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, phải chuyên môn hóa, đặc biệt, những công việc có chuyên môn cao thì cũng cần cán bộ lãnh đạo phải có chuyên môn cao.

Ngoài ra, công tác quản lý của cán bộ lãnh đạo đó phải có sự tín nhiệm của cấp có thẩm quyền, của công chức viên chức để hoạt động làm sao cho hiệu quả”.

Ở góc độ khác, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ông Nguyễn Túc lại cho rằng: “Cũng có những trường hợp do bổ nhiệm chưa đúng chuyên môn mà dẫn đến cách làm việc cầm chừng, e dè, không dám quyết, nhưng không phải ai cũng như vậy.

Ví dụ, nhìn vào giai đoạn sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhiều đồng chí cũng được giao nhiệm vụ chưa đúng chuyên môn, nhưng với phương châm giải quyết công việc dựa trên “đức là gốc” và “tài là quan trọng”, đều sẽ giải quyết hài hòa được giữa đức và tài.

Có thể có những người chưa có tài trong lĩnh vực này, nhưng lại có khả năng quy tụ mọi người, biến những người có chuyên môn cao thành trí tuệ của tập thể.

Bao nhiêu năm qua, đội ngũ chuyên môn của chúng ta trong các ngành đều có cả, cực chẳng đã, có một số đồng chí hiện nay chưa được đào tạo chuyên môn được giao phụ trách lĩnh vực đó. Vậy những đồng chí đó khi đã được Đảng giao trách nhiệm, càng phải cố gắng thật nhiều, làm sao quy tụ được đội ngũ trí thức trong ngành, làm sao để người ta quý mến mình, dần dần thuyết phục mỗi cá nhân đem tài năng, đức độ ra đóng góp vào tập thể, tạo thành tài năng, đức độ, kinh nghiệm của cả một Bộ ngành... Trên cơ sở đó mà điều hành, lãnh đạo.

Những trường hợp được bổ nhiệm chưa đúng chuyên môn, thì công tác vận động, thuyết phục và khai thác những người giỏi chuyên môn là việc hết sức quan trọng”.

Cần cơ chế bảo vệ người “xé rào” vì đất nước, vì nhân dân

Để khắc phục tình trạng trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: “Chúng ta cần động viên, khuyến khích, cũng như tạo mọi điều kiện, phải có một cơ chế chính sách, cơ chế quy định để bảo vệ những người muốn làm, làm được việc, có trách nhiệm...

Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự rành mạch, rõ ràng và cụ thể. Cho nên, tôi nghĩ chuyện có người sợ trách nhiệm sẽ còn tồn tại. Tại vì, làm quyết liệt, nhiều sáng kiến nhưng lại đứng trước hai tình huống: nếu làm tốt thì có khi cũng không được khen thưởng; còn làm không tốt, thì khi soi chiếu quy định lại là làm sai.

Vì vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận khách quan về vấn đề này, làm sao thay đổi được cốt lõi vấn đề: Những người làm quyết liệt cũng có thể có sai nhưng không tham ô, không móc ngoặc, thì cần được bảo vệ, còn những sai phạm vì tư lợi, vì mục đích không trong sáng, thì cần phải xử lý”.

Ông Nguyễn Túc cũng nhấn mạnh: “Để các cán bộ, công chức có tư duy dám nghĩ, dám làm, Đảng và Nhà nước cũng phải có những chính sách bảo vệ cho những đồng chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vừa rồi, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết, nhưng vấn đề đặt ra, phải làm sao đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống thì mới có thể tạo động lực cho cán bộ, công chức. Như vậy, mới ngày càng có thêm nhiều cán bộ, công chức dám “xé rào” vì dân, vì nước”.

Mộc Trà