Vợ chồng nhà giáo giảm 57% phụ cấp thâm niên, lương nào bù lại được?

02/03/2021 06:45
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện chế độ tiền lương mới thì lương giáo viên không giảm, giáo viên trẻ được hưởng lợi nhưng giáo viên có thâm niên tổng thu nhập sẽ giảm đáng kể.

Hiện nay, trên khắp trang mạng, trên nhiều tờ báo đang tập trung khá nhiều về chủ đề lương giáo viên. Nào là lương giáo viên sẽ tăng mạnh từ tháng 3; Lương khởi điểm của giáo viên sẽ tăng lên đáng kể; Lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học tăng kỷ lục…

Phần đông, giáo viên đang thấp thỏm, trông chờ các chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐTsẽ có hiệu lực vào ngày 20/3 sắp tới đây. Liệu những thông tin lương mới của giáo viên có thật sự tăng mạnh như nhiều người vẫn đang kỳ vọng?

Lương mới lợi cho người trẻ, thiệt với giáo viên có thâm niên

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III, giáo viên mầm non hạng II đều có hệ số lương từ 2.34 đến 4.98;

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II, giáo viên mầm non hạng I đều có hệ số lương 4.0 đến 6.38;

Ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Tài chính.

Ảnh minh họa, nguồn: Tạp chí Tài chính.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I đều có hệ số lương từ 4.4 đến 6.78.

Nhìn vào các mức lương này nhiều người cũng sẽ nhầm tưởng lương giáo viên sẽ tăng cao vì hệ số bậc lương cuối cùng của giáo viên các hạng cũng tăng cao so với trước đây (trước là 3.99; 4.89 và 4.98 thì nay là 4.98; 6.38 và 6.78).

Nhưng đối chiếu với các quy định thì việc chuyển xếp lương trong thực tế mức chênh lệch giữa bậc lương cũ và mới (cùng hạng) sẽ không nhiều.

Nguyên tắc xếp lương căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Một điều đáng nói nữa, không ít giáo viên sau khi đã được chuyển xếp lương mới thì dạy đến khi về hưu vẫn chỉ đạt được lương bậc thứ 4, thứ 5 là nhiều. Và như thế sẽ không có cơ hội chạm đến mức lương cao cuối cùng.

Ví dụ như chính bản thân người viết, tính đến hiện nay tôi dạy đã 27 năm, lương hiện hưởng hạng II (cũ) bậc 8 hệ số là 4.65, nếu chuyển sang hạng II (mới) chỉ ở bậc 3 hệ số lương 4.68. Và 3 năm lên một bậc cho đến khi tôi về hưu, lương cũng chỉ ở bậc 5 với hệ số 5.36.

Hay, một giáo viên bậc trung học cơ sở (hạng II) hiện đã ăn lương kịch khung 4.98, khi chuyển sang lương mới (cũng hạng II) sẽ nhận lương bậc 4 với hệ số lương 5.02.

Thời gian công tác còn lại của giáo viên này khoảng 6 năm thì khi về hưu lương cũng chỉ ở bậc 6 với hệ số lương 5.7.

Thực hiện chế độ tiền lương mới, giáo viên trẻ mới là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.

Nếu như trước đây, giáo viên có bằng đại học nhưng dạy tiểu học vẫn ăn lương trung cấp, thì thực hiện chế độ tiền lương mới họ sẽ được xếp vào giáo viên tiểu học hạng III nhận mức lương khởi điểm là 2.34 (trước đây phải đi dạy gần 6 năm mới đạt được).

Và sau 9 năm, những giáo viên này nếu được thăng hạng II sẽ nhận được hệ số lương là 4.0 mà trước đây phải 12 năm mới đạt được hệ số lương này.

Vì thế có thể nói thực hiện chế độ tiền lương mới thì lương giáo viên không giảm, giáo viên trẻ được hưởng lợi nhưng giáo viên dạy lâu năm khi thâm niên bị cắt thì tổng thu nhập sẽ giảm đi đáng kể.

Qua phân tích ở trên, có thể khẳng định lương giáo viên sẽ không giảm nhưng tổng thu nhập sẽ giảm đối với giáo viên có thâm niên từ 10% trở lên.

Lương tăng ít, thu nhập giảm nhiều

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định việc lo lắng về lương có thể giảm của giáo viên là không có căn cứ.

Lý do là bởi hiện nay chính sách về lương của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang được thực hiện theo Nghị định số 204 ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Cùng với đó, chính sách này còn căn cứ vào các văn bản sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 14/2012, Nghị định số 17/201, Nghị định số 117/2016.

Theo đó, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên đều tăng hằng năm, chẳng hạn như mức lương cơ sở năm 2016 là 1.210.000 đồng/tháng, đến năm 2019 tăng lên mức 1.490.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở năm 2020 tiếp tục được tăng lên cho đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới vào năm 2021. [1]

Ông Hoàng Minh Đức khẳng định lương giáo viên sẽ không giảm là đúng, tuy nhiên ông quên mất rằng thu nhập thực nhận của giáo viên mới là vấn đề, và ông không đề cập đến việc, khi giáo viên bị cắt phụ cấp thâm niên thì sẽ ảnh hưởng đến tổng thu nhập thế nào?

Người mới vào ngành (sau ngày quy định về lương mới có hiệu lực) hưởng lương cao hơn các đồng nghiệp đã có nhiều năm công tác, lương mới vẫn căn cứ vào tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ chứ không phải hiệu quả công việc, thử hỏi như vậy có công bằng?

Tăng lương cơ sở thì toàn bộ công chức, viên chức cả nước đều được hưởng chứ riêng gì giáo viên? Nhưng cắt phụ cấp thâm niên chỉ mình nhà giáo lâu năm thiệt thòi.

Lương cơ sở mỗi lần tăng nhiều nhất cũng chỉ khoảng 8% nhưng có những giáo viên công tác trên 10 năm, 15 năm, thậm chí 30 thì mất đi chừng ấy % lương đâu phải là ít?

Luật Giáo dục đã quy định giáo viên không còn phụ cấp thâm niên và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Vì thế, việc giáo viên bị cắt thâm niên gần như sẽ không có gì thay đổi. Vấn đề chỉ là thời gian, năm 2022 thay vì 2021 bắt đầu thực hiện chính sách tiền lương mới.

Thâm niên không còn, như gia đình tôi 2 vợ chồng đều là giáo viên lâu năm, một tháng sẽ mất đi 57% phụ cấp thâm niên từ nghề giáo mà lâu nay vẫn quen gọi là lương (chứ không chia ra lương bao nhiêu, phụ cấp các loại bao nhiêu) quả là một số tiền không nhỏ.

Tôi đang hưởng mức lương hạng II, bậc 8 hệ số 4.65, phụ cấp ưu đãi 35%; phụ cấp thâm niên 27%. Tính chi tiết: Tiền phụ cấp thâm niên 1 tháng là 1.870.695 đồng; Phụ cấp ưu đãi là 2.424.975 đồng. Lương và phụ cấp 6.928.500 + 1.870.695+ 2.424.975 = 11.224.170 đồng. Lương thực nhận sau khi trừ 10.5% bảo hiểm =10.045.000 đồng.

Theo quy định mới, tôi sẽ được xếp qua hệ số lương mới của giáo viên tiểu học hạng II với bậc 3 hệ số 4.68; Nếu mất đi tiền thâm niên 27% (1.870.695 đồng) thì lương thực nhận 1 tháng chỉ còn là 6.973.000 +2.440.620 = 9.413.620 (đồng). Lương thực nhận sau khi trừ 10.5% bảo hiểm = 8.425.190 (đồng).

Lương mới tôi chỉ được tăng 44.700 đồng nhưng một tháng tôi đã mất đi 1.870.695 đồng tiền phụ cấp thâm niên.

Tương tự, chồng tôi hiện đang hưởng mức lương hạng II bậc trung học cơ sở bậc cuối cùng 4.98; phụ cấp ưu đãi 30% và phụ cấp thâm niên 33%. Tiền phụ cấp thâm niên 1 tháng là 2.448.000 đồng; Phụ cấp ưu đãi là 2.226.060 đồng. Lương và các phụ cấp: 7.420.200 + 2.448.000 + 2.226.060 = 12.094.926 đồng.

Lương chồng tôi thực nhận sau khi trừ 10.5% bảo hiểm = 10.824.959 đồng.

Theo quy định mới, nếu giữ nguyên hạng II thì chồng tôi sẽ chuyển qua bậc 4 hệ số lương 5.02. Nếu mất thâm niên 33% (số tiền 2.468.000 đồng) thì thu nhập 1 tháng chỉ còn là 7.479.800 + 2.243.940 = 9.723.740 đồng. Lương thực nhận sau khi trừ 10.5% bảo hiểm = 8.702.748 đồng.

Chuyển hệ số lương, lương mới của chồng tôi tăng so với lương cũ chỉ 44.000 đồng nhưng mỗi tháng chồng tôi đã mất đi 2.468.000 đồng.

Cả 2 vợ chồng chúng tôi sẽ mất 1.870.695 + 2.468.000 = 4.338.695 đồng.

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng lâm vào tình trạng như thế. Sẽ thật không công bằng cho các nhà giáo đã cống hiến bao nhiêu năm cho nền giáo dục nước nhà từ những ngày giáo dục còn vô vàn khó khăn, đến lúc gần về hưu mức lương vẫn không thể đảm bảo được một cuộc sống tối thiểu cho gia đình.

Đã có khá nhiều lời hứa giáo viên sẽ sống được bằng lương nhưng vẫn chưa được thực hiện, đã có những khẳng định khi thực hiện xếp lương mới dù không tăng nhưng vẫn sẽ bằng mức lương cũ, mà lương ở đây giáo viên chúng tôi hiểu là thu nhập thực nhận từ ngân sách trả cho công việc dạy học chính khóa, chứ không ai tách riêng đâu là lương đâu là phụ cấp.

Vì vậy nên chúng tôi vẫn cứ hy vọng nhà nước sẽ có cách điều chỉnh lương hợp lý, tránh thiệt thòi cho những giáo viên có thâm niên công tác với ngành lâu năm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-co-chuyen-luong-giao-vien-se-giam-871698.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết