"Vợ nhặt" vào đề thi Văn là dễ hiểu vì nằm trong vùng kiến thức trọng tâm lớp 12

06/07/2023 06:32
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều thầy cô cho rằng, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, ngữ liệu tác phẩm cũ không có nghĩa thiếu tinh thần thời đại.

Những ngày qua, đã có những phản ứng trái chiều đối với đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Một số ý kiến cho rằng đề môn Văn cần sử dụng ngữ liệu mới hơn, yêu cầu phải “mở” hơn.

Song, cũng nhiều thầy cô, chuyên gia cho rằng, khi học sinh đang học chương trình hiện hành, đề thi cần giữ tính ổn định với độ “mở” phù hợp.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 môn Ngữ văn.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 môn Ngữ văn.

Đề thi có tính phân hóa tốt

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông được thực hiện dựa trên 4 yêu cầu:

Thứ nhất phải đúng cấu trúc đề tham khảo đã công bố.

Thứ hai là phục vụ hai mục đích: công nhận việc hoàn thành bậc học trung học phổ thông và là một trong những căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thứ ba là phù hợp với nhiều đối tượng học sinh khác nhau, kỳ thi này có hơn 1 triệu học sinh tham gia, từ thành thị đến nông thôn, vùng núi đến hải đảo, vốn có chất lượng giáo dục và điều kiện dạy - học không đồng đều.

Thứ tư là đảm bảo tính phân hóa. Đây là yêu cầu cơ bản của mọi hoạt động kiểm tra đánh giá, đồng thời cũng để đáp ứng mục đích xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi vẫn phải được cân nhắc kĩ dựa vào yêu cầu thứ hai và thứ ba.

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

“Từ bốn yêu cầu nêu trên, theo tôi, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay là một đề thi tốt vì đáp ứng đủ các yêu cầu. Do vậy, mọi đánh giá khác nằm ngoài các yêu cầu trên là chưa khoa học”, Thầy Khôi nêu quan điểm.

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi đánh giá đề năm nay tuy không mới, không quá mở nhưng sự phân hóa rất tốt.

Nói không mới, không bất ngờ vì đề thi thực hiện đúng cấu trúc đề tham khảo năm 2023 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó. Hơn thế, tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân xuất hiện ở phần Nghị luận văn học cũng nằm trong vùng kiến thức trọng tâm cho năm học này.

Tính mở của đề thi chủ yếu nằm ở phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội. Phần Đọc hiểu với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (điều này đã có từ năm 2014) và câu hỏi 4 cho phép học sinh tự do trình bày nêu bài học về lẽ sống của riêng mình, miễn hợp lí, thuyết phục.

Cũng như thế, việc nhận ra và nêu rõ sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống cũng xuất phát từ quan điểm cá nhân của các em. Đối với đề thi dành cho chương trình định hướng nội dung, tính mở này là chừng mực, hợp lí.

Phân tích tính phân hóa của đề thi, thầy Khôi cho hay, độ khó trải đều ở cả 2 phần Đọc hiểu và Làm văn.

Với phần Đọc hiểu, ngay từ câu 2, học sinh cần hiểu rõ thế nào là “cơn giông” mới có thể trả lời đầy đủ. Hơn thế, dù câu hỏi vận dụng (câu số 4) thường là câu giúp các em có thể thu về gần trọn số điểm, song từ suy ngẫm của tác giả trong một dòng thơ cụ thể để rút ra bài học về lẽ sống hoàn toàn là điều không dễ dàng.

Vấn đề nghị luận xã hội tuy chưa có sự kết nối chặt chẽ đối với nội dung đoạn trích nhưng vẫn khá hay, có ý nghĩa xã hội, mang tính phổ quát cao, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh lớp 12. Dẫu vậy, yêu cầu chỉ ra sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống cũng là một thử thách đối với các em.

Trong phần nghị luận văn học, tuy tác phẩm rất quen nhưng đoạn trích được lựa chọn sử dụng làm ngữ liệu trong đề thi đòi hỏi khả năng liên hệ mở rộng của học sinh nếu muốn phân tích đoạn trích sâu, kĩ. Đề thi cũng đòi hỏi sự tinh ý để nhận ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm. Do vậy, số đông học sinh có thể sẽ khó đạt kết quả cao ở phần này.

Nếu có ý kiến cho rằng tác phẩm “Vợ nhặt” quá cũ có lẽ xuất phát từ việc chưa nắm tường tận về thực tiễn xây dựng Chương trình. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dần chuyển sang kiểm tra đánh giá theo năng lực, thế nhưng học sinh đang học chương trình 2006 định hướng theo nội dung. Do vậy phần nào đó chúng ta phải chấp nhận việc “học gì thi đó”.

Theo lộ trình đổi mới mà Bộ đang lấy ý kiến dư luận, chắc chắn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ có thay đổi.

Tác phẩm “Vợ nhặt” thể hiện cái nhìn hiện thực sắc sảo và cái nhìn nhân đạo mới mẻ của nhà văn. Thay vì chỉ trích khi đối chiếu bối cảnh ra đời văn bản với ngày nay, chúng ta nên nhận chân được bài học chiến thắng thử thách số phận với tất cả lòng nhân hậu, vị tha và khát vọng sống mãnh liệt mà tác phẩm đã gợi ra cho học sinh. Đó cũng chính là thông điệp có sự tương thích cao với ngữ liệu đọc hiểu, chứng tỏ được trục chủ đề xuyên suốt của đề thi mà Ban ra đề đã thực hiện.

Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm có thông cáo báo chí và thông tin đến dư luận về việc xác định giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và 2024 để phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối.

Từ đó có thể thấy việc xây dựng đề thi với cấu trúc được giữ ổn định là kết quả xuất phát từ một chủ trương đúng đắn, hợp lí, tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh.

Đề thi đặt ra những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của giới trẻ

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh – Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay cơ bản, nhẹ nhàng, bám sát chương trình và khá quen thuộc với học sinh.

Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh – Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh – Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Với cấp độ một đề thi tốt nghiệp thì đề thi này đảm bảo yêu cầu và thỏa mãn các tiêu chí đặt ra: về chương trình, về độ vừa sức với người học mà vẫn có những phân hóa nhất định.

Bàn về tính mới của đề thi, cô Vinh nhận xét đề thi này đã đặt ra những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của giới trẻ hiện nay như lẽ sống, sự cân bằng cảm xúc.

Phần làm văn nghị luận văn học mặc dù yêu cầu người học phân tích về một tác phẩm phản ánh một thời kì lịch sử đã xa, tuy nhiên, yêu cầu của đề vẫn đáp ứng những vấn đề mà chương trình đặt ra: phân tích về cách nhìn cuộc sống của nhà văn cũng chính là mong muốn học sinh hiểu rõ hơn về một thời kì lịch sử của dân tộc.

Phân tích cụ thể, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh cho hay, cấu trúc đề thi quen thuộc nên học sinh sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

Về độ khó và sự phân hóa, có thể thấy đề thi nhẹ nhàng, cơ bản, bám sát chương trình. Phần đọc hiểu đặt ra 4 câu hỏi nhỏ thể hiện các mức độ nhận thức từ hiểu biết đến vận dụng.

“Vấn đề lẽ sống của bản thân rất cần được đặt ra với thanh niên trong xã hội hiện đại khi các em có nhiều sự tác động từ các yếu tố bên ngoài. Việc đặt ra con người phải đi qua cơn giông của riêng mình sẽ giúp các em sống có sự chủ động, có mục đích cuộc đời”, cô Vinh nhận định.

Trong phần Làm văn, theo cô Vinh, câu nghị luận xã hội - vấn đề cân bằng cảm xúc với thanh niên cũng là vấn đề mang tính cấp thiết bởi ở lứa tuổi học sinh, nhiều khi các em chưa xác định được việc cân bằng cảm xúc, vì vậy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau, thậm chí là đáng tiếc.

Câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn văn cuối cùng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, từ đó nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Đây cũng là 1 câu hỏi không khó với học sinh bởi các em đã được học tác phẩm này trong sách giáo khoa. Tuy nhiên ý “cách nhìn cuộc sống của nhà văn” chính là ý để phân hóa học sinh rõ nét.

“Tác phẩm văn chương là lăng kính phản ánh hiện thực thời đại. Thông qua tác phẩm văn chương, người đọc hiểu rõ hơn về những chặng đường lịch sử của nhân loại, của dân tộc. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm điển hình phản ánh rõ nạn đói năm 1945. Lấy tác phẩm này làm ngữ liệu ra đề thi nhằm mục đích giúp người học hiểu rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó của dân tộc.

Nếu cho rằng Vợ nhặt là tác phẩm quá cũ, chưa thể hiện được tinh thần thời đại tôi nghĩ là có phần hơi cực đoan. Bởi có nắm bắt được hiện thực trong tác phẩm, chúng ta mới thấy được hiện thực thời đại ngày nay mình đang sống. Vả lại, “Vợ nhặt” là một tác phẩm được giảng dạy trong chương trình hiện hành nên đưa vào đề thi là hoàn toàn hợp lý”, cô Thùy Vinh chia sẻ.

Linh Trang