Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, đề thi môn Ngữ văn hiện vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Một số ý kiến cho rằng, đề thi môn Ngữ văn chưa có tính mới, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với kỳ thi quy mô toàn quốc có hơn một triệu thí sinh tham gia dự thi, gồm cả học sinh từ đồng bằng đến vùng núi, hải đảo thì tính mới như thế nào và mới tới đâu để đảm bảo khoa học, phù hợp, công bằng cần phải được xem xét.
Chương trình cũ, tác phẩm quen thuộc nhưng đề thi đã có tính mới
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, Trưởng ban Lý luận phê bình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói rằng: Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 là một đề thi khá quen thuộc. Quen thuộc vì “mô hình đề" này đã tồn tại khá nhiều năm nay.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn 2023. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Vì sự quen thuộc này nên nhiều người cứ cảm thán rằng đề sao mà cũ, nhưng lỗi này không thuộc về Ban ra đề. Ban ra đề đã nỗ lực để có một đề thi an toàn. An toàn vì bám sát chương trình hiện hành, an toàn vì tuân thủ tuyệt đối “mô hình mẫu” đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa. Ảnh: NVCC |
Muốn đề thi Ngữ văn “mới” hơn thì phải chờ đến hết năm học 2024 - 2025. Bởi vì năm học 2023 - 2024 tới đây là năm học cuối cùng mà học sinh lớp 12 vẫn học và thi môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục hiện hành (chương trình 2006).
“Tác phẩm "Vợ nhặt" thuộc chương trình hiện hành, mà theo quy định hiện hành là “học gì thi nấy”. Nếu năm nay không là “Vợ nhặt” thì cũng sẽ là “Việt Bắc”, hay “Chiếc thuyền ngoài xa”, hay “Sóng”, hay “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, hay “Người lái đò sông Đà”… Nghĩa là vẫn cũ. Vì quy định như thế, muốn đề mới hơn, chúng ta phải chờ đến lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia thi tốt nghiệp.
Còn về yêu cầu độ khó của đề thi, tên gọi của kỳ thi đã “phản biện” ngay đòi hỏi này. Đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng chung cho tất cả đối tượng học sinh lớp 12 thuộc các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường phổ thông dân tộc nội trú, áp dụng đại trà với hơn 1 triệu học sinh không phân biệt thành phố lớn hay vùng sâu, vùng xa”, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa chia sẻ.
Cũng theo nhà phê bình văn học này, đề thi Ngữ văn năm nay vẫn tuân thủ “mô hình” đề thi theo chương trình sách giáo khoa 2006, nên thoạt trông thì cũ, nhưng nếu đi sâu vào đề thì vẫn thấy được ít nhiều tính mới, tính mở, tính phù hợp và tính phân loại.
Ngữ liệu ở phần Đọc hiểu - trích đoạn bài thơ “Đi qua cơn giông” của nhà thơ Anh Ngọc, là một ngữ liệu hoàn toàn mới, chưa hề xuất hiện trong một đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông nào.
Hay đoạn trích truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được chọn để làm ngữ liệu cho câu 2 phần Làm văn, có ý kiến cho rằng đây không phải là đoạn xuất sắc, không phải là đoạn tập trung thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nhưng thiết nghĩ, đối với một tác phẩm xuất sắc, thì không có chữ thừa, chi tiết thừa, nói gì đến đoạn thừa.
Cho nên, “Vợ nhặt” tuy “cũ” nhưng đoạn trích được chọn để ra đề năm nay lại khá mới, khá bất ngờ. Thay vì học sinh làm bài trên cơ sở đã học “tủ” theo những “văn mẫu” có sẵn, quen thuộc, thì cách ra đề này khiến học sinh phải huy động kiến thức bài học trên lớp, huy động kiến thức tự học để đọc kỹ văn bản, chủ động tích cực “làm việc với văn bản”.
Câu yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ gợi ý của dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”, hay câu yêu cầu thí sinh từ nội dung đoạn thơ của Anh Ngọc viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống cũng có tính mới, tính mở, tính phù hợp (với độ tuổi thí sinh, tính chất kỳ thi) và tính phân loại nhất định.
Phân tích sâu hơn về tác phẩm “Vợ nhặt” mà nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm này quá cũ, Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa nhận định: Tác phẩm hay thì luôn mới, tác phẩm “Vợ nhặt” luôn mới. Bởi vì thân phận con người thì không bao giờ cũ. Khát vọng về một cuộc sống đáng sống hơn thì không bao giờ cũ.
“Sẽ là cực đoan nếu yêu cầu chương trình, sách giáo khoa cũng như đề thi phải cập nhật những tác phẩm văn học mới, mang chở hơi thở/ những vấn đề thời sự của ngày hôm nay.
Đành rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đang nỗ lực cập nhật một số tác phẩm “phù hợp” của văn học đương đại để đưa vào sách giáo khoa, nhưng không có nghĩa là “lưu kho” tất những tác phẩm văn học của quá khứ.
Môn Ngữ văn trong nhà trường, ngoài tư cách là một bộ môn nghệ thuật, còn là một bộ môn khoa học. Mà đã là "khoa học" thì phải ôm chứa, bao quát hết những tinh hoa của "nghệ thuật" văn chương đông tây kim cổ.
Văn chương là nghệ thuật, không phải là thông tấn báo chí để chạy theo vấn đề của thời đại. Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với văn chương, đặc biệt là những tác phẩm vừa chuyên chú ở văn chương vừa chuyên chú ở con người”, Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa chia sẻ.
Đề thi đã đánh thức được những trải nghiệm cá nhân của học sinh
Cùng trao đổi về vấn đề này, cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước hết, để đánh giá một đề thi phải xem xét bản chất, mục đích của kỳ thi.
Đây là một đề thi tốt nghiệp dành cho học sinh toàn quốc, bao gồm cả những học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập còn khó khăn cũng như học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Mặt khác, nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả của kì thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học. Như vậy, đề thi cần đảm bảo kiểm tra, đánh giá được kiến thức, kĩ năng từ cơ bản đến nâng cao.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: NVCC |
Nhìn ở góc độ đó, cấu trúc đề thi và nội dung của đề thi lần này đã đảm bảo tiêu chí khoa học, bao quát được các đối tượng.
Hơn nữa, Ban ra đề thi sẽ phải cân nhắc về “độ mở” của đề thi vì kỳ thi năm nay vẫn đang dành cho học sinh theo chương trình giáo dục hiện hành, nghĩa là đề thi vẫn phải đảm bảo những quy chuẩn đặt ra, không thể “mở” đến mức vượt ra khỏi khung chương trình các em đang học.
Đối với phần Đọc - hiểu, theo cô Dương, cần đảm bảo được những quy chuẩn của một đề thi tốt nghiệp. Sẽ có một số câu hỏi dễ để tránh điểm liệt cho học sinh, tiếp đến sẽ có câu hỏi với mức độ khó tăng dần.
Có thể thấy phần đọc hiểu của đề thi tường minh, khoa học sáng rõ, đi đúng mục đích của kỳ thi này. Đặc biệt tính mở nằm ở câu hỏi số 4 khi đề yêu cầu học sinh rút ra bài học của riêng mình, bằng tư duy và cách diễn đạt riêng, miễn là hợp lí.
Tính mở được thể hiện rõ nét ở câu nghị luận xã hội -yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đáp án để ngỏ cho các em điền vào những suy tư, hiểu biết của chính mình.
Có ý kiến cho rằng cân bằng cảm xúc là vấn đề khiên cưỡng, xa lạ với học sinh ở độ tuổi hồn nhiên vô tư. Nhưng thực tế, chính các em học sinh với tâm lý tuổi mới lớn cũng phải đối mặt với nhiều thử thách, các em ít nhiều đã và đang đi qua những chông chênh cực đoan, phải đưa ra nhiều lựa chọn trước “ngưỡng cửa” tương lai của cuộc đời, và việc cân bằng cảm xúc, làm chủ cảm xúc khá gần gũi và quan trọng.
“Có thể nói, đề thi đã đánh thức được những trải nghiệm cá nhân của các em, giúp học sinh mở cánh cửa tâm hồn mình, bước vào tìm hiểu thế giới bên trong mình với những cảm xúc, nội tâm, suy ngẫm sâu sắc hơn. Đây là một câu hỏi mở, không khuôn mẫu áp đặt”, cô Thuý Dương chia sẻ.
Khi có ý kiến đặt vấn đề nặng nề về tính mở ở câu Nghị luận văn học, theo cô Dương, hiểu về tính mở của của câu Nghị luận văn học rất rộng, không đơn thuần là ra văn bản ngoài sách giáo khoa. Học sinh có thể trình bày những phân tích cảm nhận về đoạn trích cũng như đánh giá về cái nhìn cuộc sống của tác giả theo cách riêng.
Nhận xét về tính mới của đề thi nói chung và tính mới của câu Nghị luận văn học nói riêng cần căn cứ vào 3 tiêu chí: tính pháp quy; đặc trưng bộ môn và tính chất, mục đích của kỳ thi.
“Về tính pháp quy, có thể thấy ngữ liệu hoàn toàn phù hợp với chương trình hiện hành và phù hợp với cấu trúc đề thi tốt nghiệp bao nhiêu năm qua. Nhiều người cho rằng tác phẩm “Vợ nhặt” quá cũ hay thiếu tính thời đại, nhưng tôi cho rằng quan điểm này chưa đúng đắn. Bởi nếu nói “Vợ nhặt” cũ thì tất cả các tác phẩm khác trong chương trình lớp 12 đều cũ. Bên cạnh đó, ngữ liệu từ năm nào không quan trọng, quan trọng là tác phẩm đã khơi dậy được giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục.
Một tác phẩm cũ không có nghĩa là không hấp dẫn, cũng không đồng nghĩa với việc thiếu tính thời đại. Biết bao tác phẩm văn học từ ngàn xưa như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn sống cùng năm tháng và chưa bao giờ cũ về mặt giá trị đến tận ngày nay”, cô Dương nêu quan điểm.
Đoạn trích đề cập tới nạn đói 1945, và nhân vật trong truyện đang hướng về ngày mai tươi sáng. Có thể bối cảnh nạn đói đã là xưa cũ, nhưng không có câu chuyện nào của lịch sử không mang ý nghĩa cốt lõi cho tương lai, đó chính là giá trị phổ quát của tác phẩm văn học.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, từ môi trường, dịch bệnh,... vì vậy, tác phẩm này đã định hướng cho học trò một nhãn quan, một cách nhìn tích cực về cuộc sống, thích hợp với mọi thời đại.
Về đặc trưng bộ môn học, đoạn trích trong đề thi dù không phải đoạn trích tiêu biểu cho phong cách của nhà văn Kim Lân nhưng lại đảm bảo phần nào tính thẩm mỹ ở phương diện nội dung.
Định hướng thẩm mĩ về nội dung còn được thể hiện ở phần sau của câu lệnh, yêu cầu học sinh nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân. Định hướng thẩm mĩ về nhãn quan, lối sống của câu Nghị luận văn học kết nối với các yêu cầu đọc hiểu và nghị luận xã hội tạo nên tinh thần tổng quát của đề thi – hướng tới thế giới quan tích cực.
Xét về tính chất, mục đích của kỳ thi, đề thi và tác phẩm văn học này đảm bảo tính công bằng. Những năm qua đang “nở rộ” xu hướng đoán đề thi môn Ngữ văn, đoạn trích cùng tác phẩm "Vợ nhặt" vào đề thi tốt nghiệp đã gây bất ngờ với nhiều người, với nhiều trung tâm ôn luyện. Như vậy, có lẽ Ban ra đề thi đã cân nhắc tránh tối đa tình trạng học tủ, trúng tủ, nhằm đem lại cơ hội chính đáng cho tất cả các thí sinh.