Bài báo: “Xã hội hóa giáo dục, nhìn từ bài “Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy” được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 02/12/2013 đã dành được sự chú ý của bạn đọc xa gần, nhiều báo điện tử và trang tin đã đăng lại bài này.
Trường ĐH Chu Văn An (tỉnh Hưng Yên) |
Ngày 5/12/2013 Chi bộ trường Đại học Chu Văn An đã gửi tới tòa soạn công văn số CV 69-CV/CBCVA (CV69) do ông Đỗ Hữu Binh thay mặt cấp ủy ký. Ngày 12/12/2013 Tòa soạn đã chuyển thư này tới tác giả bài báo.
Nhận thấy đây là một vấn đề cần được trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, công khai, với mục đích đóng góp ý kiến vào chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và nhà nước, đồng thời cũng giúp chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương trong công tác chỉ đạo hoạt động giáo dục đào tạo.
Tác giả (Vân Đăng) qua bài viết muốn cùng bạn đọc tìm hiểu, phân tích sâu hơn một số khía cạnh trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở, nhân tiện cũng xin có một vài ý kiến về CV69 của Chi bộ Đại học Chu Văn An.
Thứ nhất: các quy định trong điều lệ Đảng
Khoản 4 điều 9, Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.
Nhìn vào các từ viết tắt trong văn bản 1053-CV/BTCTU (CV1053) của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên và văn bản số 587-CV/BTC (CV587) của Ban Tổ chức Thành ủy Hưng Yên có thể thấy đó là các công văn (CV) chứ không phải là nghị quyết (NQ) hay là quyết định (QĐ).
Việc ban hành “công văn” để miễn nhiệm một Bí thư Chi bộ có tuân thủ đúng điều lệ khi mà khoản 4 điều 9 quy định các tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành “nghị quyết” chứ không phải là “công văn”? Phải chăng đã có quy định mới công văn cũng có giá trị như nghị quyết, quyết định?
Chi bộ Đại học Chu Văn An không đề xuất và cũng không có nghị quyết của Chi bộ về việc miễn nhiệm cấp ủy đối với ông Đặng Văn Định. Công văn số 559-CV/BTC (CV559) của Ban Tổ chức Thành ủy Hưng Yên gửi Chi bộ Đại học Chu Văn An cũng viện dẫn CV1053, như vậy việc miễn nhiệm ông Định cũng không phải do cấp trên trực tiếp quản lý ông Định (Thảnh ủy Hưng Yên) quyết định mà do cấp tỉnh quyết định! Điều này có phù hợp với các quy định hiện hành?
Nếu không phải là đề xuất ban đầu từ Chi bộ thì Ban Tổ chức Tỉnh và Thành phố dựa vào ý kiến của ai để ban hành các công văn nêu trên?
Khoản 5 điều 9 Điều lệ Đảng quy định: “Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành”
Đươc biết ngày 17/6/2010 Thành ủy Hưng Yên có quyết định (số 751-QĐ/TU) chuẩn y Ban Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ Đại học Chu Văn An nhiệm kỳ 2010-2015. Chi ủy gồm 3 người, ông Đặng Văn Định (Bí thư), ông Đỗ Hữu Binh (Phó Bí thư) và bà Vũ Thị Thúy Đạc (ủy viên).
Tháng 4 năm 2012, HĐQT mới của trường được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận, sau đó vì những lý do khác nhau hai cấp ủy có trình độ đại học (bà Đạc, phó trưởng khoa Ngoại ngữ và ông Định trưởng khoa Cơ Điện) đã thôi tham gia cấp ủy. Hiện nay Chi bộ Đại học Chu Văn An chỉ còn một Phó bí thứ là ông Đỗ Hữu Binh, không có Bí thư, không có cấp ủy vì vậy ý kiến cá nhân của ông Binh chưa phải là “hơn một nửa số thành viên” cấp ủy. Việc thay mặt cấp ủy ký tên trong công văn là trái với điều lệ Đảng.
Thứ hai: Vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng
Sự việc nêu trong bài báo là dựa vào công văn số 587-CV/BTC (CV587) ngày 14/8/2013 của Ban tổ chức Thành ủy Hưng Yên gửi cho cá nhân ông Đặng Văn Định. Mục nơi nhận của CV587 ghi rõ: Thường trực Thành ủy, Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, như kính gửi (Ông Đặng Văn Định) và Lưu”.
Chi bộ Đại học Chu Văn An không thuộc đối tượng được nhận công văn này. Như vậy ý kiến Chi bộ Đại học Chu Văn An cho rằng tòa báo cho đăng bài mà “không tìm hiểu, xác minh…” là một ý kiến chủ quan, vội vàng. Với ý kiến này, phải chăng Chi bộ Đại học Chu Văn An cho rằng cần phải “tìm hiểu, xác minh” lại độ tin cậy của các công văn số 1052 và 587, phải chăng các công văn này có vấn đề?
Mục 2 của CV69 viết: “Dù là doanh nghiệp hay các trường ĐH-CĐ ngoài công lập thì các nhà đầu tư góp vốn chúng tôi luôn luôn tôn trọng xong các nhà đầu tư, không thể cho mình cái quyền lãnh đạo nắm giữ các tổ chức chính trị nhất là tổ chức Đảng, nói như Quý báo thì các tổ chức chính trị không hoạt động theo điều lệ “ai cho tiền thì bảo vệ người ấy”.
Với việc sử dụng ngôn từ: “các nhà đầu tư góp vốn chúng tôi luôn luôn tôn trọng…” người ta không hiểu đây là công văn của Chi bộ hay là công văn của các nhà đầu tư? Chi bộ không phải là nhà đầu tư nên Chi bộ không có quyền thay mặt nhà đầu tư trả lời công luận. Phải chăng Chi bộ Đại học Chu Văn An vì một vài lý do nào đó buộc phải nói theo ngôn ngữ của nhà đầu tư, hay Chi bộ đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhà đầu tư?
Nội dung của bài báo chính là nhằm làm sáng tỏ một sự việc nổi cộm ở tầm vĩ mô như CV69 đề cập “các nhà đầu tư, không thể cho mình cái quyền lãnh đạo nắm giữ các tổ chức chính trị nhất là tổ chức Đảng”.
Câu hỏi đặt ra là: “nếu ông Đặng Văn Định không bị miễn nhiệm các chức vụ Hiệu phó, Chủ nhiệm khoa, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo thì liệu ông có mất chức Bí thư không? Việc miễn nhiệm chức vụ quản lý của ông Định nếu không do các nhà đầu tư thực hiện thì ai làm? Nếu việc thôi làm công tác quản lý của ông Định không phải là lý do để miễn nhiệm cấp ủy và chức Bí thư thì còn lý do nào khác ẩn chứa đằng sau?”.
Điều đáng nói là các cấp ủy ở Hưng Yên đang cố tình cố tình bẻ cong các hướng dẫn trong QĐ 45, theo đó các điều kiện để thôi tham gia cấp ủy là:
- Từ thời điểm nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu, hoặc
- Từ thời điểm thôi làm công tác quản lý để chờ nghỉ hưu, (trường hợp thay đổi vị trí quản lý thì không phải thôi cấp ủy), hoặc
- Từ thời điểm thôi làm công tác quản lý để chuyển công tác đến đơn vị khác ngoài đảng bộ.
Người hiểu lý lẽ đều nhận thức được rằng, một đảng viên chỉ phải thôi tham gia cấp ủy hiện thời nếu đương sự “nghỉ hưu”, “chờ nghỉ hưu” hoặc “chuyển đến đơn vị khác ngoài đảng bộ”, nếu không “nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu” hoặc không “chuyển công tác đi nơi khác” thì đương nhiên sẽ không có chuyện buộc phải thôi tham gia cấp ủy.
Để rộng đường dư luận, đề nghị Chi bộ Đại học Chu Văn An chứng minh ông Định “nghỉ công tác” để “nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu” hoặc ông Định “chuyển công tác đến đơn vị khác ngoài đảng bộ”. Nếu chứng minh được điều đó thì tác giả sẵn sàng xin lỗi và chịu các hình thức xử lý.
Kết luận:
Đảng ta là Đảng cầm quyền, đây là điều đã được Hiến pháp quy định. Các tổ chức cơ sở của Đảng không thể tự biến mình thành đại diện cho chủ đầu tư, làm việc theo chỉ đạo của chủ đầu tư (như ngôn từ dùng trong CV69 của Chi bộ Đại học Chu Văn An), điều này chẳng những trái với các quy định trong Điều lệ Đảng mà còn cho thấy sự non yếu trong nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng của một số cán bộ, đảng viên.
Nhiều vấn đề liên quan đến các nhà đầu tư và hoạt động đào tạo của Đại học Chu Văn An đã được báo chí đã đăng tải và Thanh tra cũng đã vào cuộc tìm hiểu, tuy chưa có kết luận cuối cùng song việc vội vàng phản bác là điều nên xem xét lại. Những vấn đề hiển nhiên có thể kết luận như tiêu chuẩn Hiệu phó trường Đại học Chu Văn An, tiêu chuẩn Trưởng phòng Hành chính-Tổ chức hình như đang bị các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể cơ sở “bỏ quên”? Chẳng lẽ Hưng Yên không biết gần hai năm qua Đại học Chu Văn An không có Hiệu trưởng, không có Trưởng phòng đào tạo, Trưởng phòng Khoa học… cũng chẳng có báo cáo quyết toán tài chính?
Để bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, mọi quyết định cần phải minh bạch, phải tôn trọng quyền của các cá nhân mà pháp luật và điều lệ đã quy định. Sự việc hôm nay có thể chưa được làm sáng tỏ nhưng không có nghĩa là mãi mãi bị che dấu. Chúng tôi chỉ có một mong muốn các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương giữ được chữ Tâm khi xử lý vụ việc./.