Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2021 cả nước có 5615/8233 xã (chiếm 68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 40 đơn vị so với năm 2020).
Đối với các xã khu vực II (xã còn khó khăn), khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) khi đã được phê duyệt nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sẽ được xác định là xã khu vực I (xã bước đầu phát triển) và thôi hưởng các chính sách áp dụng với xã khu vực II, III kể từ ngày Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.
Nội dung trên được thực hiện theo Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. [1]
Trong khi đó, nếu địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (khu vực I) vẫn nằm trong danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, thì vẫn được hưởng chính sách như khu vực III. [2]
Vấn đề nảy sinh là xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng nhiều học sinh của xã ở thôn đặc biệt khó khăn, giáo viên, phụ huynh trăn trở với việc thực hiện các chính sách ra sao?
Tại tỉnh Kon Tum, vào năm 2021, toàn tỉnh có 8/8 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó, có 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (xã Chư Hreng, xã Kroong, thành phố Kon Tum; xã Sa Bình, huyện Sa Thầy; xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà; xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei; xã Đăk Tăng, huyện Kon Plong; xã Ia Dom, huyện Ia H'rai). [3]
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng một trường mầm non ở nơi vừa được công nhận xã nông thôn mới của Kon Tum chia sẻ, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương không còn là xã khu vực III và trở thành xã khu vực I.
“Tại quyết định công nhận xã công tác đạt chuẩn nông thôn mới, tôi biết rằng, xã sẽ bị ngưng các chính sách cho vùng III trước đây. Điều này đã có những tác động đến nhà trường”, cô Hương nói.
Ảnh minh họa. |
Nữ Hiệu trưởng cho hay, việc cắt chính sách khu vực III, đã tác động đến nhà trường. Ví như với các bé mẫu giáo, không còn chế độ ăn trưa dành cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP. Khi nhà trường thuộc khu vực I, đơn vị sẽ phải thu học phí 25 nghìn đồng/học sinh/tháng. Số tiền này được dành để hỗ trợ công tác chuyên môn của nhà trường.
Tuy nhiên, nhà trường chưa thực hiện thu khoản phí trên, bởi theo Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, có 6 thôn làng trong xã vẫn thuộc vùng III. Đời sống kinh tế của người dân làm nông nghiệp nên còn nghèo khó.
Nhà trường có khoảng 400 bé, trong đó có tới 30-40% gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Đứng trước khó khăn trong việc thực hiện chính sách, cô Hương cho rằng: “Nếu nhà trường thu học phí của các bé cũng nhiều trăn trở, bởi đến quần áo của nhiều con, nhà trường vẫn phải đi xin để hỗ trợ thêm các cháu. Giáo viên đi thu 25 nghìn đồng với trẻ, tôi thấy nóng ruột quá nên quyết định không thu. Nhà trường đang đợi các văn bản rõ ràng rồi tính tiếp”.
Thực tế, trên địa bàn còn nhiều thôn khó khăn, nhà trường cũng thường xuyên đi vận động quần áo từ các nhà hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn tại huyện nhà, doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng chỉ hỗ trợ một phần.
Trong việc vận động xã hội hóa, ngoài doanh nghiệp, nhà trường chỉ huy động phụ huynh làm ngày công như hỗ trợ trường chặt tre, làm đồ dùng đồ chơi từ phế liệu, phế thải…
Chia sẻ về giải pháp, cô Hương cho hay, theo cô được biết, địa phương cũng đang có kiến nghị tới các quan cấp trên và đang chờ trả lời.
“Mới đây nhất, tôi được biết, Ủy ban dân tộc thông tin với địa phương, các thôn có trong danh sách Quyết định 612 là thôn đặc biệt khó khăn vẫn sẽ giữ nguyên chế độ chính sách.
Về phía huyện cũng đã xin hướng dẫn cụ thể của lãnh đạo tỉnh, sau đó sẽ hướng dẫn cho xã. Người dân và giáo viên cũng đang rất mong chờ để thực hiện”, cô Hương nói.
Xã được công nhận nông thôn mới, giáo viên công tác ở đây cũng bị ảnh hưởng các chế độ. Cô Lan - một giáo viên công tác tại xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum cho hay, hiện mức lương và phụ cấp của cô được tính theo bậc 4, hạng 3 tại khu vực I và cô được nhận được khoảng 8 triệu đồng/tháng.
“Nếu như trước kia, địa phương thuộc vùng III, với bậc 4, hạng 3, tôi sẽ được nhận mức lương và phụ cấp là 10 triệu đồng”, cô Lan chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, với số tiền bị giảm 2 triệu đồng khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, khiến cô Lan phải có kế hoạch chi tiêu chắt bóp hơn.
Địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cũng đã mấy năm, nữ giáo viên nhận thấy sự thay đổi “diện mạo” nhiều nhất, thông qua các con đường đất được đổ bê tông, nhà tranh của người dân được hỗ trợ để xây nhà mái bằng. Tuy nhiên, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
“Người dân mưu sinh vẫn chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp như trồng củ mì, cao su, cà phê, chăn nuôi nhỏ lẻ”, cô Lan cho hay. Chính vì thế, việc ngưng các chính sách, chế độ với học sinh, giáo viên công tác ở đây cũng khiến thầy cô, phụ huynh không khỏi trăn trở.
Link bài viết tham khảo:
1: https://vpcp.chinhphu.vn/phe-duyet-danh-sach-xa-khu-vuc-i-ii-iii-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-11526115.htm
2:https://baochinhphu.vn/ap-dac-biet-kho-khan-thuoc-xa-nong-thon-moi-co-duoc-huong-chinh-sach-uu-dai-102221028160415677.htm
3: https://www.kontum.gov.vn/pages/detail/40331/Nam-2022-phan-dau-toan-tinh-co-them-08-xa-dat-chuan-xa-nong-thon-moi.