Xếp hạng, xếp lương giáo viên kiểu gì cho vừa lòng tất cả?

21/02/2022 06:52
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi đề cập đến việc xếp hạng, xếp lương của giáo viên thường là vấn đề rất nhạy cảm và có phần phức tạp bởi số lượng viên chức trong ngành hiện nay đang rất lớn.

Hiện nay, cả nước có trên 1,3 triệu giáo viên và con số này chiếm khoảng 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên chỉ cần một thay đổi nhỏ về chính sách tiền lương đối với nhà giáo cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều.

Nếu vẫn trả lương cho giáo viên theo hệ số, phụ cấp thâm niên như hiện tại sẽ có sự chênh lệch khá lớn về mức lương hàng tháng giữa các giáo viên với nhau. Những giáo viên trẻ đang hưởng lương bậc 1, bậc 2 chỉ bằng 1/3 lương của những thầy cô lớn tuổi.

Nếu trả lương theo hạng, theo vị trí việc làm thì khoảng cách về lương giữa các giáo viên sẽ được rút ngắn lại nhưng những thầy cô có thâm niên công tác lại không đồng tình vì có thể một bộ phận thầy cô có thể bị giảm về thu nhập hàng tháng.

Vì thế, áp dụng chính sách tiền lương cho giáo viên theo cách nào trong bối cảnh hiện nay cũng sẽ vấp phải rất nhiều ý kiến không đồng tình của nhiều nhà giáo vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, chế độ của nhiều thầy cô giáo.

Vấn đề lương, phụ cấp nhà giáo vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Vấn đề lương, phụ cấp nhà giáo vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Trả lương cho giáo viên theo cách nào cũng sẽ có một bộ phận giáo viên không đồng tình

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng chia sẻ rằng: “đến năm 2010 thì giáo viên sẽ sống được bằng tiền lương” nhưng hơn 10 năm - đã qua vài đời Bộ trưởng nữa rồi vậy mà nhiều giáo viên vẫn chưa “sống được” bằng tiền lương hàng tháng của mình.

Nhiều thầy cô giáo, nhất là những thầy cô có thâm niên nghề còn ít vẫn phải bươn chải cuộc sống bằng một số nghề “tay trái” khác nhau nhằm đảm bảo cuộc sống hàng ngày để nuôi nghề “tay phải” của mình.

Hơn hai năm nay, do tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19 mà cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương cơ sở của giáo viên nói riêng không tăng theo lộ trình mà vẫn giữ nguyên ở mức 1.490.000 đồng - điều này cũng đồng nghĩa đời sống một bộ phận giáo viên đang gặp những khó khăn nhất định.

Song, có lẽ đây cũng là những khó khăn chung đối với những người đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Nhưng, điều đáng chú ý là ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT- BGDĐT quy định về mã số tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đã tạo ra những luồng tranh luận về việc xếp hạng, xếp lương giáo viên trong suốt hơn 1 năm qua.

Mới đây, ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Theo dự thảo Thông tư, viên chức giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được xếp làm 3 hạng, đó là: Giáo viên hạng I, II, III. Dự thảo Thông tư này vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng tình của nhiều nhà giáo.

Điều này cho thấy, bên cạnh sự bất cập về các tiêu chuẩn cho từng hạng giáo viên thì các văn bản này đang hướng tới việc xếp lương tương ứng với từng hạng giáo viên cụ thể và những giáo viên được xếp ở hạng cao hơn sẽ có hệ số lương cao hơn đối với những nhà giáo có hạng thấp hơn.

Chính vì thế, khi mà ảnh hưởng đến đồng lương hàng tháng của một bộ phận thầy cô giáo thì tất nhiên là họ sẽ lên tiếng.

Vậy, mấu chốt của những ý kiến trái chiều đó là gì?

Khi Nhà nước trả lương theo thâm niên thì nhiều người cho rằng chính sách tiền lương đang cào bằng với nhau, không tạo được động lực phấn đấu cho người tài vì giỏi hay không giỏi cũng 3 năm tăng 1 bậc lương như nhau.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều năm qua, các trường sư phạm không thu hút được học sinh giỏi thi và xét tuyển vào học nên có những năm phải “vơ bèo vạt tép” khi tuyển sinh đầu vào.

Khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT- BGDĐT và dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập là đang hướng tới việc trả lương theo năng lực của từng người thì nó vẫn không nhận được sự đồng tình của đa số nhà giáo.

Thậm chí, còn vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều người vì nó có những tiêu chuẩn quá cao mà phần nhiều giáo viên đang đứng lớp không đảm nhận chức vụ sẽ khó đạt được hạng cao như hạng II, hạng I.

Trong khi, nếu bị xếp ở hạng III (hệ số lương như hiện tại, trình độ đại học có hệ số từ 2,34- 4,98) mà tới đây thâm niên nhà giáo bị cắt thì sẽ có nhiều thầy cô giáo bị ảnh hưởng khá nhiều.

Điều này cho thấy, chính sách tiền lương của nhà giáo dù thực hiện theo cách nào cũng không thể nào nhận được sự đồng thuận của toàn thể giáo viên vì cách trả lương nào cũng sẽ có một bộ phận nhà giáo bị giảm xuống hoặc bị thua thiệt.

Trả lương như hiện hành thì giáo viên trẻ thua thiệt vì giáo viên nào cũng dạy định mức như nhau nên cũng có nhiều người có ý kiến.

Trả lương theo hạng, theo vị trí việc làm thì có một số giáo viên trẻ sẽ đạt được tiêu chí ở hạng cao đương nhiên chế độ tiền lương sẽ được cải thiện.

Ngược lại, một số thầy cô lớn tuổi mà không đạt được tiêu chuẩn hạng cao thì sẽ bị xuống hạng thấp hơn và chế độ tiền lương có thể thấp hơn hiện hành và họ cũng có ý kiến không đồng tình.

Trả lương theo hạng hoặc vị trí việc làm là xu thế tất yếu trong tương lai

Khi đề cập đến việc xếp hạng, xếp lương của giáo viên thường là vấn đề rất nhạy cảm và có phần phức tạp bởi số lượng viên chức trong ngành đang chiếm áp đảo so với các ngành nghề khác.

Song, điều mà chúng ta không thể phụ nhận được là cách trả lương như hiện hành đang trở nên lạc hậu, không còn phù hợp nữa trong nền kinh tế thị trường.

Chính vì thế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang hướng tới việc trả lương theo vị trí việc làm, chúng tôi cho đây là một chủ trương phù hợp nhất.

Hệ số lương của giáo viên hiện nay đang hưởng theo bằng cấp, năm công tác như một số ngành nghề khác đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và có thêm một số phụ cấp ưu đãi nữa nhưng nhìn chung một bộ phận nhà giáo vẫn đang gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Bởi, những giáo viên có thâm niên khoảng 10 năm trong nghề, hưởng lương bậc 3 hoặc bậc 4 thì cũng chỉ dao động ở mức khoảng trên 5 triệu đồng/ tháng. Mức lương này đang thua xa những người lao động phổ thông…

Xếp lương theo hạng, theo vị trí việc làm sẽ cải thiện được đời sống cho một bộ phận thầy cô giáo bởi nó sẽ tạo động lực cho nhiều người phấn đấu, bứt phá vươn lên và tất nhiên họ sẽ được hưởng đồng lương tương xứng với công sức của mình.

Vì thế, việc trả lương theo vị trí việc làm trong thời gian tới đây là xu thế tất yếu, không có gì khiến người lao động phải lo lắng, nghĩ suy nếu như mình có năng lực thực sự, có tâm huyết với nghề nghiệp đang gắn bó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang