Không còn học thêm tràn lan, làm gì để học sinh bớt lo lắng?

10/04/2025 06:52
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thông tư 29 yêu cầu giáo viên phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang vai trò hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học.

Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT khiến trường học đột ngột dừng dạy thêm đã có ít nhiều ảnh hưởng tâm lý đối với học sinh, nhất là những học sinh cuối cấp đang đối mặt với áp lực thi cử.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả đánh giá việc thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm học thêm sau một tháng có hiệu lực như sau: “Dừng đột ngột việc dạy thêm trong trường ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh”. [1]

Định hướng xây dựng một nền giáo dục không dạy thêm học thêm là xu hướng giáo dục tiến bộ trên thế giới; trong đó, giải pháp căn cốt là thúc đẩy học sinh tự học thêm.

Bộ đã khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là tiến tới trường học không có dạy thêm, học thêm” [2]. Nhưng lâu nay, học sinh đã quen học thêm từ thầy cô, đột ngột chuyển sang tự học thêm nên tâm lý mất cân bằng là điều dễ hiểu.

Nhiều học sinh có tâm lý hoang mang, lo lắng và bất an khi các em cảm thấy thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ gia đình, nhà trường và nhất là bản thân chưa quen với phương pháp tự học thêm.

Từ góc nhìn của một giáo viên trung học phổ thông, người viết xin đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ để giúp học sinh tự học thêm một cách tự tin.

TL.jpg

Giáo viên cần thay đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy

Thông tư 29 yêu cầu giáo viên phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang vai trò hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có sự thay đổi về nhận thức và phương pháp giảng dạy.

Thứ nhất, giáo viên cần thể hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa. Để đạt được điều đó, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trong giờ học, giáo viên tăng cường tương tác với học sinh, đặt học sinh vào tình huống buộc phải tư duy phản biện. Từ đó, học sinh nắm vững kiến thức, đáp ứng kỹ năng cơ bản ngay tại lớp.

Thứ hai, giáo viên hướng dẫn phương pháp tự học cho học sinh như lập kế hoạch học tập, cách tìm kiếm và xử lý thông tin, cách ghi chép và hệ thống hóa kiến thức. Các em cần tự đánh giá kết quả học tập, xác định điểm yếu của bản thân để có giải pháp căn cơ. Một cách học rất quan trọng là học sinh tự học theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm học tập với nhau.

Thứ ba, hỗ trợ học sinh tiếp cận các nguồn tài liệu học tập như sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu trực tuyến. Tư vấn cho học sinh về cách chọn lựa tài liệu học tập phù hợp, cách phân bổ thời gian học tập hợp lý. Phân công học sinh khá giỏi hỗ trợ, giúp học sinh chưa đạt yêu cầu bổ sung kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu.

Thứ tư, cần kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của học sinh một cách thường xuyên, khách quan. Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT nhấn mạnh việc đánh giá học sinh phải phù hợp với năng lực của từng học sinh và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Điều này có nghĩa là việc đánh giá không chỉ dựa trên điểm số mà còn dựa trên việc học sinh có đáp ứng được các năng lực và phẩm chất mà chương trình đề ra hay không.

Thông tư cũng khuyến khích kiểm tra, đánh giá không chỉ tập trung vào kiểm tra viết, mà còn bằng nhiều hình thức khác nhau như đánh giá qua các hoạt động nhóm, thuyết trình, sản phẩm học tập... Từ đó, sẽ đánh giá được năng lực của học sinh một cách toàn diện hơn.

Phụ huynh không nên gây áp lực thành tích cho con cái

Để con cái tự tin với khả năng tự học, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Điều đầu tiên mà phụ huynh cần làm là giải phóng con cái khỏi áp lực thành tích. Đừng để con cái ám ảnh về điểm số mà thay vào đó là sự trân trọng từng bước tiến bộ của con mình, bởi quá trình học tập quan trọng hơn kết quả.

Trong bài viết “Giúp trẻ giảm stress và áp lực học đường” trên báo Tuổi trẻ (03/12/2024) thông tin: “Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện trên 280.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia cho thấy áp lực học đường đang tăng cao, trong khi sự hỗ trợ từ gia đình lại suy giảm”.

Theo đó, tại Việt Nam, tình hình cũng không mấy khả quan. Nghiên cứu tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy tỷ lệ stress ở học sinh là 33,8%, trong đó stress nặng chiếm 6,3%. Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ ra rằng sự kỳ vọng và quản lý của phụ huynh là một trong những yếu tố chính gây ra stress ở học sinh.

Nghiên cứu về rối loạn tâm lý ở học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội cũng ghi nhận tỷ lệ trầm cảm lên đến 27%. Các yếu tố nguy cơ bao gồm học sinh nữ, mâu thuẫn gia đình và thiếu tình yêu thương từ cha mẹ. [3]

Như vậy, phụ huynh không nên gây áp lực thành tích cho con; thay vì chỉ tập trung vào điểm số, hãy động viên con nỗ lực hết mình và trân trọng quá trình học tập của con. Phụ huynh là người có nhiều kinh nghiệm trong học tập nên hiểu giá trị của việc tự học, từ đó trao truyền tinh thần tự học cho con một cách thường xuyên.

Học sinh ôn luyện nhiều câu hỏi tăng cường vận dụng kiến thức

Việc ra đề thi tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm đánh giá năng lực thực chất của học sinh, thay vì chỉ kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Điểm mới trong đề thi tốt nghiệp năm 2025 là tăng cường các câu hỏi phân hóa, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phải biết vận dụng linh hoạt vào thực tiễn.

Cấu trúc đề thi cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với việc đánh giá năng lực người học, tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết - hiểu - vận dụng là 40/30/30. Trong đó, 70% câu hỏi ở mức độ biết và hiểu nhằm phục vụ mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông, còn 30% ở mức độ hiểu và vận dụng sẽ có tính phân hóa cao, hỗ trợ cho việc xét tuyển đại học.

Với môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội, nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của thí sinh trong các tình huống thực tế, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.

Những thay đổi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng kỳ thi mà còn khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống. [4]

Trước thông tin thay đổi đề thi theo hướng tăng cường nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức, để ôn luyện hiệu quả nhất, học sinh nên tập trung vào việc rèn luyện năng lực thực chất, tránh học thuộc lòng.

Bên cạnh đó, các em nên tận dụng các bài khảo sát (thi thử) để xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp.

Ngoài ra, các em cần chủ động tìm kiếm và sử dụng tài liệu chính thống, tài liệu tham khảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để ôn luyện, làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài và giảm bớt lo lắng trong kỳ thi sắp tới.

Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều lực lượng như giáo viên, phụ huynh và học sinh trong bối cảnh giáo dục mới sẽ giúp học sinh bớt lo lắng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/bo-giao-duc-dot-ngot-dung-day-them-anh-huong-tam-ly-hoc-sinh-4861442.html

[2] https://giaoduc.net.vn/can-tien-toi-truong-hoc-khong-co-day-them-hoc-them-post249881.gd

[3] https://tuoitre.vn/giup-tre-giam-stress-va-ap-luc-hoc-duong-2024120309423276.htm

[4] https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-thong-tin-ve-de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-185250223205958651.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm