Thông tin về công tác tuyển sinh tại Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vừa qua, tại Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Giáo dục Đại học đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tập huấn phần mềm xét tuyển vào đại học năm 2023 cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và tất cả các sở giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.
Ngày 28/4/2023, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn 1919 về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trong đó có nội dung cụ thể hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, đề nghị các sở triển khai theo đúng tinh thần công văn hướng dẫn.
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ công tác tuyển sinh năm 2023, để cụ thể tính pháp lý, giao việc cụ thể cho nhân sự, và cũng là cơ sở để làm thủ tục thanh toán lệ phí tuyển sinh vào các trường đại học.
Các địa phương hướng dẫn các trường trung học phổ thông, đặc biệt các thí sinh được biết, năm 2023, tất cả việc đăng ký xét tuyển vào đại học, bao gồm việc nộp lệ phí đều được thực hiện trực tuyến như năm 2022, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng.
Đặc biệt, thí sinh tham gia xét tuyển sớm vào các trường đại học, sau khi đăng ký xét tuyển sớm, được các trường đại học thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) thì các em bắt buộc đăng ký vào Hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các sở phải hướng dẫn, lưu ý thí sinh khi xếp nguyện vọng xét tuyển sớm, muốn xếp nguyện vọng thứ bao nhiêu là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của thí sinh, trường đại học không được yêu cầu thí sinh phải xếp đó làm nguyện vọng 1.
Thời gian qua, đã có thí sinh phản ánh một số trường đại học hướng dẫn thí sinh phải xếp nguyện vọng 1 khi xét tuyển sớm.
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ đề nghị các sở chỉ đạo các điểm tiếp nhận là các trường trung học phổ thông hoặc đơn vị trung tâm giáo dục thường xuyên, sử dụng tài khoản Bộ đã cấp để thực hiện các nội dung sau:
Kiểm tra, rà soát các thông tin liên quan đến diện ưu tiên cho thí sinh (bao gồm ưu tiên theo khu vực, ưu tiên theo đối tượng), riêng việc xác nhận thường trú không yêu cầu thí sinh cung cấp minh chứng vì Bộ đã phối hợp với Bộ Công an và đã có trên hệ thống xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, để xác định diện ưu tiên cho thí sinh không chỉ liên quan đến thường trú. Đối với diện ưu tiên theo đối tượng, những minh chứng ưu tiên, Bộ đã có hướng dẫn thí sinh tải lên hệ thống minh chứng và các trường trung học phổ thông cần kiểm tra, nếu đúng thì xác nhận cho thí sinh. Trường hợp sai thì không xác nhận và trả lại cho thí sinh, thông báo cho thí sinh biết.
Ngày 15/6 – 20/7, các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các địa điểm tiếp nhận cấp tài khoản cho thí sinh tự do để các em có tài khoản đăng ký xét tuyển vào đại học. Năm 2022, có một số sở không thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Chỉ đạo các trường phổ thông mở các phòng máy có kết nối mạng để hỗ trợ thí sinh không có khả năng tự đăng ký xét tuyển vào đại học.
Đối với những thí sinh phúc khảo, sau khi phúc khảo, nếu có nguyện vọng điều chỉnh nguyện vọng vào đại học, các sở giáo dục và đào tạo phải có hướng dẫn riêng cho những thí sinh này. Chỉ có những thí sinh có kết quả phúc khảo mới được điều chỉnh.
Từ 10/6 – 06/8, đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông phải cử cán bộ có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh để hỗ trợ, hướng dẫn cho các em trong việc đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2023.
Tại Hội nghị, Bà Đặng Thị Oanh – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, điểm mới trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi năm 2023 là thực hiện Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/12/2022 và thực hiện Công điện số 90 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/2/2023 về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, trong khi đó dữ liệu cơ sở dân cư lại chưa có dữ liệu về lịch sử thường trú.
Thông báo số 74/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ: Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 01 tháng 3 năm 2023 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP có yêu cầu các địa phương, các tổ chức bãi bỏ yêu cầu nộp xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận cư trú, thực hiện các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công phục vụ phạm vi quản lý. Trong khi trên cơ sở dữ liệu ngành chưa có thông tin về lịch sử thường trú.
Trước bài toán cấp thiết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Công an thu thập thông tin lịch sử cư trú của toàn bộ học sinh lớp 12 lên cơ sở dữ liệu ngành.
Từ 26/4/2023, Bộ đã đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống quản lý thi nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục địa phương kiểm tra, xác nhận diện ưu tiên liên quan đến nơi cư trú, phục vụ xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đến nay, các địa phương đã thực hiện việc này, tuy nhiên, qua kiểm tra trên hệ thống, nhiều điểm tiếp nhận đã xác nhận diện ưu tiên liên quan đến nơi thường trú cho thí sinh nhưng chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, đối chiếu với thông tin khai thác từ cơ sở dữ liệu dân cư theo Hướng dẫn 1515 và Công văn 1919 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quy chế thi, đề nghị các đơn vị nhắc nhở các điểm tiếp nhận hồ sơ thực hiện rà soát, tra cứu, đối chiếu thông tin khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và hồ sơ thuộc diện ưu tiên liên quan đến nơi thường trú của thí sinh để xác nhận cho thí sinh cho đúng.
63 tỉnh thì có 7 tỉnh đã không thực hiện đúng theo hướng dẫn hướng dẫn 1515 và công văn 1919 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Thanh Hóa, Sóc Trăng và Trà Vinh.