Cứ vào đầu năm học, thầy cô giáo, phụ huynh và những ai quan tâm đến giáo dục lại đắng lòng khi thấy, nghe chỗ này chỗ kia chuyện chạy trường chạy lớp, chuyện bán – mua, chuyện hoa hồng cao “ngất ngưởng” lại nhộn nhịp trong trường học.
Cái điệp khúc thị trường hóa nhà trường cứ mãi ngân lên chưa có hồi kết khiến môi trường giáo dục thiếu lành mạnh, hình ảnh người thầy không còn được đẹp đẽ trong mắt học trò.
Vấn nạn chạy trường, chạy lớp
Trong xu thế đời sống xã hội được nâng lên, mức độ quan tâm đến chuyện học hành của con cái được ưu tiên hàng đầu, điều kiện học tập cần được nâng cao nên tình trạng chạy trường càng sôi động hơn, quyết liệt hơn.
Vài năm trở lại đây, chạy trường chạy lớp vào mỗi năm học mới đến đã trở thành “bình thường” trong không ít trường học.
Chạy trường đã là nhu cầu bức thiết của không ít gia đình có con em đi học.
Nhiều phụ huynh thật sự lo lắng cho con có một chỗ học tốt ở một ngôi trường chất lượng cao với giáo viên giỏi, nhưng cũng có một bộ phận cha mẹ học sinh theo phong trào, coi con học trường “trọng điểm”, trường “có tiếng” như là một thương hiệu cho chính mình.
Có bao nhiêu kiểu chạy trường? Một thầy giáo từng làm cán bộ quản lý đã liệt kê cho chúng tôi đủ kiểu chạy trường: “Chạy từ tỉnh khác, huyện khác về, thiếu điểm thi tuyển vào lớp 10, không đủ điểm xét tuyển vào lớp 6, lớp 10; học sinh trái tuyến, chạy từ trường bình thường về trường tốt, trường chuẩn quốc gia, chạy từ tiểu học để lên lớp 6 vào đúng tuyến trường nổi tiếng, chạy vào trường mầm non, chạy cả vào trường chuyên...”.
Có “cung” thì mới có “cầu”. Nói gì thì nói, về mặt nào đó, phụ huynh chạy trường được cũng do cách làm, sự thiếu giải pháp triệt để của các cấp quản lý giáo dục. Chạy bằng tiền, chạy bằng mối quan hệ là hai cách người ta thường thấy. Một suất chạy trường ít thì chục triệu đồng, nhiều vài chục triệu đồng.
Bằng cách này cách khác, chính cha mẹ học sinh và những người làm công tác giáo dục đã tiếp tay cho một lực lượng khá lớn làm giàu không chính đáng. Đó là cò chạy trường.
Có tiền không có nghĩa là chạy vào trường nào cũng được. Ngoài nhờ người thân quen biết với hiệu trưởng ở các trường, nhờ thư tay lãnh đạo, nhờ quan hệ làm ăn, quan hệ xã hội… thì hầu hết số phụ huynh còn lại phải qua tay “cò”.
Cò ở đây cũng có nhiều dạng: quen biết với nơi cần đến, là người có quan hệ trực tiếp với trường, là người trong ngành giáo dục, thậm chí ngay trong trường…
Chạy trường đã là nhu cầu bức thiết của không ít gia đình có con em đi học. (Ảnh minh họa: Danh). |
Một người tôi quen biết làm cò chạy trường chia sẻ: “Lúc đầu vì có nhiều mối quan hệ nên chạy cho người thân, sau chạy cho đồng nghiệp, bạn bè. Họ nhờ thì mình làm, kiếm thêm chút tiền xăng, chi phí sinh hoạt. Trường nào quen thì trực tiếp, trường lạ là nhờ cấp trên viết thư tay, điện thoại hay nhắn tin. Thường là phải “lại quả” cho các sếp một nửa để còn lần sau... gặp lại”.
Không những chạy trường mà nhiều phụ huynh còn chạy lớp. Chạy từ lớp thường qua lớp “chọn”, từ giáo viên này qua giáo viên khác dạy giỏi hơn. Những giáo viên có tiếng thường phải “miễn cưỡng” khi được hiệu trưởng gửi gắm học sinh mà theo sếp thì đó là con cháu hay con của bạn bè thân thiết. Không nhận không được mà nhận rồi thì rất khó dạy bởi học sinh thừa biết, được chuyển lớp là do cha mẹ chạy tiền.
Phụ huynh chạy trường cho con đã đành, giáo viên cũng chạy trường lớp. Giáo viên mới ra trường chạy có được chỗ dạy, giáo viên lâu năm chạy về trường gần nhà, chạy về trường xịn để làm giàu bằng dạy thêm.
Rồi chạy chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chạy về trường nội thành, trường “xịn”...
Như một số trường hợp mà những đồng nghiệp của tôi vẫn rỉ tai nhau, mỗi suất chạy của giáo viên, ban giám hiệu có nơi từ 300 triệu đến nửa tỉ đồng. Còn nữa, giáo viên chạy để được dạy "lớp ngon", lớp học giỏi, lớp học sinh ngoan, lớp con nhà giàu có, đại gia.
Họ chạy để dạy nhàn nhã, thu các khoản tiền đóng cho trường không phải vất vả, lớp con nhà phụ huynh giàu có để dạy thêm đông học sinh, lễ tết quà cáp “nặng túi”.
Một giáo viên dạy tiểu học cho biết: “Có một số giáo viên cứ đến đầu năm học, sắp phân công chuyên môn là chạy hiệu trưởng để được chủ nhiệm lớp tốt, con nhà giàu.
Họ đẩy cho đồng nghiệp mình những lớp “xương xẩu”, học sinh học làng nhàng, quậy phá, thích nghịch hơn thích học.
Một số giáo viên có lòng tự trọng nên phân lớp nào dạy lớp đó và chịu thiệt thòi quanh năm suốt tháng. Còn những ai không muốn năm nào cũng bị đưa vào những lớp khó nhằn thì đua chạy với nhau”.
Giáo viên này ngao ngán nói thêm: “Ngay từ lớp 1, phụ huynh chạy vào trường xong chạy luôn lớp Vip. Hiệu trưởng thưởng xếp con có cha mẹ quan tâm, khá giả vào cùng lớp, những em khó khăn cùng lớp để những năm học sau thu hoạch tiền chạy lớp của giáo viên!”.
“Hoa hồng” trong trường học
Nạn hoa hồng trong giáo dục “nở rộ” vào mỗi mùa tựu trường. Đó là thời điểm phụ huynh buộc phải mua sắm đồng phục, đồ dùng học tập cho con em tới trường. Nó quả là một gánh nặng trĩu vai đè lên không ít phụ huynh có con đang tuổi đi học ở khắp nơi.
Thương mại hóa nhà trường đã diễn ra nhộn nhịp ở các trường thành thị và lan dần đến cả nông thôn.
Song song với việc bán mua đầu năm học giữa nhà trường – phụ huynh là khoản hoa hồng cao “chót vót” được các nhà sản xuất “có qua có lại” cho nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng.
Đó là các khoản hoa hồng từ việc mua bán quần áo đồng phục học sinh, đồ thể dục, mũ nón, ba lô cặp sách, phù hiệu, giấy bọc sách vở, sách tham khảo, sách giáo khoa…
Thực trạng đồng phục cả đồ dùng học tập của học sinh không còn hiếm ở nơi này nơi kia đã gây bức xúc không phải là nhỏ đối với cha mẹ học sinh.
Vấn đề thẩm mỹ khi đồng phục quần áo, ba lô cặp sách, giấy bọc sách vở… ai cũng muốn vì đẹp mắt và đồng bộ. Thế nhưng, phản ứng của phụ huynh là giá cả của nó luôn quá cao so với thị trường.
Một phụ huynh than thở với chúng tôi rằng, giá một chiếc áo sơ mi đẹp, chất lượng của học sinh tiểu học ở ngoài bán chỉ khoảng hơn 60 ngàn đồng trong khi nhà trường bán hơn 100 ngàn đồng. Như vậy tính sơ sơ cũng cao gấp 1,5 lần giá thị trường.
Đồ thể dục ở trường này trường kia vênh nhau ba bốn chục ngàn đồng. Một hiệu trưởng từng tiết lộ với người viết, giá chiếc cặp trường anh là 150 ngàn đồng đã có khoảng 30 ngàn đồng tiền hoa hồng, trong khi trường khác cũng lấy từ nhà cung cấp đó lại bán với giá 250 ngàn đồng. Rồi còn đủ thứ đồng phục khác như giấy bọc sách, phù hiệu, mũ nón…
Đúng là sự chênh lệch cao ngất ngưởng. Tính ra mỗi năm, khoản hoa hồng này của nhiều trường phải lên đến hàng trăm triệu đồng!
Có dịch vụ đưa vào trường học, ngoài tiền hoa hồng cho trường, phòng giáo dục và đào tạo thì mỗi mùa hè là những chuyến nghỉ mát dài ngày cho hiệu trưởng, hiệu phó, đại lý trường và phòng, những bữa tiệc hội nghị, tổng kết năm học. Tất cả các khoản chi phí đó đều do túi tiền của phụ huynh gánh chịu.
Những năm chưa bị dịch Covid-19 hoành hành thì là các tour đi tham quan di tích lịch sử, đi chơi các tụ điểm văn hóa giải trí để hiệu trưởng ăn phần trăm. Giờ dịch thì biến tướng là tour… tại trường với những cái tên rèn kĩ năng sống, trải nghiệm, học tập - trải nghiệm - sáng tạo, em yêu khoa học, họa sĩ nhí... Ôi thôi đủ trò!
Cuối năm thì tập vở, cặp sách, bút mực làm phần thưởng khen thưởng cho học trò rút tiền từ quỹ cha mẹ học sinh.
Rồi vài ba năm trở lại đây là thu tiền quét lớp, vệ sinh trường với mức 150 ngàn đến 300 ngàn mỗi học sinh để ký hợp đồng thuê công ty dịch vụ vệ sinh làm nhằm hưởng hoa hồng. Xã hội nói nhà trường biến thành thương trường quả là không sai chút nào!
Thế mới biết sự học thời nay ngày càng tốn kém vô cùng. Để có những phần trăm cao cho nhà trường, các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải nâng giá lên và người thiệt thòi không ai khác là phụ huynh.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỗ tôi đầu năm học nào cũng có công văn chấn chỉnh việc thực hiện các khoản bán này với tinh thần phục vụ học sinh, không lợi nhuận, nhưng quyền quyết định vẫn là hiệu trưởng các trường.
Không có chuyện đấu giá các sản phẩm công khai, hiệu trưởng luôn “độc quyền” chọn nhà cung cấp và toàn quyền ra giá hoa hồng.
Phụ huynh bị móc túi tiền, giáo viên cũng “lao tâm khổ tứ” theo. Hiệu trưởng hưởng hoa hồng đồng nghĩa với việc giáo viên mỗi khi vào lớp là ra rả đòi tiền học sinh. Thầy cô thành người đi đòi thuê 0 đồng còn học sinh là con nợ.
Ngoài công việc giảng dạy, giáo dục và nhiều việc khác ra thì việc thu đủ các loại tiền khiến giáo viên ngao ngán đến nỗi sợ làm chủ nhiệm lớp.
Cứ bước vô lớp là mất 5 -10 phút ca bài ca đóng tiền nên hình ảnh người thầy xưa vốn đẹp đẽ nay xấu dần đi.
Không thu đủ các khoản tiền thì được cho là làm chủ nhiệm yếu kém, gặp phải lớp học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì “trần ai khoai củ”, móc tiền túi ra đóng cho học sinh nếu không muốn trừ điểm thi đua.
Để môi trường giáo dục thật sự lành mạnh
Không nói đến những tốn kém để lo cho chạy trường, chỉ tính đến vấn đề xã hội thôi cũng đủ làm những ai quan tâm đến giáo dục phải giật mình.
Đó là công bằng xã hội bị lệch pha, đạo đức bị xói mòn, con trẻ không còn tin vào người lớn, các thế hệ trẻ bị ảnh hưởng đến nhân cách…
Để dẹp vấn nạn “chạy trường”, các cấp giáo dục địa phương cần đưa ra những giải pháp mạnh để chấn chỉnh và kiên quyết dẹp bỏ, làm lành mạnh hoá môi trường giáo dục vốn đang bị thị trường hoá.
Về vấn đề chạy trường chạy lớp, cần sự dân chủ, công bằng và minh bạch. Thứ nhất, thực hiện tuyển sinh đúng theo các quy định. Thanh tra kịp thời những trường có dư luận không tốt và kỉ luật thật nặng những hiệu trưởng để xảy ra sai phạm.
Thứ hai, mỗi năm học chia đều học sinh các lớp theo tiêu chí học lực, hạnh kiểm, hoàn cảnh gia đình...
Thứ ba, cho phụ huynh các lớp 1, 6 bốc thăm lớp, giáo viên dạy. Thứ tư, các lớp không đầu cấp nhà trường cho giáo viên giỏi, có thành tích chọn lớp còn lại bốc thăm.
Chuyện hoa hồng trong trường học với các khoản mua bán, tiền bảo hiểm tai nạn học sinh, các cấp quản lý cần có các quy định cụ thể.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính duyệt giá các loại đồng phục, phù hiệu, đồ dùng học sinh cho các nhà cung cấp của trường học trên toàn tỉnh theo quy định.
Làm được như vậy, thầy cô mới không phải vất vả, lo lắng, vướng bận với những công việc không tên, dốc sức cho bài giảng, giáo dục học sinh và giáo dục mới phát triển mạnh mẽ như mong đợi của toàn xã hội.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.