Xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học: Phạt 5-10 triệu có đủ sức răn đe?

16/11/2022 06:46
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức phạt 5-10 triệu đồng các trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể GV hay người học tại cơ sở GDNN là chưa đủ sức răn đe.

Theo đó, Nghị định 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có nội dung:

Trong trường hợp kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự), giảng viên bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người học nếu có hành vi tương tự với nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong trường.

Có ý kiến băn khoăn, việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong môi trường giáo dục nghề nghiệp như vậy liệu đã đủ sức răn đe?

Nên tăng mức phạt gấp 2 lần

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về quy định trên, thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bày tỏ quan điểm:

“Nhà nước đưa ra quy định xử phạt như vậy sẽ giúp cho môi trường giáo dục nghề nghiệp được lành mạnh, văn minh và phát triển hơn. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi thì mức xử phạt 5-10 triệu đồng đối với những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể (chưa đến mức bị truy cứu hình sự) trong môi trường giáo dục nghề nghiệp là chưa đủ để răn đe những đối tượng vi phạm.

Thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Nguồn: Trường Cao đẳng Tiền Giang).

Thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Nguồn: Trường Cao đẳng Tiền Giang).

Bởi những hành vi này đã ảnh hưởng đến danh dự của con người, đặc biệt là trong môi trường giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng thì mức xử phạt nên tăng lên gấp hai lần như thế mới mang tính răn đe mạnh mẽ được.

Vừa qua, ở trường tôi cũng có trường hợp một viên chức thuộc cơ sở đào tạo lái xe có hành vi vi phạm, đã bị Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt 5 triệu đồng. Sau đó, phía nhà trường cũng đã xử lý nhân viên này theo quy định về đạo đức nhà giáo với những phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội, căn cứ theo bộ quy tắc ứng xử của nhà trường. Vậy nên, ngoài biện pháp xử phạt hành chính của nhà nước thì tôi nghĩ rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần xây dựng những bộ quy định, quy tắc liên quan đến văn hóa ứng xử phù hợp với đặc thù riêng trong nhà trường.

Sau đó căn cứ vào những quy định nội bộ, quy tắc văn hóa ứng xử đó để có những hình thức xử lý, kỷ luật, hạ bậc thi đua để đảm bảo môi trường học đường được công bằng, lịch sự, văn minh, đúng chuẩn mực của môi trường giáo dục.

Theo tôi được biết thì hiện nay nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong học đường của riêng mình.

Như bộ quy tắc ứng xử của Trường Cao đẳng Tiền Giang, được xây dựng theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Xử phạt hành chính không phải là cách giải quyết ngọn ngành vấn đề

Cũng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng:

“Theo ý kiến cá nhân tôi, việc xử phạt là cần thiết vì có tác dụng ngăn chặn, răn đe những hành vi tiêu cực trong xã hội nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, hình thức xử phạt hành chính như vậy không phải là cách giải quyết ngọn ngành vấn đề. Bởi bản chất giáo dục là "truyền dạy, nuôi dưỡng", người làm giáo dục phải thực sự được "giáo dục" tốt nhất, cư xử đúng mực nhất, tấm gương sáng nhất.

Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (Nguồn: Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận).

Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (Nguồn: Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận).

Đặc biệt, trong trường hợp nếu nhà giáo có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học thì cần loại bỏ khỏi ngành giáo dục, vì những người này không xứng đáng, và không thể là nhà giáo".

Bên cạnh đó, thầy Quốc cũng chia sẻ, từ trước đến nay, tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận chưa có trường hợp sinh viên xúc phạm nhà giáo và nhân viên trong nhà trường. Tuy nhiên, có xảy ra hành động vi phạm của một nhân viên trong trường.

“Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận từng có trường hợp một nhân viên quản lý ký túc xá cư xử không đúng chuẩn mực với sinh viên, vi phạm nội quy ký túc xá của nhà trường. Nhà trường đã kịp thời mời công an phường đến giải quyết ổn thỏa. Với trách nhiệm là Hiệu trưởng, tôi cũng đã gửi lời xin lỗi tới sinh viên và gia đình của em”, thầy Quốc nói thêm.

Cũng đồng tình về quy định xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thầy Nguyễn Văn Phục, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco, Khu công nghiệp Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến:

“Tôi thấy quy định của Nghị định 88 về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể ở mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng (đối với hành vi sai phạm mức độ nhẹ, chưa đến mức truy cứu hình sự) là hoàn toàn đúng đắn. Bởi đối với các nhà giáo thì danh dự và nhân phẩm là cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, theo tôi, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường riêng trong nhà trường. Phải chia ra cụ thể các mục như hành xử của giáo viên với giáo viên, hành xử của sinh viên với sinh viên, hành xử của giáo viên với sinh viên,... để có thể giải quyết được triệt để các hành vi vi phạm”.

Thầy Phục cũng chia sẻ thêm, Trường Cao đẳng Thaco đã có những quy định trong văn hóa công sở. Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp vi phạm của người học, lãnh đạo nhà trường cũng có những hình thức kỷ luật tùy theo mức độ, từ cảnh cáo đến hình thức nặng là buộc thôi học.

Trà My