Biên đội tàu sân bay Trung Quốc (tưởng tượng) |
Ngày 22 tháng 12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 19 tháng 12 phê phán hành động ngăn cản tàu tuần dương tên lửa Mỹ ở Biển Đông cách đây không lâu của một chiếc tàu chiến Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc không có trách nhiệm.
Ông tuyên bố, Mỹ muốn tránh tất cả mọi xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông, kêu gọi Trung Quốc duy trì kiềm chế. Đương nhiên, ý của ông Hagel muốn đề cập đến sự việc xảy ra ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông mà Trung Quốcvốn vẫn tự coi là "cửa nhà" của họ; báo Trung Quốc còn nhấn mạnh là ông Hagel không nhắc đến tàu chiến Mỹ đã "đuổi theo" biên đội tàu sân bay Trung Quốc.
Theo bài báo, việc ông Chuck Hagel công khai chỉ trích Trung Quốc đã đưa phản ứng của Mỹ về sự kiện này lên cao trào. Điều này tạo ra sự tương phản mạnh mẽ với sự phản ứng được bài báo cho là "kín tiếng" hơn nhiều của phía Trung Quốc.
Binh sĩ trên tàu sân bay Liêu Ninh xếp hàng tạo thành dòng chữ "Giấc mơ Trung Quốc, Giấc mơ quân đội mạnh" trên đường đến Biển Đông, thể hiện tham vọng Trung Quốc (ảnh tư liệu) |
Báo Trung Quốc chỉ trích cho rằng, Mỹ đã quen “bá đạo” rồi, trong một số năm đã được cộng đồng quốc tế "thừa nhận", điều này làm cho Hải quân Mỹ "khó mà phân rõ sự khác biệt giữa vùng biển quốc tế và lãnh hải của Mỹ, giữa Biển Đông và biển Caribbe" (có lẽ ý của bài báo coi Biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc!?).
Theo bài báo, Biển Đông dù sao cũng không phải là biển Caribbe, hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ trên Biển Đông chắc chắn sẽ ngày càng động chạm nhiều hơn với Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc không ngừng làm cho Hải quân Mỹ cảm thấy sự khác biệt này. Trước đây, Trung Quốc không có sức mạnh, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc "đã từ bỏ quyền lợi".
1 Bài báo của TQ cho rằng, "biên giới quyền lợi" và "không gian chiến lược" của Trung Quốc chỉ có thể dựa vào bản thân để đoạt lấy, cơ bản không thể trông chờ vào Mỹ chủ động "dịch mông" đi, "nhường lại một số khu vực ở xung quanh" cho Hải quân Trung Quốc. Mỹ cũng không tự nguyện chia sẻ tự do hàng hải với tàu chiến của bất cứ nước nào.
Hình ảnh tàu tuần dương Mỹ bị tàu chiến Trung Quốc chặn lại trên Biển Đông (do báo Trung Quốc vẽ). |
Như vậy, bài báo cho rằng, Mỹ sẽ không tự giác rời khỏi hiện diện tại khu vực, mà Trung Quốc sẽ phải dùng sức mạnh để ép Mỹ đi chỗ khác, để đoạt lấy quyền kiểm soát ở các vùng biển trong khu vực mà Trung Quốc coi là “cửa nhà” mà họ là chủ nhân đứng ra kiểm soát.
Bài báo cho rằng, sức mạnh của Trung Quốc đang phát triển, nhưng Hải, không quân Mỹ không hề giảm các hoạt động trinh sát/do thám và phô trương sức mạnh ở "cửa nhà" Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng khả năng đụng độ giữa lực lượng (quân sự) của hai nước.
Nhưng, theo bài báo, đây không phải là lý do để hạm đội Trung Quốc quyết định không rời khỏi bến cảng để tránh "không vui vẻ". Phạm vi "bảo vệ" của Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ mở rộng cùng với việc mở rộng "lợi ích quốc gia".
Tàu tuần dương USS Cowpens lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ vừa áp sát do thám hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh minh họa). |
Trung Quốc đương nhiên mong muốn và tích cực tránh để xảy ra "va chạm tàu và máy bay" giữa Trung-Mỹ. Nhưng việc này có thể làm được hay không thì phải một phần lớn tùy thuộc vào ý nguyện của Mỹ. Khi tàu chiến Trung Quốc và Mỹ mặt đối mặt trên biển, kiềm chế chắc chắn phải là của hai bên, kiềm chế đơn phương là lùi bước. Đằng sau tàu chiến của Trung Quốc chính là đất liền Trung Quốc, chúng thực sự không thể "có đường để lui".
Báo Trung Quốc cho rằng, sự việc vừa qua trên Biển Đông (tàu chiến Trung Quốc xông thẳng vào tàu Mỹ) là một phản ứng "tốt". Nghĩa là, Trung Quốc dùng tàu chiến để ngăn chặn tàu tuần dương Mỹ "vô lý áp sát tàu sân bay Liêu Ninh", làm như vậy là "có lý, có lực, có chừng mực".
Nhưng, theo bài báo, việc ngăn chặn tàu tuần dương Mỹ trên biển thực ra đã chỉ "làm một nửa". Trong thời đại thông tin hóa, cuộc chiến bằng "mồm" tiếp theo vẫn rất quan trọng. Bộ Quốc phòng và truyền thông Mỹ đã phối hợp tuyên truyền, cộng với việc chỉ trích công khai của Bộ trưởng Chuck Hagel, giống như một hoạt động đồng bộ có dây chuyền.
Ngày 16 tháng 5 năm 2013, binh sĩ Hải quân Trung Quốc tổ chức huấn luyện bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Nhưng, sau khi "ép lui" tàu chiến Mỹ, cuộc chiến dư luận của Trung Quốc đã "đứt xích". Báo Trung Quốc tự ti cho rằng, "mồm mép lém lỉnh" là một "điểm yếu truyền thống" của Trung Quốc (?), lần trước máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ "xông" vào Khu nhận biết phòng không do Trung Quốc vừa đơn phương lập ra, tình hình cũng "tương tự".
Theo bài báo, so với Mỹ, Trung Quốc vẫn ở thế yếu "tổng hợp". Về khả năng tiến hành "đánh cờ", Trung Quốc có "không gian nhỏ, thủ đoạn ít, kinh nghiệm thiếu". Nhưng, "thế" phát triển giữa Trung-Mỹ lại bên giảm bên tăng.
Mỹ hiểu rõ họ không thể áp chế sự tăng trưởng thực lực của Trung Quốc; hiện nay, Mỹ tìm cách đặt phạm vi trỗi dậy của Trung Quốc vào khuôn khổ do mình đặt ra. Trung Quốc không có ý định thách thức Mỹ, nhưng Trung Quốc rõ ràng không có nghĩa vụ "mua dây buộc mình" trong vòng tròn (phạm vi) do Mỹ chỉ định.
Một số va chạm, xung đột xảy ra giữa Trung-Mỹ rất khó tránh được, nhưng cần có khả năng kiểm soát. Trung-Mỹ đều không muốn va chạm chiến lược, mục tiêu chiến lược của hai bên hoàn toàn không tồn tại định mệnh đối đầu. Nhưng, hoán đổi vị trí của Trung-Mỹ chỉ có thể hình thành trong sự đè nén lẫn nhau, hoàn toàn không thoải mái.
Gần đây, Hải quân Trung Quốc tăng cường tập trận để răn đe các đối thủ trên biển của họ, tuy nhiên, họ phải đối phó với nhiều đối thủ. Trong hình là Hạm đội Nam Hải diễn tập trên Biển Đông ngày 26 thnág 7 năm 2013. |
Theo bài báo, đối với Trung Quốc, mục tiêu phải rõ ràng, hành động phải kiên quyết, thủ đoạn phải linh hoạt, trong rất nhiều thời điểm, nhẫn nại và quyết tâm đều quan trọng.
Ông Chuck Hagel phê phán Trung Quốc không có trách nhiệm. Theo báo Trung Quốc, quan trọng là ở làm thế nào xác định trách nhiệm này. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn nắm quyền giải thích "trách nhiệm quốc tế".
Bài báo cuối cùng đe dọa cho rằng, trong tương lai, Trung Quốc cần dốc sức để Mỹ hiểu rằng, họ không hề thực sự là trọng tài của "trách nhiệm", ít nhất khi đối mặt với Trung Quốc, họ chắc chắn không phải.