Phòng gửi công văn đề nghị trường phối hợp công ty cung ứng sách, ai được lợi?

15/06/2022 06:33
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bằng cách vô tình hay hữu ý, sách bài tập, sách tham khảo vẫn trong danh mục sách được một số phòng, trường gửi đến phụ huynh.

Câu chuyện sách giáo khoa trong các trường phổ thông được bán kèm sách bài tập, sách bổ trợ không phải là việc làm mới của các nhà xuất bản trong hàng chục năm nay - nhất là ở cấp tiểu học trên cả nước.

Ngày 12/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đáng nói, đây không phải lần đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Nhưng tình trạng sách tham khảo, sách bài tập vẫn "len lỏi" vào các trường. Bằng cách vô tình hay hữu ý, sách bài tập, sách tham khảo vẫn trong danh mục sách được một số phòng, trường gửi đến phụ huynh.

Văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Long (Ảnh chụp từ màn hình trường tiểu học Nguyễn Huệ ngày 14/6)

Văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Long

(Ảnh chụp từ màn hình trường tiểu học Nguyễn Huệ ngày 14/6)

Phòng gửi công văn “đề nghị” phối hợp công ty cung ứng sách, ban giám hiệu nào dám từ chối?

Những ngày qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết phản ánh về việc các nhà trường bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” mà đặc biệt là sách chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện khép kín giữa đơn vị cung cấp, phân phối sách là Công ty Cổ phần sách và thiết bị đến “thị trường tiêu thụ” là các đơn vị trường học.

Tiếp tục chủ đề này, chúng tôi được độc giả chia sẻ thông tin về nhiều trường học bán sách giáo khoa chương trình mới cho học sinh không chỉ đơn thuần theo kiểu tự phát mà một số trường học đã nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên của mình.

Điều này thể hiện rõ ở các thông báo trên website của một số nhà trường và những thông báo về sách giáo khoa, chỉ đạo về sách giáo khoa, bảng giá sách giáo khoa được một số nhà trường đã đăng tải khá cụ thể, chi tiết.

Chẳng hạn, trong Thông báo về việc mua sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022 thì trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh (Bến Cát, Bình Dương) thông báo như sau:

Căn cứ chỉ đạo của Phòng giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ đặc điểm chương trình học của lớp 6 năm học 2021-2022;

Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh thông báo đến phụ huynh học sinh và học sinh có tham gia xét tuyển vào lớp 6 năm học 2021-2022 trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh không nên tự mua sách giáo khoa bên ngoài thị trường.

Sách giáo khoa dùng cho lớp 6 năm học 2021-2022, Nhà trường đã đăng ký hộ cho phụ huynh và học sinh với nhà xuất bản, phụ huynh học sinh sẽ trả lại số tiền mà nhà trường mua hộ. Để tránh trường hợp mua không đúng loại sách, nhà xuất bản”. [1]

Trong bản Thông tin về Sách giáo khoa lớp 1, 2 và 3 năm học 2022-2023 của trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) được đăng tải trên website của nhà trường đã đăng văn bản số 468/ PGDĐT về việc cung ứng sách giáo khoa tiểu học năm học 2022-2023.

Trong văn bản này có đoạn: “Sở GDĐT và các nhà xuất bản thống nhất Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long là đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng sách giáo khoa cho các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm học 2022-2023.

Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hiệu trưởng các trường tiểu học trực thuộc phối hợp với Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long để kịp thời đáp ứng yêu cầu về sách giáo khoa của giáo viên, phụ huynh và học sinh đơn vị trường theo quy định”. [2]

Trong tệp thông tin này thì danh mục sách, giá sách giáo khoa, bài tập ở các lớp thực hiện chương trình mới là lớp 1,2,3,6,7,10 đều được liệt kê chung vào một bảng theo từng lớp. [3]

Tổng số tiền được thống kê ở ô cuối cùng chứ không tách thành sách giáo khoa và sách bài tập riêng. Chỉ có lớp 6 và lớp 7 tách sách giáo khoa và sách bài tập thành 2 màu mực riêng nhưng số tiền vẫn gộp chung, các lớp còn lại cùng một bảng, cùng một màu mực.

Chúng tôi tham khảo Quyết định số 785/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục sách giáo khoa các lớp sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Vĩnh Long thì Ủy ban nhân dân tỉnh không hề phê duyệt sách bài tập mà chỉ phê duyệt sách giáo khoa các lớp.

Bộ sách lớp 3 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long không hề có sách, vở bài tập (Ảnh chụp từ màn hình)

Bộ sách lớp 3 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long không hề có sách, vở bài tập

(Ảnh chụp từ màn hình)

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh 26 cuốn- chưa có sách Tiếng Anh.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh 26 cuốn- chưa có sách Tiếng Anh.

Thậm chí, trong những sách được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hàng năm thì cũng không có cuốn sách bài tập nào.

Thế nhưng, không hiểu sao Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long, cũng như một số địa phương khác lại gửi file sách các lớp đều gộp chung sách giáo khoa và sách bài tập thành 1 bảng với nhau?

Bộ đã từng chỉ đạo không bán sách tham khảo cho học sinh

Ngày 12/6 vừa qua, Bộ ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Công văn này đã chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó lưu ý việc: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”. [4]

Thực ra, việc chỉ đạo này không mới bởi trước đây vấn đề này đã được Bộ chỉ đạo. Chẳng hạn, ngày 4/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, một số phụ huynh đã phản ánh với cơ quan báo chí về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính vì thế, công văn số 3401/BGDĐT-GDTH đã yêu cầu: “Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc”.

Thế nhưng, thực tế 2 năm học vừa qua cho thấy, nhiều trường học vẫn lờ đi những chỉ đạo của ngành. Nhiều trường học vẫn bán sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ một cách rất bình thường mà báo chí đã phản ánh, đã điểm mặt, chỉ tên.

Không biết là vô tình hay cố ý nhưng nhiều trường học vẫn thông báo đến phụ huynh học sinh bằng cái tên mập mờ như: “sách giáo khoa”; “bộ sách lớp 1,2,3, 6,7”- nhưng thực chất là loại nhiều loại sách mà phổ biến nhất là trong danh sách ấy sẽ có sách giáo khoa, sách, vở bài tập được “chung mâm” với nhau.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (tỉnh Vĩnh Long) đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (tỉnh Vĩnh Long) đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (tỉnh Vĩnh Long) đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (tỉnh Vĩnh Long) đính thông tin các bộ sách được Công ty Cổ phần sách - Thiết bị Vĩnh Long giới thiệu giá đến học sinh.

Đáng nói, nhiều ý kiến phụ huynh phản ánh với nhiều đầu sách ở các bộ sách khác nhau, phụ huynh rất khó tự mua được bên ngoài. Thậm chí chính các trường cũng khuyến cáo phụ huynh có con theo học sách chương trình mới "không nên tự mua sách giáo khoa bên ngoài thị trường". Vì thế, khi trường học đứng ra "mua hộ" và gửi bảng danh mục sách để phụ huynh đăng ký mua, phụ huynh cũng khó mà tách bạch được đâu sách giáo khoa, đâu sách tham khảo, sách nào bắt buộc sách nào không. Bao năm, câu chuyện này vẫn là vấn đề ồn ào mỗi dịp năm học mới sắp bắt đầu.

Vì thế, việc Bộ ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT là cần thiết nhưng cần thiết hơn là công tác kiểm tra, tiếp nhận thông tin từ phụ huynh và báo chí như thế nào và xử lý các sự việc ra sao mới là điều mà dư luận trông chờ

Bởi thực tế, sách giáo khoa chương trình mới đang được nhiều địa phương thực hiện rất bài bản, khép kín và cũng chẳng cần phải qua khâu phân phối của các nhà sách như trước đây nữa mà nó sẽ đi thẳng từ Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học các tỉnh đến trực tiếp các nhà trường.

Chừng nào trường còn "tiếp thị" đến phụ huynh để "mua hộ sách", trường còn được cấp trên của mình “chỉ đạo” hoặc “đề nghị” mua sách của công ty cổ phần sách và thiết bị trường học nào đó thì ban giám hiệu các trường, phụ huynh có thẳng thắn từ chối để mua sách bên ngoài? Và câu chuyện bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc" sẽ khó được xử lý dứt điểm như mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thcsmythanh.bencat.edu.vn/thong-bao/thong-bao-ve-viec-mua-sgk-lop-6-nam-hoc-2021-2022-308.html

[2]https://c1nguyenhue.vinhlong.edu.vn/tin-tuc/tin-chuyen-mon/thong-tin-ve-sach-giao-khoa-lop-1-2-va-3-nam-hoc-2022-2023.html

[3]https://c1nguyenhue.vinhlong.edu.vn/upload/48939/20220526/BANG_GIA_SGK-SBT__NAM_HOC_2022-2023__cap_nhat_16_05_2022__1__7bd48.xls

[4] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=3172

HƯƠNG MAI