Yêu cầu kê ngành tham gia giảng dạy của GV, ĐH Ngân hàng TP.HCM lại kê mã ngành

06/07/2024 06:30
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề án tuyển sinh của ĐH Ngân hàng TPHCM được nhà trường kê khai thông tin theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT tuy nhiên có một số nội dung chưa được kê khai đầy đủ.

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 21/3/2005 theo quyết định số 341/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Hiện Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung là Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng trường.

Trụ sở chính của nhà trường ở 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhà trường có hai cơ sở tại 56 Hoàng Diệu 2, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và 39 Hàm Nghi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo giới thiệu trên website, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có nêu về sứ mệnh: "HUB cung cấp cho xã hội và ngành ngân hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, các nghiên cứu đó có ảnh hưởng, cùng với dịch vụ tư vấn và hoạt động phục vụ cộng đồng.

HUB kiến tạo hệ sinh thái giáo dục, mang đến cơ hội học tập suốt đời; phát triển con người toàn diện, sáng tạo, với tinh thần phụng sự".

hub.png
Sứ mệnh và tầm nhìn của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: website nhà trường)

Về tầm nhìn, nhà trường nêu: "HUB định hướng trở thành đại học đa ngành và liên ngành nằm trong nhóm các đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á. HUB tiên phong ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên ngành".

Nhà trường không công khai cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng

Ngày 29/5/2024 nhà trường ban hành Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 và đăng tải trên website cho thấy, hiện Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo nhiều chương trình gồm: chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao - tiếng Anh bán phần và chương trình quốc tế.

Theo tìm hiểu, về cơ bản các thông tin trong đề án đều được nhà trường kê khai thông tin theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT tuy nhiên cũng có một số mục chưa được kê khai đầy đủ.

Tại Đề án tuyển sinh năm 2024, tính đến ngày 30/5/2024, tổng số giảng viên toàn thời gian của trường là 432 giảng viên tuy nhiên trường không kê ngành tham gia giảng dạy của giảng viên theo mẫu của Thông tư 08 mà lại kê mã ngành tham gia giảng dạy khiến việc giám sát sẽ gặp khó vì không phải ai cũng đủ năng lực để biết mã đó là ngành nào.

0.jpg
Mẫu yêu cầu ở Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT (bên trái) và cách kê khai của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (bên phải)

Số lượng giảng viên thỉnh giảng tính đến 30/5/2024 là 111 thầy cô nhưng nhà trường không thông tin về cơ quan công tác của các giảng viên này theo đúng mẫu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

co-quan-cong-tac.jpg
Theo Thông tư 08 (khoanh màu đỏ), cơ sở đào tạo phải công khai thông tin cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh không công khai cột thông tin này.

Một số ngành tuyển vượt chỉ tiêu

Về phương thức tuyển sinh của 2 năm gần nhất (năm 2022, 2023), nhà trường có 5 phương thức tuyển sinh như, phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Phương thức xét tuyển tổng hợp; Phương thức xét kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông và phỏng vấn.

Đáng nói, nhìn vào bảng kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất cho thấy, ở phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, các lĩnh vực nhà trường đều tuyển vượt chỉ tiêu. Đến năm 2023, lĩnh vực Nhân văn tiếp tục tuyển vượt 10 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

chi-tieu-tuyen-sinh.png
Năm 2022, các lĩnh vực xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu. (Ảnh: cắt màn hình)

Học phí năm học 2024-2025

Theo đề án tuyển sinh 2024, tổng nguồn thu hợp pháp của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (gồm ngân sách nhà nước cấp) là 504.413 triệu đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 năm/sinh viên của năm liền trước năm tuyển sinh là 15.000.000 đồng/năm.

hoc-phi-du-kien.png
Mức học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy, và lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có).

Mức học phí của chương trình đại học chính quy: Dự kiến năm học 2024-2025 là 10.557.000 đồng/học kỳ.

Học phí chương trình đại học chính quy chất lượng cao (tiếng Anh bán phần), đại học chính quy (tiếng Anh bán phần): Dự kiến năm học 2024-2025: 20.267.500 đồng/học kỳ.

Học phí đại học chính quy chương trình đào tạo đặc biệt: Dự kiến năm học 2024-2025 là 20.267.500 đồng/học kỳ.

Học phí chương trình đại học chính quy quốc tế cấp song bằng và học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng: Tổng học phí là 212 triệu đồng/toàn khóa học; Sinh viên học 8 học kỳ: học phí trung bình là 26.500.000 đồng/học kỳ...

Báo cáo về quy mô đào tạo bị sai thời gian

Theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy mô đào tạo tính đến 31/12 của năm liền kề năm tuyển sinh (tức 2023) nhưng nhà trường lại kê khai quy mô tính đến ngày 31/12/2024 dù thời điểm ký đề án là tháng 5/2024.

quy-mo-dao-tao.png
Quy mô đào tạo của nhà trường được thông tin đến 31/12/2024 trong khi thời điểm ban hành đề án là 29/5/20224

Theo thống kê, hiện nhà trường đang đào tạo 100 nghiên cứu sinh, 998 học viên thạc sĩ và 15.327 sinh viên đại học chính quy và 473 sinh viên đại học hệ vừa làm vừa học.

Nhà trường thiếu nhiều thông tin

Những thông tin (khoanh đỏ) không được nhà trường công khai trong Đề án tuyển sinh 2024.

Những thông tin (khoanh đỏ) không được nhà trường công khai trong Đề án tuyển sinh 2024.

Theo Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ những nội dung chủ yếu cần nêu trong đề án tuy nhiên phóng viên không tìm thấy trong đề án của nhà trường.

Cụ thể, tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp; Chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học; Các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh, và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhà trường có thống kê tổng diện tích đất của trường là 94.184,76m2; Số chỗ ở ký túc xá sinh viên là 2.216 và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường/1 sinh viên chính quy là đạt 3,1m2.

Với cơ sở vật chất như trên, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng tiêu chí 3.1 tại Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học về: Từ năm 2030, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Nguyễn Nhất