Bát nháo việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên

12/08/2018 06:58
BÙI NAM
(GDVN) - Các giáo viên sau khi dự học xong đều “than trời” với nội dung chương trình đào tạo, việc cấp chứng chỉ cũng như số tiền để đóng cho các khóa bồi dưỡng này.

LTS: Phản ánh những bất cập trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên, thầy Bùi Nam những hoạt động này đang gây tốn thời gian và tiền bạc của giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.

Hiện nay, hàng loạt giáo viên trên cả nước ở tất cả các bậc học đang học các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng I, II, III.

Theo quy định ở Thông tư 20, 21, 22, 23/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập, giáo viên được xếp hạng từ I đến IV.

Theo đó, hàng vạn giáo viên đang xếp lương ở bậc cao (hạng II,III của mầm non, tiểu học, hạng I, II của trung học cơ sở, trung học phổ thông) và các giáo viên có nhu cầu thăng hạng phải đạt các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng phải là có các chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở các hạng trên.

Nhưng tất cả giáo viên sau khi dự học xong đều “than trời” với nội dung chương trình đào tạo, việc cấp chứng chỉ cũng như số tiền để đóng cho các khóa bồi dưỡng trên.

Các tài liệu bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên. Ảnh do tác giả cung cấp.
Các tài liệu bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nội dung bồi dưỡng các lớp na ná nhau

Theo đó, mỗi giáo viên để được thăng hạng lên hạng cao hơn hoặc muốn giữ hạng đều phải tham gia các lớp bồi dưỡng mà theo nhiều giáo viên kêu than trên trên.

Hầu hết các chương trình bồi dưỡng giáo viên được tập huấn 10 chuyên đề như minh họa ở hình bên dưới, mỗi cấp học có tài liệu khác nhau nhưng các chuyên đề na ná nhau.

Các báo cáo viên soạn sẵn và chiếu các chuyên đề cho giáo viên xem.

Bát nháo việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên ảnh 3Có nộp hồ sơ thăng hạng viên chức mới thấy nỗi khổ của giáo viên

Hầu hết các chuyên đề này không có gì mới như nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên với tư vấn học đường, thanh kiểm tra,…

Và tất cả các chuyên đề này có đầy trên Internet.

Mục đích của báo cáo viên là báo cáo cho hoàn tất, học viên là các giáo viên thì chẳng buồn nghe, nhiều giáo viên mệt mỏi tham gia lớp học nên quang cảnh buổi học rất “buồn cười”.

Báo cáo viên thì chiếu trên màn hình, dưới lớp nhiều giáo viên người thì bấm điện thoại, có giáo viên còn ngủ, chơi game,…

Bởi vì những nội dung bồi dưỡng hầu như giáo viên đã biết hoặc không giúp ích gì việc thực dạy trên lớp.

Các chuyên đề giáo viên phải “chịu đựng” khi tập huấn. Nguồn do tác giả cung cấp.
Các chuyên đề giáo viên phải “chịu đựng” khi tập huấn. Nguồn do tác giả cung cấp.

Việc đào tạo, cấp chứng chỉ mỗi nơi một kiểu

Việc học và cấp chứng chỉ mỗi nơi một kiểu kiểu khác nhau.

Có trường đào tạo giáo viên 10 ngày (mỗi ngày một chuyên đề) như trường Đại học ĐT, hay học tất cả các chuyên đề trong 5 ngày như trường Đại học ĐN, có trường báo cáo trong 5 buổi,…

Việc đánh giá cũng khác nhau, có trường sau mỗi chuyên đề thì mỗi giáo viên làm một bài thu hoạch với câu hỏi kiểu “vô thưởng vô phạt” như nêu những nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn, thuận lợi và khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Có trường thì yêu cầu giáo viên làm theo nhóm, có trường thì yêu cầu giáo viên học xong làm một tiểu luận,…

Và đương nhiên tất cả giáo viên đóng tiền đầy đủ đều được cấp chứng chỉ trên.

Chi phí cho lớp bồi dưỡng là bao nhiêu và đi vào đâu

Mỗi giáo viên đã được học tập nghiệp vụ sư phạm từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm và đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, nhưng phải bỏ ra số tiền cho khóa học “nực cười” trên đều là 2,8 triệu đồng cho mỗi giáo viên.

Bát nháo việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên ảnh 5Không có tâm thì có mười năng lực siêu hạng cũng bỏ

Không phải chỉ là tiền mà giáo viên còn phải tốn thời gian chỉ để nghe những điều hầu như đã biết.

Nhiều giáo viên nói nếu vì mục đích là tiền thì yêu cầu giáo viên đóng 2,8 triệu đồng trên chứ giờ vừa tốn tiền vừa tốn thời gian thì đúng là “đau” quá.

Giáo viên phải cắn răng chịu đựng vì theo thông tin của các lãnh đạo nếu không học thì không thể thăng lên hạng cao hơn được, cũng như nếu đang giữ ở bậc cao nếu không có chứng chỉ trên sẽ bị chuyển xuống hạng thấp hơn.

Cả nước có hàng trăm ngàn giáo viên có nhu cầu thăng hạng, giữ hạng nên bắt buộc phải bỏ tiền ra học nên chi phí do giáo viên bỏ ra là rất lớn.

Nhiều giáo viên trẻ lương bổng, chế độ thấp phải vay, mượn để có chi phí cho khóa học trên.

Rõ ràng là giáo viên tốn thời gian, tốn tiền mà không mang lại lợi ích gì cả, nhiều giáo viên thắc mắc số tiền trên sẽ đi về đâu?

Theo tôi nghĩ trước hết là số tiền trên chắc chắn sẽ được chi phí cho Nhà xuất bản Giáo dục (biên soạn tài liệu), các cơ sở được cấp phép đào tạo các chứng chỉ chức danh trên các báo cáo viên,… và người mất tiền, thời gian đương nhiên là giáo viên.

Nghề giáo viên đã và đang chịu rất nhiều áp lực như chế độ đãi ngộ không tương xứng, áp lực thành tích, hay hứng chịu nhiều vụ bạo lực thể xác và tinh thần cũng như có rất nhiều tiêu chuẩn, toàn thể giáo viên trên cả nước rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng “đẻ” thêm tiêu chuẩn làm “khổ sở”, hành hạ và làm mất tiền oan uổng cho giáo viên thêm nữa.

Nếu có đào tạo thì xin Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn miễn phí cho giáo viên.

BÙI NAM