Ngộ độc… độc quyền

01/01/2012 09:59
Song An (TT24h)
Trong một xã hội bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh có những loại ngộ độc về thức ăn không đảm bảo chất lương, không khí, tiếng ồn có thể khiến người ta nhập viện.
Nhưng có một loại độc, ngấm rất từ từ, có thể gây cảm giác không ảnh hưởng gì nhiều nhưng lại gây ra nhiều phiền toái trong xã hội.

Câu chuyện về bản quyền truyền hình giải đấu chuyên nghiệp nổ ra ngay trước khi giải đấu diễn ra, đang ở cao trào và chưa có dấu hiệu dừng lại đưa đến những câu hỏi về quyền lợi: quyền lợi của đông đảo người xem truyền hình, quyền lợi của các nhà đài, quyền lợi của VFF, quyền lợi của các CLB…và đâu mới là đích đến của “cuộc chiến” này?
Ngộ độc… độc quyền.
Ngộ độc… độc quyền.

Không phải tới bây giờ mà người ta mới đặt dấu hỏi về bản quyền truyền hình mà VFF ký với AVG, đặc biệt là thời hạn dài tới 20 năm của nó. Thế nhưng không ai đủ “ép phê” để đưa vấn đề này lên thành một cuộc tranh cãi cho đến khi VPF ra đời.

Cả AVG lẫn VPF đều đưa ra chiêu bài “vì đông đảo người hâm mộ”, song ít ai, thời buổi này lại có tình yêu tinh khiết đến thế. Vấn đề tiềm ẩn vẫn là lợi nhuận.

Điều quan tâm là 20 năm và một cái thòng lọng mang tên độc quyền. Thời buổi này, có lẽ, thứ đáng độc quyền và có giá trị nhất là độc quyền về mặt tình cảm trong mối quan hệ vợ - chồng. Độc quyền càng lâu, càng tốt và cố gắng đến... hết đời.

Câu chuyện truyền hình thì khác, một K+ ra đời với bản hợp đồng độc quyền Super Sunday ở giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm đã khiến dư luận nổi sóng. Pháp luật không khuyến khích độc quyền, và vì thế Luật cạnh tranh ra đời trừ những doanh nghiệp có vị trí độc quyền được quy định ở điều 12: “nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”.


Người ta không thể lý giải tại sao VFF lại ký hợp đồng dài đến thế. Thì đây, PCT VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ: “Họ ra điều kiện là 20 năm mới ký. Đưa ra BCH thì đồng ý. Về mặt pháp lý, bản quyền truyền hình V.League thuộc về VFF, trước khi ký đã tham vấn luật sư. Tôi nghĩ là không có gì khuất tất”.

Chưa nói đến việc có vi phạm đấu thầu hay không, nhưng nếu đúng là AVG ra điều kiện 20 năm mới ký thì đây nữa, mục 5 điều 13- các hành vi độc quyền thống lĩnh thị trường bị cấm- trong Luật cạnh tranh “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ” và ở điều 14 luật này khẳng định là “áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng”. Ở đây có thể hiểu khách hàng là VFF tại thời điểm ký hợp đồng.

Có người ủng hộ VPF, cũng có người ủng hộ AVG nhưng trong cuộc chiến này, với những nỗ lực của VPF nếu nhìn theo lăng kính là cuộc chiến phá thế độc quyền thì cũng mang lại điều gì đó thú vị.

Người tiêu dùng nói chung hiện nay đang ngộ độc về các loại độc quyền về điện, xăng dầu… như những thòng lọng siết vào cổ mỗi người lao động thì cũng cần có những cuộc chiến trong kinh doanh, phá thế độc quyền để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Nếu vậy, sẽ cần nhiều loại VPF, ở mức cao hơn, ngoài bóng đá…

Đó cũng là một trong những điều ước, trong thời điểm cuối cùng của năm 2011 đầy khó khăn trắc trở và hướng về 2012 với những niềm vui, những điều tươi mới.

Chúc bạn đọc một năm mới an khang.
Song An (TT24h)