LTS: Nêu lên quan điểm của mình về 2 môn học “tích hợp” đang gây ra những ý kiến tranh luận trong thời gian qua, tác giả Nguyễn Cao cho rằng, điều đó là khiên cưỡng và không phù hợp với thực tế giáo dục Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhìn có vào khung môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, điều mà chúng tôi nhận thấy là đa phần các môn học mang tính cố định về tên gọi và được xuyên suốt trong cấp phổ thông.
Thế nhưng, số phận các môn học Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý và Sinh học thì có phần …long đong và thay đổi theo từng cấp học.
Điều trớ trêu nhất là các môn học này ở cấp trung học cơ sở được gán thêm cụm từ “tích hợp” mà theo các thầy chủ biên là “đúng với tinh thần đổi mới”.
Khi các em bước vào cấp tiểu học, ở lớp 1, 2, 3 thì bắt đầu với các môn học này với tên gọi là Tự nhiên và xã hội. Lên lớp 4, 5 thì tách thành 2 môn là Khoa học; Lịch sử và địa lý.
Lên đến cấp trung học cơ sở thì 2 môn học này được gọi là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và địa lý.
Khi các em vào cấp trung học phổ thông thì được tách thành 5 môn học độc lập: Lịch sử; địa lý; Hóa học; Sinh học và Vật lý.
2 môn “tích hợp” có tới 10 tên gọi khác nhau từ thứ tự số 4-13 trong chương trình phổ thông mới (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Thực ra, việc gộp hay tách các môn học không phải là vấn đề gì đó quá lớn lao.
Nhất là đối với cấp tiểu học, khi các em còn quá nhỏ để lĩnh hội những kiến thức chuyên sâu của từng môn học nên việc gộp các môn học dù có khiên cưỡng nhưng vẫn còn có thể chấp nhận được vì các em mới bắt đầu làm quen với môn học, với thế giới xung quanh cũng như khám phá những kiến thức sơ đẳng nhất của các môn học.
Tuy nhiên, khi các em lên đến cấp trung học cơ sở thì việc gộp chung các môn học này để được gọi là có lẽ nó đã vô cùng khiên cưỡng và không phù hợp chút nào với thực tế giáo dục Việt Nam.
Vì sao vậy?
Thứ nhất: 2 môn học “tích hợp” trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang là 5 môn học độc lập và mang tính cố định hàng mấy chục năm qua ở cấp trung học cơ sở.
Vì thế, chúng ta đang có đội ngũ giáo viên cố định, các phòng thí nghiệm riêng biệt cho từng môn học.
Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ? |
Khi gộp chung lại, không chỉ gây xáo trộn về đội ngũ giáo viên, về phòng ốc mà cái cốt lõi nhất là chúng ta không thể đào tạo cho những giáo viên “đơn môn” sang dạy “liên môn” được.
Làm sao có thể mấy buổi tập huấn mà giáo viên Lý có thể dạy thêm Hóa và Sinh và ngược lại.
Nói thì rất dễ nhưng thực hiện được vấn đề lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Khoa học tự nhiên không thể vào lớp thì giáo viên nói dăm ba câu chuyện là học sinh hiểu được bài.
Bởi, nó còn liên quan đến hàng loạt công thức, khái niệm và hàng loạt tiết thí nghiệm cho các bài học của từng phân môn.
Nhất là, chủ trương của Bộ là từ năm nay sẽ thi cả phần thí nghiệm trong đề thi Trung học phổ thông quốc gia.
Nhưng, cứ nghĩ đến cảnh giáo viên Lý đi mổ cá hay đem hóa chất vào phòng thí nghiệm cho học trò lại khiến chúng tôi lo lắng vô cùng.
Thứ hai: Ở chương trình hiện hành thì môn Hóa học được đưa vào giảng dạy từ lớp 8 nhưng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ đưa phân môn Hóa học vào dạy từ lớp 6.
Việc đưa môn Hóa học vào chương trình lớp 6 liệu có nguy hiểm lắm không?
Dù vẫn biết môn Hóa học gần gũi với cuộc sống hàng ngày của con người nhưng môn Hóa học vẫn là một môn học khó với rất nhiều kiến thức mà học sinh bắt buộc phải nắm như:
Thuộc các kí hiệu hóa học, nhớ được khối lượng nguyên tử, viết phương trình phản ứng, tính số mol, các nồng độ dung dịch…
Trao đổi thêm với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về 2 môn tích hợp |
Nhất là môn học này, học sinh phải tiếp cận với nhiều các loại hóa chất, các phản ứng hóa học ở phòng thí nghiệm.
Có lẽ vì môn học có sự nguy hiểm, rủi ro cao nên suốt trong mấy lần thay sách trước đây thì môn Hóa học thường phải cuối cấp trung học cơ sở mới được đưa vào chương trình giảng dạy.
Vậy nhưng, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Hóa học được “nhập chung” với một số môn học khác để thành môn học Khoa học tự nhiên và được giảng dạy từ lớp 6. Đây chính là vấn đề mà chúng tôi băn khoăn nhiều nhất.
Thứ ba: Đối với môn Lịch sử và Địa lý đang là 2 môn học độc lập nhưng chương trình mới “gộp” 2 môn học này lại với nhau để gọi là môn học “tích hợp”.
Tuy nhiên, theo chương trình môn học thì cả 4 năm học của cấp trung học cơ sở chỉ có 4 chủ đề liên quan với nhau.
Còn lại, vẫn là những kiến thức độc lập theo từng phân môn thì có phải là Ban soạn thảo chương trình đang cố tình gán ghép những cái đơn giản thành những cái phức tạp mà kéo theo nó là hàng loạt hệ lụy như:
Phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, phải đào tạo giáo viên, phải mở thêm ngành học mới để đào tạo giáo viên tích hợp (bắt đầu từ năm học tới).
Và, điều quan trọng hơn là hàng loạt giáo viên sẽ dư thừa trong tương lai. Bởi, khi lứa sinh viên “tích hợp” được đào tạo ra trường thì cũng đồng nghĩa việc giáo viên hiện nay sẽ thất nghiệp hoặc sinh viên thất nghiệp vì hiện tại giáo viên 2 môn học này cũng như 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên đang rất dư thừa tại các trường trung học cơ sở.
Thứ tư: Theo định hướng thì ngành giáo dục sẽ phân hóa đối tượng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi các em tốt nghiệp lớp 9.
5 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”? |
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em học xong lớp 9 đi học nghề sẽ rất khó nắm vững kiến thức của từng môn học, nhất là đối với kiến thức Lý, Hóa, Sinh.
Bởi lẽ, khi học tích hợp mà giáo viên “tay trái” dạy thì rất khó để truyền đạt cho học trò tường tận được kiến thức của các phân môn mà giáo viên không được đào tạo.
Trong khi các trường nghề hiện nay lại có nhiều kiến thức liên quan đến 3 môn học này.
Thứ năm: Khi 5 môn học hiện hành đang đứng độc lập thì chương trình mới đem “cột” vào nhau để gọi là “tích hợp”.
Nhưng, khi vào cấp trung học phổ thông thì có lẽ không cần “tích hợp” nữa nên lại tách nó ra thành 5 môn học độc lập.
Vô tình, chương trình mới không chỉ làm khó giáo viên mà còn làm khổ học sinh cứ phải thay đổi liên tục để thích ứng.
Thứ sáu: hiện nay, các tỉnh đều có ít nhất là 1 trường trung học phổ thông chuyên, kết thúc lớp 9 thì các em sẽ đăng kí vào một lớp chuyên để theo đuổi đam mê của mình.
Thế nhưng, khi gộp 5 môn học thành 2 môn học mới thì các em học sinh sẽ học như thế nào và các trường chuyên sẽ tuyển ra sao?
Chẳng lẽ lại bỏ mô hình trường chuyên hiện nay mà không bỏ trường chuyên thì sẽ tổ chức thi như thế nào?
Cả nước đang kì vọng vào chương trình mới, xin đừng để mọi người phải thất vọng |
Rất nhiều bất cập và cả lãng phí, tốn kém đang chờ ở phía trước mà Bộ và Ban soạn thảo chương trình chưa lường tới hoặc đang nghĩ giản đơn, thậm chí muốn “lờ” nó đi.
Những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà giáo đang giảng dạy trong mấy tháng qua vẫn rơi vào cõi thinh không khi mà Bộ vẫn tiến hành thực nghiệm chương trình các môn học này và thẩm định chương trình.
Tương lai của 2 môn học “tích hợp” của cấp trung học cơ sở rồi sẽ đi về đâu và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc làm được gọi là “đổi mới” này?