LTS: Với kinh nghiệm hơn 20 năm đứng trên bục giảng, trong bài viết lần này tác giả Phan Tuyết đã đưa ra những chia sẻ về việc bố trí lịch học cho các em học sinh.
Theo cô Tuyết, học sinh ở bậc tiểu học nên bố trí học 9 buổi/tuần, bởi với cách dạy và học như thế sẽ tạo thuận lợi cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc tổ chức học 2 buổi/ngày được xem là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học, các em không bị nhồi nhét kiến thức trong 1 buổi.
Ngoài ra, các em còn được học kiến thức theo khung chương trình quy định của ngành, được học thêm các môn khác như: Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống… Nhờ đó, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như trước đây.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh học không quá 7 tiết/ngày, đảm bảo học sinh được nghỉ hai ngày liên tiếp là thứ Bảy và Chủ nhật.
Nhưng trong thực tế, các trường đều tổ chức dạy học 5 ngày tức (10 buổi/tuần). Tổng số tiết học sinh học là 35 tiết/tuần. Với kiểu bố trí giảng dạy kín tuần như thế này đang tạo ra nhiều bất ổn trong việc giảng dạy và sinh hoạt chuyên môn ở các trường học.
Bậc tiểu học nên bố trí học 9 buổi/tuần (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn). |
Học sinh phải học thứ Bẩy hoặc giáo viên bỏ lớp đi dự giờ
Theo quy định trong Điều lệ trường tiểu học, các tổ chuyên môn sinh hoạt 2 lần/tháng, sinh hoạt chuyên môn trường cũng 1 tháng 2 lần. Vì học sinh học trọn 10 buổi/tuần, thế nên các trường thường tổ chức dự giờ tổ vào các ngày trong tuần, dự giờ trường, cụm trường vào ngày thứ Bảy trong tháng.
Dự giờ vào thứ Bảy, buộc một số học sinh phải đến trường như thế là đang vi phạm quy định “đảm bảo học sinh được nghỉ hai ngày liên tiếp là thứ Bảy và Chủ nhật”.
Dự giờ vào một trong các ngày trong tuần cũng xảy ra nhiều hệ lụy. Để đi dự giờ, giáo viên buộc phải bỏ lớp để học sinh tự quản. Vắng thầy cô, học sinh chủ yếu quậy phá, đùa nghịch hoặc đánh nhau chứ chẳng học hành gì.
Vì chuyện này đã xảy ra không ít chuyện đáng tiếc. Một đồng nghiệp ở Đồng Nai cho biết: “Hôm ấy, em bỏ lớp đi dự giờ, một số học sinh đã xông vào đánh nhau làm một bạn bị thương. Phụ huynh bất bình vì giáo viên không có mặt ở lớp nên đổ hết trách nhiệm lên đầu cô. Em sợ bị làm lớn chuyện phải đến gia đình phụ huynh xin lỗi, năn nỉ xin được bỏ qua”.
Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới |
Sao không bố trí cho học sinh, học 9 buổi/tuần?
Nếu học sinh học 9 buổi/tuần thì một tuần các em sẽ học 32 tiết/tuần theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (học sinh tiểu học, học từ 32-35 tiết).
Việc bố trí này sẽ dành được một buổi chiều thứ 6 để các tổ sinh hoạt chuyên môn hay tổ nhà trường sinh hoạt chuyên môn cấp hay tổ chức họp hội đồng.
Việc bố trí học thế này cùng một lúc giải quyết được tình trạng giáo viên đi dự giờ nhưng không bỏ lớp hoặc chấm dứt tình trạng học sinh phải đi học vào sáng thứ Bẩy.
Sao không thể học theo cách làm của tỉnh Đắc Nông?
Một số giáo viên tiểu học ở Đắc Nông cho biết “Các trường tiểu học nơi đây đều bố trí học 9 buổi/tuần. Giáo viên vẫn dạy đủ 23 tiết theo quy định và mỗi giáo viên đều được bố trí dạy khoảng 7 buổi/tuần.
Số buổi nghỉ, thầy cô dành chăm lo việc nhà, đầu tư cho chuyên môn. Nhờ thế, đời sống giáo viên ổn định, tâm lý phấn khởi nên chất lượng giảng dạy ở các trường cũng có nhiều biến chuyển rõ nét hơn so với những năm trước đây.
Với cách bố trí dạy và học như thế, cũng sẽ rất thuận lợi cho giáo viên giữa các trường khi có dịp tổ chức giao lưu chuyên môn, hay cho giáo viên có thời gian để tập huấn chuyên môn khi cần thiết.