LTS: Chia sẻ câu chuyện Hiệu trưởng, Hiệu phó lên lớp như thế nào, tác giả Hồng Phong chỉ ra những lý do khiến nhiều giáo viên không thích lãnh đạo vào dạy lớp mình.
Qua đó, tác giả đề xuất nên miễn dạy cho Hiệu trưởng và giảm tiết cho Hiệu phó nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt hơn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần và Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.
Nhưng các giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn không thích lãnh đạo vào dạy lớp mình. Để các thầy cô hiểu rõ hơn, tác giả Hồng Phong xin đươc đôi lời diễn giải.
Khâu soạn bài: Tiện thể in hộ
Theo lí luận dạy học, soạn bài là lập kế hoạch cho tiết dạy về hình thức, phương pháp, đồ dùng, phương tiện,… nhằm giúp học sinh đạt mục tiêu bài học.
Giáo viên nhiều kinh nghiệm hiện nay vẫn chưa được miễn soạn bài vì có lẽ cơ quan chủ quản cho rằng soạn bài còn để cập nhật những phương pháp mới.
Với giáo viên, lên lớp mà không soạn bài, nếu bị phát hiện, hậu quả ê chề. Họp chuyên môn, lãnh đạo thường nhắc: “Các đồng chí chú ý, soạn bài và giáo án tối quan trọng. Giáo án lên lớp như cái cày của người thợ cày…”.
Hiệu trưởng, Hiệu phó lên lớp dạy học như thế nào? (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn) |
Đấy là nhắc thì nhắc cấp dưới vậy thôi chứ lãnh đạo lên lớp mấy khi soạn bài. Thời đại vi tính, lãnh đạo nào quan tâm tới giáo án thì nhờ luôn giáo viên cùng môn, cùng lớp “tiện thể in luôn giúp chị”.
Vậy là có giáo án. Cũng có lãnh đạo nhà trường chẳng mang giáo án lên lớp bao giờ.
Còn việc các vị có soạn bài và có giáo án hay không thì chỉ có giáo viên được các vị nhờ in hộ mới biết, nếu không thì chẳng ai biết.
Sở dĩ vậy vì chẳng thể có chuyện giáo viên kí duyệt giáo án của Hiệu trưởng, Hiệu phó.
Các bước lên lớp: Phát huy tinh thần tự học
Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu, thực tế ra sao? |
Nói là các bước cho đúng từ ngữ chuyên môn thôi chứ các ông bà Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng lên lớp thì mấy ai cần các bước.
Sau tiếng trống vào lớp, các sếp cũng lên lớp như mọi người.
Có điều, lãnh đạo lên lớp nhẹ nhàng hơn giáo viên vì họ chẳng cần đồ dùng, thiết bị hay dụng cụ thí nghiệm gì hết.
Nếu họ có mang theo máy tính xách tay thì cũng không phải là để liên kết với máy chiếu diễn trình PowerPoint như các thầy cô khác mà chỉ là để họ tranh thủ soạn thảo công việc của lãnh đạo.
Những tiết bắt buộc phải lên lớp dạy theo Thông tư 28 của Bộ, các sếp không cần theo tiến trình như hướng dẫn mà học sinh được mở sách ra coi bài mới ngay.
Nếu bài dạy có kiến thức mới thì “Mời các em nhìn lên đây”, và “giáo viên” chỉ cần diễn giải dăm ba phút để đi tới quy tắc mấu chốt cần nhớ. Thế là xong.
Khi học sinh làm bài tập, các sếp tha hồ công việc riêng trên laptop hoặc sổ sách gì đó tùy ý.
Nhiều lãnh đạo sau khi chớp nhoáng giảng xong thì quay về phòng làm việc ngay. Học sinh phát huy tinh thần tự quản, tự học ở mức tối đa. Thấy ầm ĩ quá, giáo viên lớp bên sang nhắc hộ mấy tiếng là lại ai vào việc ấy.
Quen dần, sau chẳng ai thắc mắc chứ hồi mới lên Hiệu trưởng, thi thoảng sếp cũng vừa cười vừa nói: “Tớ bận tiếp mấy anh nước sạch!”
Ban giám hiệu lên lớp rất thích tiết luyện tập
Tiết luyện tập là không dạy lí thuyết, chỉ làm bài tập để củng cố kiến thức đã học tiết trước. Các vị trong Ban giám hiệu rất thích dạy những tiết này vì chẳng mất thời gian giảng lí thuyết.
Họ chỉ cần giao nhiệm vụ cho học sinh là yên chí trở về với công việc của lãnh đạo.
Biên bản sinh hoạt chuyên môn nhớ ghi tên Ban giám hiệu |
Có sếp thì giao việc bằng lời, có sếp thì lấy phấn viết hẳn lên bảng tên các bài tập học sinh cần làm, chẳng hạn: B1a,b; B2; B4a,b (Bài tập 1 câu a và câu b; bài tập 2; bài tập 4 câu a và câu b – các sếp viết tắt để khoán bài cho nhanh).
Các môn Toán hay Ngữ văn thì có nhiều bài tập, còn Hiệu trưởng, Hiệu phó nào mà chuyên môn giáo viên gốc Sử hay Địa thì “vất vả” hơn.
Những khi lên lớp các tiết này, họ cố gắng giảng nhanh và đọc nhanh cho học sinh ghi bài vào vở.
Mỗi tiết học, các sếp cố gắng bớt thời gian của học sinh để làm việc riêng của mình bằng cách ra bài kiểm tra.
Thường thì đề kiểm tra 15 phút nhưng học sinh được dành từ 20 đến 25 phút. Và đương nhiên, bài kiểm tra này có thể chấm, có thể không.
Thật tiếc, đáng lẽ ra giờ Sử, Địa sẽ là những giờ học hấp dẫn nếu giáo viên nhiệt tình khai phá. Nhưng các giờ học này đã bị “chết” vì gặp người dạy bắt buộc phải lên lớp theo Thông tư 28.
Các thầy cô hoàn toàn không thích lãnh đạo vào dạy lớp mình
Vì sự phân công và sắp xếp chuyên môn hợp lí theo công việc chung của nhà trường nên phải chấp nhận chứ thực tình không thầy cô nào thích Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vào dạy lớp mình.
Các cô nói, sếp Phó thì còn đỡ chứ sếp Trưởng có khi còn dạy sai kiến thức.
Chẳng hạn, khi dạy giải bài toán cổ bằng lập phương trình “Quýt ngon mỗi quả chia ba…” thầy cứ nói những gì học sinh không hiểu. Sau thầy bảo lâu rồi thầy quên…
Lãnh đạo dạy môn nào là học sinh thiệt thòi môn ấy. Nếu lãnh đạo dạy những môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, giáo viên còn có thời gian dạy lại.
Nếu lãnh đạo mà dạy những môn chỉ có 1-2 tiết/tuần như Kĩ thuật, Thủ công (Tiểu học) hay Hướng nghiệp, Giáo dục công dân (Trung học cơ sở)… thì học sinh còn thiệt thòi nữa vì lợi dụng đặc thù của những môn học này, có lãnh đạo cho học sinh toàn “tự học”…
Dù là như vậy nhưng các thầy cô chủ nhiệm không ai dám nói. Đây là một nhược điểm lớn nhất trong vấn đề dân chủ trong trường học. Biết mà không nói vì không dám nói.
Hiệu trưởng như vua của trường, đối với giáo viên, họ có quyền phân công, giao nhiệm vụ không ai có thể chối cãi.
Nên miễn dạy cho Hiệu trưởng và giảm tiết cho Phó Hiệu trưởng
Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể! |
Tôi không dám nói tất cả các lãnh đạo trường học phổ thông đều dạy kiểu “kéo trâu qua rào” như vậy nhưng tình trạng đó là tương đối phổ biến.
Ngồi nghe giáo viên phản ánh thì họ kể cả ngày không hết về cung cách lên lớp của lãnh đạo.
Một số giáo viên khi mới lên làm lãnh đạo, họ nhớ nghề nên dạy rất say sưa, chu đáo.
Chỉ một thời gian ngắn sau, họ nhưng chóng dạy cho qua việc vì cả khách quan và chủ quan.
Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, họ bận nhiều việc như tiếp khách, họp giao ban, làm kế hoạch, báo cáo,…
Hơn nữa, Hiệu trưởng là lãnh đạo cao nhất, là người vạch ra đường lối chứ không trực tiếp làm chuyên môn. Nên miễn dạy cho Hiệu trưởng.
Còn Phó Hiệu trưởng, cần dạy để củng cố chuyên môn, nắm được chương trình mà biết cách chỉ đạo chuyên môn. Nhưng cũng chỉ nên để họ dạy 2 tiết/tuần.
Vì sao nên miễn và giảm số tiết dạy hàng tuần cho Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng? Có lẽ đó cũng “Tất cả vì học sinh thân yêu”.