Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới

18/04/2017 07:12
Trần Sơn
(GDVN) - Nội dung về cấp tiểu học trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 2 còn một số điểm cần điều chỉnh cho hợp lý hơn khi ban hành chính thức.

LTS: Là một giáo viên tiểu học, thầy giáo Trần Sơn chia sẻ một số góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố ngày 12/4.

Theo đó, thầy Trần Sơn tập trung đề cập đến phần nội dung liên quan đến chương trình bậc tiểu học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 2. Là một giáo viên tiểu học, tôi xin được nêu một số ý kiến về nội dung liên quan đến cấp tiểu học trong dự thảo này.

1. Về việc tích hợp, chia tách và tên gọi các môn học

Dự thảo nêu các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

Về tên gọi, môn Giáo dục lối sống nên gọi là môn Đạo đức - Lối sống; môn Tìm hiểu xã hội nên chia thành 2 môn Lịch sử, Địa lý; môn Tìm hiểu tự nhiên nên gọi là môn Khoa học; môn Tìm hiểu công nghệ nên gọi là môn Công nghệ.

Chương trình bậc tiểu học vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh. (Ảnh: TTXVN)
Chương trình bậc tiểu học vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo nêu các môn học bắt buộc có phân hóa là: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trong dự thảo có 02 môn liên quan đến công nghệ (Tìm hiểu công nghệ, Thế giới công nghệ) nên chăng chỉ cần có 1 môn gọi chung là Công nghệ; môn Tìm hiểu Tin học nên gọi là môn Tin học, môn Giáo dục thể chất gọi là môn Thể chất cho ngắn gọn.

Còn môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên tích hợp trong các môn học khác vì học môn nào thì có các bài về hoạt động sáng tạo của môn học đó xem ra hợp lí hơn là tách ra thành một môn học riêng biệt. 

Ngoài ra, hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn có thể thực hiện được thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động Đội, sinh hoạt Nhi đồng,... như chương trình hiện hành.
         
2. Về thời lượng giáo dục

Về thời lượng dạy học cấp tiểu học, dự thảo viết: “Mỗi tiết học cho lớp 1 và lớp 2 từ 30 phút đến 35 phút; cho lớp 3, lớp 4 và lớp 5 từ 35 phút đến 40 phút; giữa các tiết học có thời gian nghỉ. 

Các trường dạy học 2 buổi/ngày bố trí không quá 7 tiết học/ngày; 31 tiết học/tuần đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 32 tiết học/tuần đối với lớp 4 và lớp 5
”.

Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới ảnh 2

Chúng tôi chóng mặt, học trò thêm gánh nặng vì các môn học mới

Mỗi trường học đều có quy định khung giờ học và giờ ra chơi chung cho cả trường nên cần thống nhất cho cả cấp tiểu học, mỗi tiết học từ 35 đến 40 phút.

Với những trường chưa có điều kiện dạy 2 buổi/ngày thì việc dạy học 32 tiết/tuần là quá tải (vì nếu chỉ học 5 buổi/ tuần thì mỗi buổi học sinh phải học từ 6 đến 7 tiết).

Trong dự thảo, số tiết của môn Giáo dục lối sống của các lớp 1, 2, 3 chỉ có 2 tiết/tuần và lớp 4,5 chỉ có 1 tiết/tuần. 

Như vậy là hơi ít vì giáo dục kiến thức phải đi đôi và cân bằng với giáo dục đạo đức, có như thế thì mới tạo ra được con người phát triển hài hòa về nhân cách, vừa có đức, vừa có tài.

Nên chăng cần tăng số tiết môn này lên 3 tiết/tuần cho tất cả các lớp trong cấp học.

3. Về biểu hiện phẩm chất của học sinh tiểu học

Mục 2. Yêu đất nước trong dự thảo nên bổ sung cụm từ “Yêu Tổ quốc Việt Nam”.

Trong mục 2.1. Yêu quý mọi người, dự thảo viết: “Yêu thương, tôn trọng bạn bè, thầy cô và những người xung quanh,...”. 

Cụm từ này lẽ ra chỉ cần viết là “Yêu thương, tôn trọng người xung quanh” hoặc “Yêu thương, tôn trọng mọi người” là được, vừa ngắn gọn, lại đủ ý.

Trong mục 2.2. Tôn trọng khác biệt giữa mọi người, dự thảo viết: “Tôn trọng sự khác biệt của bạn bè trong lớp về cách ăn mặc, tính nết và hoàn cảnh gia đình”, “Không phân biệt đối xử, chia rẽ các bạn”, “Sẵn sàng tha thứ cho những hành vi có lỗi của các bạn”. 

Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới ảnh 3

Chương trình giáo dục phổ thông mới và bài toán giáo viên ở cấp Trung học cơ sở

Ba ý này nên viết lại cho trọng tâm và mang tính bao quát hơn cho phù hợp với tên gọi của đề mục.

Cụ thể, ba ý này có thể diễn đạt lại như sau: “Tôn trọng sự khác biệt, không phân biệt đối xử, chia rẽ mọi người; sẵn sàng tha thứ cho những hành vi có lỗi của người khác”. 

Mục 3. Chăm học trong dự thảo có ý: “Thích đọc sách để mở rộng hiểu biết”.

Thực tế thì để mở rộng hiểu biết đâu chỉ có cách đọc sách mà còn có nhiều cách khác nữa. Vì vậy, nên chăng ý này nên diễn đạt thành: “Thích đọc sách báo, ham tìm tòi để mở rộng hiểu biết”.

Mục 4. Chăm làm có 2 ý là: “Thường xuyên tham gia các công việc gia đình vừa sức với bản thân” và “Thường xuyên tham gia các công việc của trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân”. 

Diễn đạt như vậy là hơi dài dòng, lủng củng, 2 ý này chỉ cần viết là: “Thường xuyên tham gia các công việc của gia đình, của trường lớp và cộng đồng vừa sức với bản thân”.

Mục 5. Trung thực, dự thảo có ý: “Thật thà, ngay thẳng trong học tập và lao động; mạnh dạn nói lên ý kiến của mình trước người thân, bạn bè, thầy cô và mọi người”. 

Diễn đạt như vậy là vừa thừa, vừa thiếu vì viết như vậy thì phải chăng không cần thật thà trong các lĩnh vực khác ngoài hoạt động “học tập và lao động”; “người thân, bạn bè, thầy cô” không nằm trong phạm vi “mọi người”?

Ý trên chỉ cần diễn đạt ngắn gọn là: “Thật thà, ngay thẳng, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình trước mọi người”.

Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới ảnh 4

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới

Cũng tại mục này còn có ý: “Không nói dối; luôn giữ lời hứa với người thân, bạn bè, thầy cô và mọi người...”.

Ý này nên diễn đạt thành: “Không nói dối, luôn giữ lời hứa với mọi người...”.

Vẫn tại mục này, dự thảo có ý: “Không tự tiện lấy đồ vật, tiền bạc của người thân, bạn bè, thầy cô và mọi người”. Với ý này chỉ cần diễn đạt là: “Không tự tiện lấy đồ vật, tiền bạc của người khác”.

Mục 6.4. Có trách nhiệm với môi trường sống trong dự thảo có ý: “Không đồng tình với những hành vi xâm hại thiên nhiên”. 

Môi trường đâu chỉ có môi trường thiên nhiên mà còn có môi trường nhân tạo, nên ý này cần viết lại thành: “Không đồng tình với những hành vi gây hại cho môi trường”.

4. Về biểu hiện năng lực của học sinh tiểu học


Mục 1.1. Tự lực trong dự thảo có viết: “Tự làm được những việc của mình ở nhà và ở trường theo sự phân công, hướng dẫn”. 

Ngoài những công việc ở trường, ở nhà, học sinh tiểu học có khi còn tham gia vào các việc làm vừa sức ở cộng đồng nên ý này nên diễn đạt cho đầy đủ là:

Tự làm được những việc của mình ở nhà, ở trường và ở cộng đồng theo sự phân công, hướng dẫn”.

Mục 1.5. Tự học, tự hoàn thiện trong dự thảo có ý: “Có ý thức học hỏi thầy cô, bạn bè và người khác để củng cố và mở rộng hiểu biết”.

Ý này chỉ cần diễn đạt ngắn gọn là: “Có ý thức học hỏi mọi người để củng cố và mở rộng hiểu biết”.

Mục 2.2. Thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn có ý: “Nhận ra những bất đồng, xích mích giữa bản thân với bạn hoặc giữa các bạn với nhau; biết nhường bạn hoặc thuyết phục bạn”.

Để nội hàm phù hợp với tên mục, ý này cần diễn đạt lại là: “Nhận ra những bất đồng, xích mích giữa bản thân với người khác; biết nhường nhịn hoặc thuyết phục người khác”.

Trên đây là góp ý của một giáo viên tiểu học về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Những góp ý này ít nhiều mang tính chủ quan của người viết. 

Người viết rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các thầy cô giáo, đặc biệt là ý kiến của các tác giả xây dựng dự thảo này.

Trần Sơn