Bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng – trách nhiệm thuộc về ai?

17/10/2017 06:57
Thanh An
(GDVN) - Bài toán bổ nhiệm lãnh đạo các nhà trường rất cần sự chung tay của các Ủy ban nhân dân các cấp, cũng như các cơ quan chủ quản của ngành giáo dục.

LTS: Nhiều trường trên cả nước đang  thừa Phó hiệu trưởng. Tác giả Thanh An đã có bài viết chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời gian gần đây, chúng ta không chỉ nghe nhiều về tình trạng giáo viên thừa hàng loạt do việc tuyển dụng sai quy định của một số địa phương nên dẫn đến việc phải thanh lí hợp đồng. Không chỉ thừa giáo viên đứng lớp mà nhiều địa phương cũng bổ nhiệm thừa hàng loạt các phó hiệu trưởng.

Việc thừa giáo viên thì thanh lí hợp đồng còn thừa hàng loạt các phó hiệu trưởng thì xử lí ra sao vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo.

Tình trạng bổ nhiệm thừa cho thấy những sai phạm không chỉ một vài cá nhân mà nó còn liên quan đến nhiều cơ quan quản lí. Bởi, công tác bổ nhiệm cán bộ phải thông qua một quy trình nghiêm ngặt, liên quan tới rất nhiều cá nhân và cơ quan tham mưu, quản lí.

Tình trạng bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng ở nhiều địa phương vẫn còn diễn ra (Ảnh minh họa: tcnn.vn).
Tình trạng bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng ở nhiều địa phương vẫn còn diễn ra (Ảnh minh họa: tcnn.vn).

Hiện nay, việc bổ nhiệm các thành viên ban giám hiệu nhà trường cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện (thành phố trực thuộc tỉnh), cho dù trong một số văn bản quy định là Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo kí quyết định bổ nhiệm.

Vì các thành viên ban giám hiệu là cán bộ do Ủy ban nhân dân huyện quản lí nên trước khi giáo viên được phổ nhiệm phó hiệu trưởng phải nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn của đơn vị trong nhiều năm, phải trải qua lớp học bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục.

Khi được bổ nhiệm thì Phòng Giáo dục phải làm tờ trình gửi sang Phòng Nội vụ, và người kí quyết định bổ nhiệm các phó hiệu trưởng phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thành phố).

Về số lượng các thành viên ban giám hiệu thì đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, đối với cấp tiểu học được quy định như sau:

“Mỗi trường có 1 hiệu trưởng. Trường Tiểu học có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 2 phó hiệu trưởng; Trường có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng; Trường có từ 5 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng”.

Đối với trường trung học cơ sở thì văn bản đã hướng dẫn:

“Mỗi trường có 1 hiệu trưởng. Trường Trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 2 phó hiệu trưởng; trường trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng”.

Quy trình, số lượng đã quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy nhiều địa phương có số lượng phó hiệu trưởng thừa rất nhiều?

Bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng – trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 2

Sẽ tiến hành kiểm tra việc bổ nhiệm thừa hiệu phó ở Thanh Oai

Mới đây, qua kiểm toán ngân sách, Nghệ An hiện có 201 phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thừa so với quy định [1].

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) thừa 55 phó hiệu trưởng cấp trung học cơ sở và tiểu học [2]; Huyện Krông Pắc (Đắk Lăk) thừa 32 phó hiệu trưởng, trong đó cấp tiểu học thừa 18 người, trung học cơ sở thừa 11 người… [3].

Những số liệu dẫn chứng ở trên có lẽ cũng chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm mới được phát hiện trong mấy tháng gần đây và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế, tại các địa phương việc thừa phó hiệu trưởng cũng đang hiện hữu rất nhiều. Ngay như đơn vị nơi chúng tôi đang công tác, trường chỉ có 17 lớp (loại II) nhưng vẫn có 2 phó hiệu trưởng. Một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và một phó hiệu trưởng phụ trách ngoài giờ.

Trong khi, phân phối chương trình hiện hành mỗi tháng của hoạt động ngoài giờ lên lớp chỉ có 2 tiết cho hoạt động này mà đều do giáo viên chủ nhiệm đảm trách.

Thành thử, một phó hiệu trưởng ngoài giờ chỉ thỉnh thoảng vào trường cùng Tổng phụ trách Đội nhắc nhở học sinh làm vệ sinh sân trường đầu giờ, sau đó uống cà phê, lên mạng đọc báo một lúc rồi về. Sự việc cứ lặp đi, lặp lại như vậy đã nhiều năm nay.

Chúng ta đều biết, trong các đơn vị trường học có rất nhiều các tổ chức đoàn thể khác nhau, mỗi người phụ trách một mảng công việc khác nhau. Các thành viên ban giám hiệu cũng vậy.

Hiệu trưởng lãnh chỉ đạo và phụ trách chung công việc nhà trường. Các phó hiệu trưởng thì đảm nhận, phụ trách công việc mà hiệu trưởng phân công.

Trường loại 2-3 thì công việc nhẹ hơn nên chỉ có một phó hiệu trưởng đảm nhận hết các công việc: chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ.

Tuy nhiên, thực tế phần ngoài giờ lên lớp đã được giáo viên Tổng phụ trách Đội đảm nhận phần lớn công việc. Phổ cập cũng phân công cho một vài giáo viên thiếu tiết phụ giúp cho việc cập nhật hồ sơ. Thành thử, việc bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng không chỉ là chuyện lãng phí mà xảy ra rất nhiều rối rắm cho đơn vị.

Ông cha ta thường nói “lắm thầy thì thối ma” nên trường nào mà càng nhiều lãnh đạo thì giáo viên trường đó càng khổ.

Mỗi ông chỉ đạo một đường, ông nào cũng cho mình là đúng, là người phụ trách. Giáo viên chẳng biết phải nghe ai. Nghe ông này thì mất lòng ông kia. Khi dự chuyên đề hay họp hành trong đơn vị thì ông nào cũng phát biểu mà có phải bao giờ cũng thống nhất về nội dung, quan điểm đâu. Nhiều khi các lãnh đạo còn mâu thuẫn với nhau nên giáo viên lại là người chịu trận.

Bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng – trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 3

Bổ nhiệm "thừa" cán bộ: Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm

Thừa phó hiệu trưởng, cũng đồng nghĩa là trong đơn vị, nếu không có ông phó hiệu trưởng đó thì công việc vẫn trôi chảy bình thường.

Tuy nhiên, khi thêm một ông phó hiệu trưởng thì điều tất yếu là phải bố trí thêm phòng làm việc, phải trang bị cơ sở vật chất và phải trả lương.

Riêng Nghệ An thừa 201 phó hiệu trưởng hoặc chỉ 1 huyện Krông Pắc (Đắk Lăk) thừa 32 phó hiệu trưởng thì nếu tính lương mỗi tháng chỉ cần 5 triệu đồng/người thì mỗi năm ngân sách địa phương phải trả cho đội ngũ “cán bộ thừa” này hàng chục tỉ đồng.

Một số tiền không hề nhỏ và cứ thế, nhiều địa phương cộng lại thì ta đã hình dung ra sự lãng phí biết chừng nào?

Vậy, vì sao lại có những địa phương thừa phó hiệu trưởng đến lắm vậy? Có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có nhưng yếu tố chủ quan vẫn là chính.

Bởi, một điều ai cũng biết sự biến đổi số lượng lớp của các đơn vị giáo dục hàng chục năm nay là không nhiều. Vẫn số lớp, số học sinh tương đương từ năm này sang năm khác thì việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho mỗi nhà trường đâu phải là bài toán khó. Nhất là lãnh đạo các đơn vị giáo dục thường mang tính “ít biến động”.

Vì thế, việc thừa chỉ là chủ ý của một số người “muốn thừa” mà thôi. Nếu thừa vì nguyên nhân khách quan thì chỉ thừa một vài người chứ làm gì có chuyện một huyện mà thừa mấy chục ông phó hiệu trưởng? 

Nên, một số nơi nói thừa là do “yếu tố lịch sử” hay viện ra các nguyên nhân khác là chưa thể thuyết phục được mọi người. Bởi, công tác luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên, ai cũng biết. Nếu, trường này thừa thì luân chuyển sang trường khác có sao đâu.

Hoặc, trong đơn vị thừa thì không bổ nhiệm lại, phó hiệu trưởng lại về dạy lớp. Có điều, ở xứ mình khi đã “lên” rồi thì không ai muốn “xuống” nữa…

Từ lâu, ta đã nghe nhiều đến cụm từ “chịu trách nhiệm” nhưng phần nhiều là “lỗi tập thể” nên ít có cá nhân nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bổ nhiệm số lượng dư thừa cán bộ. Và, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Nơi này bổ nhiệm được thì nơi khác cũng làm. Khóa này bổ nhiệm thừa không sao thì khóa sau vẫn tiếp tục làm. Vì thế, việc dư thừa phó hiệu trưởng cũng là chuyện “rất bình thường” mà thôi.

Bài toán bổ nhiệm lãnh đạo các nhà trường rất cần sự chung tay của các Ủy ban nhân dân các cấp, cũng như các cơ quan chủ quản của ngành giáo dục. Nếu không, tình trạng này còn mãi tiếp diễn và để lại những hậu quả không dễ gì khắc phục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.google.com.vn/baonghean.vn/nghe-an-thua-201-hieu-pho-2852396%2F&usg.

[2]https://www.google.com.vn/vietnamnet.vn/ai-bang-gia-khan-truong-rut-lui-xin-tu-chuc-404529.html&usg.

[3] https://www.google.com.vn/dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dak-lak-du-thua-526-giao-vien-32-pho-hieu-truong-ngoai-bien-che-tai-mot-huyen-20170216223942407.htm&usg.

Thanh An