Chủ đề bằng “rởm’ hay bằng thật chất lượng “rởm” thường chỉ được các chuyên gia, nhà báo nói mạnh, những nhà quản lý tuy có nói song thường là khá nhẹ nhàng, với tinh thần “trung lập, không đứng về phía nào”.
May thay tại phiên họp ngày 25/2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, chủ đề này được đích thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định:
“Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Thật khó để nhận định đây chỉ là lời cảnh báo hay là lời tuyên chiến của Bộ trưởng với quốc nạn bằng rởm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận |
Cuộc đấu tranh chống hàng rởm, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải nhằm vào hai đối tượng: người sản xuất/phân phối và người/nơi sử dụng hàng.
Riêng với các loại văn bằng, chứng chỉ “rởm” có thể chỉ rõ mà không sợ bị cho là hồ đồ: nhà sản xuất chiếm thị phần chi phối thị trường văn bằng “rởm” chính là ngành Giáo dục, còn nơi tiêu thụ, sử dụng bằng “rởm” nhiều nhất không đâu khác chính là các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan nhà nước.
Theo lời một vị làm việc tại cơ quan Bộ GD&ĐT, trước đây văn phòng phía nam của Bộ có một cán bộ tên là H. cũng dùng bằng tiến sĩ rởm (người này đã chuyển công tác sang cơ quan khác).
Vấn đề là nếu phải phát động một cuộc chiến chống lại “quốc nạn” bằng rởm thì trước hết phải đánh vào đâu? Theo cơ chế thị trường, có cầu ắt sẽ có cung. Chẳng nhà sản xuất nào dại gì sản xuất mặt hàng không có người mua. Nếu xã hội không có nhu cầu văn bằng rởm thì những nhà sản xuất bằng rởm đương nhiên sẽ hết đường sinh sống.
Với kết luận này, cuộc chiến chống bằng rởm sẽ phải bắt đầu từ “người/nơi sử dụng bằng rởm” nghĩa là từ công tác cán bộ, từ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Cần xem xét lại việc tuyển dụng công chức, viên chức, việc đề bạt, tăng lương, chế độ đãi ngộ… Nó cũng liên quan mật thiết tới hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tìm hiểu Luật hình sự thấy có hai điều: Điều 266. Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức; Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; không có tội “sử dụng bằng giả hoặc sử dụng bằng thật mà chất lượng giả ”.
Động chạm đến loại tội phạm này, các luật sư đành phải viện dẫn khoản 1 điều 267: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Trên một tờ báo ngày 23/12/2013 viết: “Hơn 100.000 sinh viên đại học thất nghiệp trong năm 2013”. Trong khi sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy thất nghiệp hàng vạn người thì đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã, huyện vẫn có rất nhiều người cầm trong tay tấm bằng tại chức? Chẳng ai là không biết câu vè truyền khẩu mấy chục năm nay khắp mọi miền đất nước: “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.
Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm, không thể nói tất cả những người học tại chức đều yếu về kiến thức song phải thừa nhận phần lớn bằng tại chức đều là bằng thật mà trình độ giả. Chí có điều loại hình “bằng giả” này lại được khuyến khích bởi chính sách cán bộ, miễn là có bằng đại học, còn bằng loại gì và chủ nhân có nó bằng cách nào không quan trọng.
Một kết luận của Bộ GD&ĐT cho thấy: “Ngay từ năm 2001 Bộ GD& ĐT đã tiến hành thanh tra bằng giả, kết quả sau 04 năm đã phát hiện khoảng... một vạn bằng giả.[1] Đến nay, sau 15 năm đội ngũ “bằng giả” này chắc chắn không còn là một vạn mà là nhiều vạn người, họ đã hình thành nên một “nhóm lợi ích bằng giả” phân bố từ phường xã đến các cơ quan cấp cao.
Báo DânViệt ngày 20/8/2013 đưa tin: ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Lâm Đồng) và ông Chu Sơn Hà (đại biểu Hà Nội) nêu chất vấn trong kỳ họp Quốc hội: “có hay không lợi ích nhóm hay tham nhũng chính sách trong việc làm luật hay ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.
Câu trả lời của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường là: “chưa thể khẳng định là có tham nhũng chính sách hay lợi ích nhóm. Tuy vậy cũng không loại trừ có lỗ hổng trong kiểm soát”. [2]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định về dự thảo Luật Xây dựng: “quy định về giấy phép xây dựng như “quy định trên trời”. “Quy định như vậy chỉ chết dân”. [3]
Ai dám bảo đảm rằng dự thảo luật như vậy không lồng ghép lợi ích của cơ quan quản lý, của thanh tra xây dựng? Và liệu có ai dám khẳng định, rằng “nhóm lợi ích bằng giả” đông đến nhiều vạn người không đủ sức mạnh để chi phối các quá trình làm luật và thực thi pháp luật?
Bằng giả, thậm chí bằng thật nhưng "chất lượng" giả sẽ không có đất sống ở các doanh nghiệp tư nhân (ảnh minh họa) |
Phát biểu của Bộ trưởng Luận không hề gây sốc cho dư luận vì nó phản ánh một sự thật không thể chối cãi đang diễn ra hàng ngày ở bất kỳ cơ quan, địa phương nào của xã hội Việt Nam.
Có thể nói hiếm khi người dân được nghe lời phát biểu thẳng thắn của một vị Bộ trưởng như vậy. Người viết mong sao Bộ trưởng có thêm “lực” để vượt qua cái rào cản “lực bất tòng tâm”. Nếu Bộ trưởng cầm cờ, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đứng sau lưng Bộ trưởng.
Đồng cảm với Bộ trưởng, ủng hộ Bộ trưởng trong cuộc chiến chống bằng rởm nhưng người viết vẫn có điều chưa thật yên tâm, ấy là Bộ trưởng sẽ xoay sở ra sao trong tình hình ngành Giáo dục đang bộn bề công việc.
Nếu mũi tấn công thứ nhất trong “trận đánh” bằng rởm thuộc về các Bộ Nội Vụ, Công An… thì mũi tấn công thứ hai chủ yếu do Bộ GD&ĐT đảm nhận. Có thể khẳng định “bằng rởm chính hiệu” nghĩa là kiểu bằng đóng dấu “củ khoai” về số lượng ít hơn “bằng thật rởm” là loại băng thật mà chất lượng rởm.
Triệt phá các cơ sở sản xuất loại “bằng thật rởm” này là phải nhắm vào toàn bộ hệ thống các trường từ phổ thông đến cao đẳng, đại học. Chắc chắn nó sẽ động chạm đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%, đến hàng loạt “nồi cơm hiện đại” của các trường đại học là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, vậy thì phải làm thế nào?
Câu trả lời nằm ở chỗ Bộ trưởng quyết tâm đến mức nào và hệ thống chính trị ủng hộ Bộ trưởng như thế nào? Nếu tất cả đều đồng lòng thì việc còn lại là Bộ trưởng cần xây dựng một đội ngũ thanh tra giáo dục đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Trao cho họ “Thượng phương bảo kiếm” để tiêu diệt các cơ sở sản xuất bằng “rởm” nhưng đồng thời Bộ trưởng cũng cần cầm sẵn “dây cương” phòng khi quá đà, lạc hướng. Nói thế vì qua bài báo “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo chui” [4] và bài “Hoa hậu chui, tiến sĩ chui, pháp luật và nghệ thuật “Tò he” [5] người viết đã cảm thấy có gì đó không ổn trong đội ngũ thanh tra của Bộ.
Có câu “con hư tại mẹ”, nếu Bộ trưởng muốn phất cờ trong cuộc chiến chống “bằng rởm” thì việc đầu tiên là uốn nắn những trợ lý của mình, đừng để họ “mải mê” những việc không đúng chuyên môn.
Câu chuyện mà báo chí đề cập về nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền chưa biết đúng sai thế nào, dù sao cũng nên thận trọng, đừng để xảy ra tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, ấy là chỉ mới nói trong lĩnh vưc thanh tra.
Một điều nữa người viết cũng muốn nói thêm là bằng giả, bằng thật nhưng chất lượng giả không phải chỉ "chui" vào cơ quan nhà nước mà còn công khai hiện diện tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, các cơ sở tư nhân..., nếu tổ chức một đợt thanh tra cẩn thận, chắc bộ trưởng sẽ thấy nhận định này không sai.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vovgiaothong.vn/xa-hoi/2012/10/bo-lot-toi-pham-su-dung-ho-so-bang-cap-gia/
[2]http://danviet.vn/thoi-su/chua-the-khang-dinh-co-tham-nhung-chinh-sach-trong-lam-luat!/2013082012419252p1c24.htm
[3]http://baodautu.vn/chu-tich-nguyen-sinh-hung-giay-phep-xay-dung-quy-dinh-tren-troi.html
[4]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/158767/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-html
[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoa-hau-chui-tien-si-chui--phap-luat-va-nghe-thuat-To-he-post140598.gd