Bội thực phương pháp dạy học là thủ phạm của biểu diễn dự giờ

26/11/2018 06:50
Mai Hoa
(GDVN) - Phương pháp nào cũng tốt, cũng phù hợp, mô hình nào cũng toàn ưu điểm…đây cũng chính là nguyên nhân để dẫn đến tình trạng bội thực các phương pháp dạy học mới.

LTS: Sau bài viết "Người dự, người dạy cứ tự nhiên, có phải tốt hơn không?" của thầy giáo Sông Trà, đưa ra những trao đổi xung quanh vấn đề "diễn" trong các tiết dự giờ, cô giáo Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thầy giáo Sông Trà chỉ ra những lợi ích của công tác dự giờ, thao giảng. Đồng thời, thầy cho rằng, các thầy cô giáo đừng cố gắng diễn trong các tiết dự giờ mà hãy dạy một cách tự nhiên có phải tốt hơn không?

Ý kiến của thầy Sông Trà rất hay và hữu ích. Có điều chúng tôi cứ thắc mắc thầy trong ngành giáo dục mà lại không hiểu hay cố tình không hiểu vì sao giáo viên không thể dạy tự nhiên mà luôn phải cố hết sức để “diễn” trong các tiết dự giờ?

Một tiết dự giờ của giáo viên (Ảnh minh họa: hatinhnews.com.vn).
Một tiết dự giờ của giáo viên (Ảnh minh họa: hatinhnews.com.vn).

Xin thưa, chẳng ai muốn điều này nhưng không làm như thế sẽ không được, ai chịu hiểu cho đây?

Kiến thức nặng, quy định cứng nhắc về thời gian

Hằng ngày trên lớp, nhiều tiết học chỉ quy định dạy 35-40 phút là hết giờ. Thế nhưng trong thực tế giảng dạy, thầy cô phải dạy hàng tiếng đồng trở lên, thậm chí có bài phải dạy gần 2 tiếng mới xong.

Lý do, kiến thức bài học quá nặng, học sinh thao tác chậm mất khá nhiều thời gian.

Lại có những nội dung nếu cứ để học sinh tự học, tự tìm hiểu, tự thảo luận để tìm ra kiến thức như một số yêu cầu của phương pháp dạy học mới, chắc chắn các em sẽ chẳng biết gì.

Và như thế, người dự giờ chẳng bao giờ chịu thừa nhận tất cả những tồn tại ấy là do chương trình chưa phù hợp, do thời gian quy định quá cứng, hay do học sinh quá chậm mà mọi tội lỗi đều trút lên đầu giáo viên.

Đỉnh cao của “dạy diễn” là tiết học nào?

Nào là thầy cô chưa triển khai đúng phương pháp, chưa biết gợi mở, hỗ trợ kịp thời, hay do thầy cô còn non kém, còn yếu tay nghề, chưa có kĩ năng cần thiết…Chỉ bấy nhiêu thôi, giáo viên cũng đủ “lãnh đạn”.

Thế nên chẳng thầy cô giáo nào dám mạo hiểm dạy thô (dạy khi chưa tập dợt) là vì lẽ đó.

Đâu chỉ mình giáo viên, nhà trường cũng phải “diễn” đấy chứ

Cứ một chuyên đề, một phương pháp, một mô hình dạy học mới xuất hiện đều được thử nghiệm bằng các tiết dạy ở một số trường.

Cũng với tâm lý sợ bị cấp trên đánh giá nhà trường chuyên môn kém, giáo viên non tay nghề, Ban giám hiệu đã chọn giáo viên, chọn lớp (có trường chọn cả khối mới được một lớp mẫu. Có trường lại cho học sinh yếu, chậm trong lớp nghỉ học ngày hôm đó) để dạy tiết dự giờ.

Tiết dạy như thế này được chuẩn bị khá công phu hàng tháng trời và được dạy đi dạy lại đến vài lần.

Thầy cô trên dưới một lòng cùng… diễn

Cấp trên dự giờ chẳng biết có biết sự chuẩn bị công phu của các trường không nhưng sau tiết dự giờ cứ luôn miệng khen mô hình mới hiệu quả, phương pháp dạy hay, tiến bộ…

Thế là phương pháp nào cũng tốt, cũng phù hợp, mô hình nào cũng toàn ưu điểm…đây cũng chính là nguyên nhân để dẫn đến tình trạng bội thực các phương pháp dạy học mới như hiện nay.

Muốn giáo viên và học sinh không diễn

Điều này chính là mong muốn của nhiều người. Ai chẳng muốn tiết học diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng nhất để thầy cô đỡ mất thời gian mà học sinh cũng hào hứng học.

Để thực hiện được điều này, hãy cho giáo viên cái quyền tự chọn phương pháp dạy học, tự chọn cách dạy cho phù hợp với bài, với lớp.

Tránh kiểu áp đặt ngay từ đầu phải dạy theo VNEN, phải dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”…

Đồng thời với những tiết dạy dự giờ không nên quy định thời gian cứng ngắc. Giáo viên có thể linh động, giãn cách thời gian sao cho phù hợp nhất.

Mai Hoa