LTS: Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam còn khá lúng túng khi tiến hành thực hiện. Vì sao?
Trong bài viết này Ths Trương Khắc Trà chỉ ra 4 trở lực khiến vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam khó khăn khi thực hiện. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tự chủ đại học là thuật ngữ khá mới mẻ tại Việt Nam, được đưa ra như là giải pháp và con đường phát triển cho hệ thống giáo dục đại học nước ta theo xu hướng chung và tiến bộ của thế giới, có thể nói rằng tự chủ đại học là con đường duy nhất để có thể tiệm cận với trình độ của thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống đại học ở Việt Nam dường như còn lúng túng với làn gió mới này và vẫn loay hoay tìm lối đi trong vô vàn các vấn đề được mổ xẻ thời gian qua như chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên, phương cách quản trị và những tiếng nói “không” từ thị trường lao động.
Bốn rào cản trên con đường tự chủ đại học ở Việt Nam (Ảnh: tuoitre.vn) |
Chính bởi những điểm yếu mang tính hệ thống ấy là trở lực không nhỏ cản bước tự chủ đại học. Vậy nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất, tự chủ đại học phải được hiểu đúng và đủ, tự chủ đại học ở đây không phải là “riêng biệt hóa” “cát cứ hóa” cơ sở đào tạo mà trước hết là “cởi trói” tư duy về khái niệm “công” và “tư”, gạt bỏ bớt cái vòng kim cô từ các cơ quan chủ quản, thúc đẩy nội lực vốn có của từng cơ sở đào tạo, tăng tính chủ động và sáng tạo trong xây dựng chương trình, tuyển sinh, thu chi, tuyển dụng, sử dụng các nguồn lực theo một định hướng chung của toàn ngành.
Nếu không hiểu đúng vấn đề sẽ rất nguy hiểm khi thực hiện, tự chủ không phải là xé lẻ, manh mún mạnh ai nấy làm.
Trường nào cũng đào tạo mở, từ xa thì hai Đại học Mở sẽ tồn tại như thế nào?(GDVN) - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có buổi tọa đàm với Viện Đại học Mở Hà Nội về chủ đề “tự chủ đại học”. |
Thực tế cho thấy hoạt động của hệ thống đại học Việt Nam hiện nay vẫn nặng tư duy bao cấp, nhiều trường vẫn chưa thể thoát ra khỏi cái kén mang tên “bao cấp nhà nước” thụ động phụ thuộc vào chỉ đạo của cơ quan chủ quản.
Ví như khâu tuyển dụng nhân sự, hiện nay hơn 400 trường đại học vẫn dùng chung một “bảo bối” là Luật Viên chức, trong khi mỗi trường, mỗi ngành có đặc thù yêu cầu về nhân sự riêng biệt, thực tế này đòi hỏi các trường phải được tự chủ xây dựng quy chế riêng trong tuyển chọn nhân sự. Bởi đã gọi là nhân tài thì phải cần cơ chế riêng, đặc biệt, tất nhiên là căn cứ vào định hướng từ luật Viên chức.
Thứ hai, một trong những yếu tố then chốt của tự chủ đại học là tự chủ về tài chính, thực tế hiện nay hầu hết các trường chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất là học phí, các trường sư phạm còn khó khăn hơn vì không có nguồn này. Đa số các trường sẽ “khó sống” nếu cắt nguồn từ ngân sách.
Tự chủ tài chính là khâu then chốt để tạo tiền đề tự chủ các vấn đề khác, bởi suy cho cùng kinh tế luôn quyết định mọi chuyện, nhưng không nhiều trường tại Việt Nam có thể tự mình đa dạng hóa các nguồn thu mà hầu hết phụ thuộc vào chiếc bánh ngân sách.
Muốn đa dạng hóa các nguồn thu, các cơ sở đào tạo phải chuyển hóa mô hình hoạt động thành những cơ sở kinh doanh dịch vụ, đó là dịch vụ nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, khả năng thực hiện những dự án lớn, khả năng hợp tác đối ngoại trong đào tạo…đây là mô hình hoạt động của các hệ thống đại học tiên tiến trên thế giới.
Theo một khảo sát mới đây nguồn thu hàng năm của các đại học Úc trong đào tạo du học sinh lên tới 17 tỷ USD!
Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, các mô hình đại học mới như đại học quốc gia, đại học bán công, đại học dân lập, đại học tư thục đã ra đời. |
Thứ ba, hiện nay hệ thống đại học Việt Nam rất đa dạng về các hình thức sở hữu, ngoài các đại học Quốc gia được quản lý bởi Chính phủ thì còn các đại học vùng và nhiều trường trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương cho đến hệ thống trường thuộc UBND các tỉnh, thành…điều này gây cản trở cho việc ban hành một bộ quy tắc hoạt động chung.
Bởi có bao nhiêu cơ quan chủ quản sẽ có bấy nhiêu văn bản chỉ đạo gây chồng chéo, giẫm chân nhau trong khi tự chủ đại học yêu cầu cần có một hệ thống văn bản chỉ đạo chung cho toàn ngành, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Bài toán sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống đại học hiện nay vẫn chưa có lời giải, vậy nên để thống nhất chỉ đạo trong toàn ngành là điều khó thực hiện, ví như vụ việc Đại học Tôn Đức Thắng yêu cầu được xét phong chức danh Giáo sư theo quy chế riêng gây tranh cãi gay gắt thời gian qua đến nay vẫn chưa thống nhất!
Thứ tư, một trong những yêu cầu của tự chủ đại học là tự chủ trong xây dựng chương trình đào tạo, ngoài các đại học Quốc gia thì rất ít trường đủ khả năng xây dựng chương trình đào tạo riêng đảm bảo chất lượng. Hầu hết các giáo trình hiện nay, kể cả các đại học hàng đầu của Việt Nam đều đã quá cũ.
Tất cả các vấn đề trên tạo ra trở lực lớn trên con đường đi đến tự chủ đại học, vấn đề “cởi trói” tư duy bao cấp trong quản lý điều hành, đa dạng hóa các nguồn thu, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống sẽ là những nút thắt cho quá trình tiến tới xây dựng cơ chế tự chủ đại học.