LTS: Là một giáo viên cũng là một phụ huynh, cô giáo Thảo Ly chia sẻ bài viết về thực tế bệnh thành tích trong nhà trường hiện nay.
Theo đó, tác giả tiết lộ nguyên nhân sâu xa của tình trạng này tại các trường trung học phổ thông hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kết thúc học kì 1, cô con gái lớp 12 cầm tờ giấy khen về. Tôi hỏi con “mấy năm trước được giấy khen còn có cả phần thưởng kia mà? Sao năm nay chỉ mỗi tờ giấy khen thôi?”
Nghe thế, cô bé buồn rầu đáp lại “Những năm ấy ít bạn được khen. Năm học này, cả lớp con ai cũng được khen thì lấy tiền đâu mà phát thưởng hả mẹ?”.
Tôi nói với con “Khen gì mà nhiều thế? Các bạn bây giờ học giỏi lắm sao?”
Nghe mẹ nói, cô bé nhún vai, bĩu môi mà rằng “Con thấy có giỏi hơn gì đâu. Tại vì bây giờ thầy cô cho điểm rẻ hơn thôi”.
Ảnh minh họa trên Vov.vn |
Thế rồi con kể, nếu như trước đây thầy cô gọi lên bảng kiểm tra bài cũ ai không thuộc sẵn sàng ăn điểm 0 hay điểm 1 vào sổ.
Thế nhưng bây giờ, thầy cô chỉ nhắc nhở và dặn về học lần sau kiểm tra lại nên ai điểm cũng cao.
Rồi kiểm tra 15 phút theo quy định sẽ không báo trước nhưng thầy cô vẫn dặn cả lớp về học bài để mai kiểm tra.
Thi học kì đề cương cho ngắn và giới hạn gần như toàn bộ nội dung của đề thi. Làm thế, hỏi sao con điểm đạt được không cao chót vót?
Đem thắc mắc hỏi một số giáo viên thân thiết đang dạy bậc Trung học phổ thông được biết:
Không phải bây giờ, kể từ ngày có quy định điểm tổng kết lớp 12 dùng để xét tốt nghiệp thì giáo viên trong trường đã được bật đèn xanh chấm điểm nới tay cho học sinh.
Vì lẽ đó, điểm tổng kết của học sinh lớp 12 tăng cao hơn nhiều so với những năm học trước.
Vì thế, tỉ lệ học sinh khá giỏi của trường cũng tăng lên đột biến.
Có lớp 40 học sinh thì có tới 39 em đạt danh hiệu từ học sinh tiên tiến trở lên.
Cách làm này không phải giáo viên nào cũng đồng tình.
Có thầy cô cũng phản ứng “Làm như thế, trò ỉ lại không chịu học, giáo viên cũng khó dạy. Hơn nữa chất lượng phản ánh không thật sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em sau này”.
Thế nhưng một số thầy cô, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường lại đồng tình với việc “nhẹ tay” khi đánh giá chất lượng học tập của các em.
Có hiệu trưởng nói thẳng “Mình làm nghiêm khắc ai biết? Chỉ biết rằng trường mình thua kém trường bạn tỉ lệ học sinh tốt nghiệp là 'quê' lắm rồi".
Thế là được sự ủng hộ, hậu thuẫn của Ban giám hiệu nên nhiều học trò cứ nhởn nhơ trong học tập mà chẳng cần nỗ lực phấn đấu.
Có em thẳng thừng tuyên bố “trước sau cũng đỗ tốt nghiệp, lao tâm khổ tứ nhiều làm gì cho mệt”.
Qua tìm hiểu, để tăng điều kiện công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 đâu chỉ mình giáo viên nới tay cho điểm các em mà khá nhiều trường học đến thời điểm này cũng dốc công ôn luyện chủ yếu những môn thi tốt nghiệp.
Cụ thể, đó là môn Toán, Văn, Anh, tổ hợp Lý, Hóa, Sinh (Khoa học tự nhiên) hay Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa (Khoa học xã hội)… những môn học không dính dáng gì đến thi, học sinh học lớt phớt, giáo viên dạy cũng chẳng mặn mà.
Thậm chí có trường học còn yêu cầu thầy cô dạy những môn không thi còn nhường tiết cho đồng nghiệp có thời gian ôn tập, tăng tốc cho học sinh luyện rèn.
Tôi chợt nhớ ra câu chuyện của một chị đồng nghiệp kể rằng thấy con đi học về không bao giờ học bài cũ ở những môn bắt thuộc bài.
Lấy làm lạ hỏi con thì được biết không học nhưng thi vẫn đạt điểm cao vì thầy cô coi thi cố tình lờ đi để học trò chép bài.
Có học sinh còn bật mí “khi coi thi những môn học khác thầy cô còn làm lơ để học sinh trao đổi bài, chép bài hay giở tài liệu để không bị điểm liệt”.
Có giáo viên giãi bày “Làm thế để không ép các em phải học những môn mà không tham gia tổ hợp xét tốt nghiệp, đại học. Như vậy, các em sẽ còn thời gian dành cho những môn học trọng điểm.
Và, những môn trọng điểm khi thi thì giáo viên được nhắc nhở xem thi vô cùng nghiêm ngặt buộc học sinh phải nỗ lực học tập”.
Không chỉ học sinh có thói quen thi mới học, không thi không học. Chính nhà trường đã “tiếp tay” cho những thói quen này của học sinh duy trì và tồn tại.
Nhưng nếu hỏi “Vì sao nhà trường phải làm điều đó?”, câu trả lời rằng:
“Chính phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay đã tạo cho nhiều trường học chạy đua thành tích bằng cách nâng chất lượng ảo để chiếm lợi thế trong việc công nhận tốt nghiệp”.
Để chấm dứt tình trạng học sinh học lệch, các trường nâng chất lượng ảo chiếm lợi thế trong xét tốt nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: Bỏ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12, chỉ lấy điểm của 4 bài thi làm điểm xét tốt nghiệp cho các em.