Vấn đề lương và thu nhập đã tồn tại những bất hợp lý kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Trung ương, qua nhiều thập kỷ.
Vừa rồi rộ lên chuyện lương giáo viên, nay lại lắng xuống sau khi có kết luận của Chủ tịch Quốc Hội.
Nhưng, tính thời sự của câu chuyện này chưa bao giờ thật sự lắng dịu trong mấy chục năm nay.
Tuy rất bức bách nhưng không dễ giải quyết vì lương nhà giáo là một bộ phận trong lương của hệ thống hành chính sự nghiệp nhà nước, điều đang cực kỳ bất hợp lý mà nhiều năm vẫn chưa thể cải cách cơ bản.
Cái gọi là lương trả cho cái gọi là lao động
Ai cũng biết lao động và thu nhập là hai yếu tố quan trọng nhất trong mọi xã hội. Nói một cách phổ biến, thu nhập là mục đích và động lực của lao động.
Người ta chọn nghề thường theo yếu tố đầu tiên là phải có thu nhập đủ sống, đồng thời có quan tâm các yếu tố khác như sở thích, năng lực cá nhân...
Người ta nỗ lực lao động và phấn đấu vươn lên có thể với nhiều động lực khác nhau nhưng thu nhập là một động lực có tác động kích thích thường xuyên vì liên quan đến đời sống.
Cần sớm có biện pháp giải quyết việc tăng lương cho giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Bộ Luật Lao Động quy định: "mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (khoản 1, điều 91).
Ta có một hệ thống lương được coi là thu nhập chính thức, được thiết kế, có thang có bậc đàng hoàng nhưng thực chất nó không "bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu" cho tuyệt đại đa số cán bộ và nhân viên nhà nước với nhiều mức lương khác nhau, thậm chí có ngạch bậc khá cao cũng vẫn không đủ sống bằng lương, chứ nói gì tới mức lương tối thiểu.
Thế làm sao họ vẫn sống được?
Nói chung là họ phải có thu nhập thêm ngoài lương mới sống được.
Để có những thu nhập thêm đó (đa phần là lớn hơn lương), người ta phải có những hoạt động khác, nên không khỏi lơ là công việc của nhà nước.
Còn nếu lại là hoạt động không chính đáng thì còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Nhiều người tự thấy khổ tâm nhưng cũng không ít người thậm chí còn lợi dụng vị trí làm việc hoặc chức trách nhà nước mà kiếm chác.
Chỉ mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế? |
Khi buồn lòng nhận thấy năng suất lao động Việt Nam thuộc loại thấp nhất Đông Nam Á, ta chỉ tìm nguyên nhân ở trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân, ở kỹ thuật canh tác của nông dân mà không thấy rằng hệ thống hành chính sự nghiệp trì trệ, thậm chí không ít cán bộ vì lợi ích cá nhân, còn chủ động làm cho nó trì trệ, tạo những trở lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh để kiếm chác... đã góp phần không nhỏ làm cho năng suất lao động bình quân toàn xã hội giảm thấp.
Có đại biểu quốc hội đã nói rằng có việc của dân, khi đưa tới cấp nào cũng phải bôi trơn mới chạy việc. Người ta làm khó dễ để được bôi trơn, kéo dài lằng nhằng chậm giải quyết để chờ bôi trơn...
Chưa kể nguyên nhân trì trệ còn từ sự thiếu vắng động lực tinh thần, sự lười nhác hoặc kém năng lực của đội ngũ do việc lựa chọn tuyển dụng không dựa vào hiệu quả lao động.
Nước ta đang tồn tại nhiều năm nay "CÁI GỌI LÀ LƯƠNG TRẢ CHO CÁI GỌI LÀ LAO ĐỘNG" .
Tình trạng đó là nguyên nhân lớn, cực kỳ lớn, làm xã hội trì trệ, rối loạn và xuống cấp.
Có người nói: thời kỳ sống bằng các bản anh hùng ca đã qua rồi, bây giờ là thời đại của lợi ích. Nghe mà buồn.
Nếu sống mà không có sự đam mê lý tưởng thì vô vị biết chừng nào. May mà ta hiện vẫn không thiếu những người thực sự đam mê cống hiến, xả thân cống hiến, kiên trì cống hiến.
Xã hội cần biết đãi ngộ, tôn vinh thoả đáng đối với họ, đó là những người bình thường, thầm lặng mà có trái tim của bậc vĩ nhân.
Nhưng "Cơm áo không đùa với khách thơ", nhà thơ Xuân Diệu đã từng than thở như vậy.
Đừng để những người ưu tú đó sống cùng khổ.
Đừng để lớp trẻ nhìn họ như những người ngu ngơ dại dột trong bối cảnh nặng kim tiền.
Không thể không cải cách cơ bản chế độ tiền lương của hệ thống hành chính sự nghiệp trong xã hội Việt Nam. Cuộc cải cách đó phải thoả mãn ba yêu cầu:
- Một là phải tạo ra sự công bằng trong hệ thống tiền lương, phản ánh được sự tương thích với hiệu quả lao động, tạo ra động lực làm việc.
- Hai là lương phải đủ sống.
- Ba là bằng cơ chế, làm cho thống nhất mặt bằng thu nhập thực tế với mặt bằng lương.
Một câu hỏi được đặt ra là trong khi ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp thì lấy đâu ra tiền để nâng lương lên mức đủ sống?
Đó là câu hỏi khó nhưng ta thử đặt câu hỏi ngược lại là phần thu nhập phụ ngoài lương kia để đủ sống là từ đâu ra?
Không phải cũng chính là từ của cải của đất nước này đó sao? Hoàn toàn không phải ta không có nguồn.
Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang |
Lại hỏi: các nguồn ấy là từ tiền làm thêm bằng tay trái, từ tiền hối lộ...làm sao gom vào ngân sách để tăng quỹ lương được? Vô phương!
Xin trả lời: khó thì phải nghiên cứu, giải pháp đâu có sẵn, nhất là đối với các nan đề.
Xin nêu một thí dụ để nói về cách tư duy. Đứng trước nạn hạn hán, người ta than rằng tìm đâu ra nước ngọt mà tưới cho hằng triệu ha cây trồng thế này? Chỉ biết bó tay chờ trời thôi!
Nhưng khi đến mùa mưa, lại phải đương đầu với những trận lũ khủng khiếp, người ta lại than rằng không có cách gì để tống cả khối nước ngọt như vô tận đó thoát ra biển nhanh chóng. Thế đất nước ta có thiếu nguồn nước ngọt không? Tại ta tự bó tay đấy chứ.
Lương là câu chuyện đau khổ nhiều năm nay. Khi nào đặt ra cũng bị gạt đi vì chỉ một lý do duy nhất: không có nguồn tài chính!
Thực ra không có lý lẽ nào có thể thuyết phục rằng xã hội ta không đủ sức để nuôi các công chức viên chức nhà nước một cách đàng hoàng, minh bạch để họ yên tâm, trong sáng và làm việc hết mình. Vấn đề là ở cơ chế, chính sách.
Có "một vùng đóng băng" trong cuộc đại điều chỉnh
Xét cho cùng, công cuộc Đổi mới từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa là một cuộc ĐẠI ĐIỀU CHỈNH VỀ QUAN HỆ SẢN XUẤT (theo khái niệm của Mác), trong đó điều chỉnh ba nội dung cốt lõi là quan hệ sở hữu, quan hệ lao động và quan hệ phân phối.
Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được |
Kéo theo có rất nhiều sự thay đổi. Nhờ đó nền kinh tế nước ta đã phát triển nhanh chóng hơn trong thời gian qua.
Ở khu vực các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ta thấy rõ sự vận động của cả ba mối quan hệ đó theo hướng chọn lọc tối ưu.
Riêng ở các doanh nghiệp nhà nước và khối hành chính sự nghiệp thuộc nhà nước thì quan hệ lao động và quan hệ phân phối đều còn mang nặng bóng dáng cơ chế cũ. Điều cơ bản là không thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo hiệu quả lao động.
Đồng lương không tương xứng, không còn kích thích tính tích cực lao động, không còn sức hấp dẫn người giỏi đến với các ngành quan trọng hoặc khó khăn.
Chế độ lương là một bộ phận quan trọng của quan hệ phân phối. Ta để chế độ lương của hệ thống hành chính sự nghiệp thành "MỘT VÙNG ĐÓNG BĂNG" trong nhiều năm với các bất hợp lý tồn tại kéo dài dù cuộc đổi mới (CUỘC ĐẠI ĐIỀU CHỈNH) đã trải qua hơn ba mươi năm.
Đã không nhận thức ra rằng đó là nguyên nhân mang tính cơ bản làm cho hệ thống hành chính sự nghiệp trì trệ trì trệ, mà đây lại là hệ thống lãnh đạo và điều hành xã hội. Do vậy mà làm nhiều mặt của xã hội xuống cấp.
Cải cách cơ bản hệ thống lương khối hành chính sự nghiệp là một cuộc cải cách lớn, là tiếp tục hoàn thiện cuộc đại điều chỉnh về quan hệ sản xuất, là một hành động cách mạng, có ý nghĩa lớn lao.
Tuy là khó nhưng phải làm. Càng rụt rè, do dự, càng để chậm thì tai hại càng lớn.
Đừng để mức độ sự tha hoá từng bước tăng lên và ngày càng thành phổ biến trong đội ngũ cán bộ, làm cho mọi chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đều bị thực hiện méo mó, lòng tin đối với Đảng và chính quyền tiếp tục giảm thấp đến đáng lo ngại.
Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm
Trở lại vấn đề lương nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội vừa kết luận: Không xây dựng bảng lương riêng cho giáo viên, chỉ có phụ cấp ưu tiên chứ không ưu tiên nhất.
Tôi biết rằng Quốc hội cũng khó nói khác, nói trái với Nghị quyết 27 vừa ban hành: cả hệ thống gộp lại chỉ có ba thang lương.
Trong xã hội, nghề nào cũng cao quý nhưng xã hội cũng cần phải biết ưu tiên đãi ngộ để thu hút đội ngũ lao động giỏi cho những ngành quan trọng.
Ngành giáo dục là một ngành quan trọng, nghề giáo phải là một nghề cần thu hút nhiều lao động giỏi, ưu tú; là một nghề thuộc hàng đáng được ưu tiên nhất.
Sự ưu tiên đó không phải chỉ vì tình cảm ta dành cho những người thầy của ta, của con ta, của cháu ta mà là từ nhận thức thời đại với tầm nhìn cơ bản lâu dài để phát triển của Đất nước, đặc biệt là trong cuộc chạy đua toàn diện và căng thẳng trong thế giới hiện nay.
Mức lương tối thiểu của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng |
Đề nghị có mức độ ưu tiên cao cũng chỉ mong là thu nhập chính thức của giáo viên may ra có thể đảm bảo cho họ đủ sống. Yêu cầu này là cơ bản, là tối thiểu, cũng chưa thể coi là ưu đãi.
Phải làm thêm để đủ sống, dù là làm những công việc chính đáng, cũng là sự phân tâm phân lực, không toàn tâm toàn ý cho nghề dạy học.
Còn nếu vì bí bách quá có khi lại làm thêm những việc không nên làm thì ảnh hưởng đến phẩm cách nhà giáo, ảnh hưởng đến hình ảnh mẫu mực của thầy cô.
Ai cũng biết rằng giáo dục đạo đức cho học sinh bằng ba cách: bằng lời khuyên, bằng sự nêu gương, bằng việc thực hành đạo đức.
Nếu theo nghề giáo mà không sống được bằng lương nghề giáo thì làm sao ta tuyển được người giỏi vào học sư phạm? Làm sao ta giữ được thầy giỏi kiên trì làm thầy dù họ có yêu nghề đến mấy đi nữa?
Trong xã hội có câu: "CHUỘT CHẠY CÙNG SÀO MỚI VÀO SƯ PHẠM". Nghe mà tủi cho ngành sư phạm, cho phận làm thầy.
Thử hỏi nếu các trường sư phạm chỉ chọn được thí sinh loại hai, loại ba là loại "đã chạy cùng sào" thì chỉ có thể đào tạo ra lớp thầy cô giáo có chất lượng hạn chế. Rồi lớp học trò các thầy cô này cũng khó có nhiều người giỏi.
Và từ trong số học trò đó, các trường sư phạm chỉ hứng được loại lọt sàng xuống nia, lại từ đó đào tạo ra lớp thầy cô giáo tiếp theo.
Và cứ thế tạo ra cái vòng xoáy đau khổ theo chiều xuống cho nền giáo dục nước nhà. Ai mà không xót?
May mắn là dân ta vốn có truyền thống hiếu học, lớp trẻ ta nói chung là thông minh, cũng hết sức may mắn; ta vẫn còn nhiều thầy cô giáo thuộc thế hệ trước và một số thuộc các thế hệ sau là giỏi, rất yêu nghề, tâm huyết, chịu đựng khó khăn thiếu thốn, đeo bám nghề làm thầy.
Nếu không thì chưa biết nền giáo dục ta sẽ tuột xuống đến tầng nấc nào nữa. Ta không trách riêng những người quản lý giáo dục bởi vì họ cũng không đủ quyền hạn để xoay chuyển tình thế.
Ta cũng không trách riêng thế hệ lãnh đạo hiện nay vì đây là chuyện tồn tại nhiều thập niên rồi.
Nhưng bây giờ cần thiết tha nói với nhau rằng, mọi tham vọng về giáo dục mà không bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho cuộc sống của người trực tiếp làm giáo dục thì đều là mơ ước xa vời.
Nếu đội quân chủ lực này không được quan tâm đúng mức thì giáo dục nước ta càng ngày càng thua kém thiên hạ. Đó là điều chắc chắn.
Có hai câu hỏi đặt ra, một là có phải chờ cải cách tiền lương của toàn bộ hệ thống hành chính sự nghiệp mới động đến lương giáo viên hay phải có những giải pháp cấp bách riêng và sớm?
Đánh giá giáo viên thế nào để trả lương theo vị trí việc làm? |
Câu hỏi thứ hai là nếu cần giải quyết riêng và sớm cho giáo viên thì lại gặp phải tình trạng rất khó khăn của ngân sách nhà nước. Đề xuất lúc này có phải ta thiếu trách nhiệm với toàn cục không?
Tôi lại xin làm phiền các vị nghe một chuyện ngụ ngôn Ấn Độ. Ngày xưa có một gia đình rất nghèo mà đông con. Đã hết gạo ăn mấy ngày nay. Bà mẹ khó khăn lắm mới xin về được nắm gạo, chỉ đủ nấu được một bát cháo.
Bà dành cho một mình đứa con trai lớn ăn cả bát cháo. Bà và các đứa bé đều nhịn dù các cậu bé cô bé đang đói lả, đang nhìn bát cháo một cách thèm thuồng tội nghiệp.
Cậu lớn không chịu ăn. Bà nói: "Con phải ăn để có sức mà đi khuân vác thuê, kiếm vài đồng, may ra chiều nay có thể có được vài nắm gạo cho cả nhà.
Cậu ấy đành húp bát cháo trong nước mắt. Và đúng là chiều hôm đó và những ngày sau, mọi người đỡ đói hơn.
Sự lựa chọn ưu tiên trong thiếu thốn bao giờ cũng rất khắc nghiệt.
Giải quyết đời sống giáo viên là một yêu cầu không nên và không thể gác lại. Cái gì là yêu cầu tối thiểu, không thể lùi, không thể từ chối thì phải khẳng định làm mục tiêu và quyết tâm làm cho bằng được.
Nếu bằng các giải pháp quen thuộc, các giải pháp truyền thống không giải quyết được thì phải tìm ở miền tư duy mới, vượt khỏi lối mòn mà tìm ở vùng phi truyền thống.
Chúng ta thường khi tới chân tường thì mới vượt lên chính mình, đi tìm tư duy mới và thế nào cũng tìm ra giải pháp. Trong lịch sử dân tộc cũng dễ dàng thấy điều này. Hiện nay, ta không còn xa chân tường lắm đâu nếu không coi trọng đúng mức đến giáo dục.
Nghị quyết 19 yêu cầu giảm đầu mối các tổ chức, giảm biên chế các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Rất đúng nếu có nhiều đầu mối không cần thiết, nếu số biên chế quá thừa.
Còn nhiệm vụ xã hội thì vẫn tồn tại như thế, là khách quan. Vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 19 là phải tìm các giải pháp để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Có thể bằng nhiều cách để đạt điều cốt lõi đó.
Một hướng lớn là: cái gì dân làm được thì để dân làm; dân tham gia được thì nhà nước và dân cùng làm. Nhà nước không nên ôm đồm quá sức. Cần có lòng tin vào dân.
Trước hết là tự chủ hoá một cách phổ biến các trường công lập theo bước đi thích hợp và khẩn trương. Các trường này sẽ tự chủ tài chính bên cạnh các quyền và nghĩa vụ tự chủ các mặt khác. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần khi cần thiết.
Đồng thời chuyển một số trường công lập thành trường dân lập hoặc tư thục thay vì sáp nhập nhiều trường rất khác nhau về ngành nghề lại thành một trường, dễ sinh ta rối loạn trong điều hành.
Thử hỏi nhập các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng y tế, cao đẳng văn hoá nghệ thuật, cao đẳng nghề... tất tật vào trường Cao đẳng cộng đồng của tỉnh, ta có yên tâm không?
Có phải là cách thực hiện nghị quyết bằng bất cứ giá nào, không lường hậu quả không?
Nếu các trường đó tự giác chấp nhận cơ chế tự chủ hoặc chuyển sang dân lập, tư thục thì năng lực của hệ thống đào tạo ở địa phương vẫn bảo toàn trước mắt và nhiều khả năng sẽ phát triển hơn trong tương lai.
Nâng lương cho giáo viên là cách đầu tư trực tiếp tốt nhất cho giáo dục |
Mặt khác, nên cho mở thêm các trường tư ở tất cả các cấp học nếu ở địa phương có nhu cầu và có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng.
Cần thúc đẩy xã hội hoá giáo dục mạnh dạn hơn. Thực tế đã chứng tỏ với sự định hướng và quản lý thích hợp, xã hội hoá giáo dục có thể trở thành một giải pháp mang tầm chiến lược, mang lại nhiều hiệu quả.
Nhà nước tăng cường cần kiểm soát chất lượng giáo dục, kiểm soát về điều kiện làm việc và đời sống giáo viên. Trên thực tế hiện nay giáo viên các trường tư thường có thu nhập cao hơn trường công.
Thực hiện các giải pháp đó, việc "bao cấp" chỉ còn dành cho khối giáo dục phổ thông công lập (trong đó quan tâm hơn đến giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở).
Việc bao cấp còn dành cho với các trường khối đào tạo chưa hoặc không có điều kiện thực hiện tự chủ. Không còn bao cấp tràn lan.
Lúc đó, nhà nước có điều kiện tập trung hơn trong đầu tư. Tải trọng không còn quá lớn đối với ngân sách nhà nước; việc chăm sóc tốt hơn cho đời sống giáo viên có thể đặt ra.
Cụ thể, là có chính sách phụ cấp ưu tiên cao cho giáo viên trong khi chờ cải cách tiền lương một cách triệt để của toàn bộ hệ thống hành chính sự nghiệp.
Nếu thực sự quyết tâm thì sẽ tìm được lối ra. Mỗi lần đến các trường, các địa phương thường phát hiện nhiều cách làm sáng tạo.
Ta nên tổng kết, lựa chọn và nhân ra, góp phần giải quyết khó khăn chung.
Quả là không dễ nhưng sợ nhất là cái kiểu thỉnh thoảng dở ra , thấy khó lại xếp lại.
Càng sợ hơn là vội vàng đề ra các giải pháp không khoa học, phi thực tiễn rồi vội vàng thực hiện, ví như sáp nhập các trường, cho thôi việc hằng loạt giáo viên, sau này sự nghiệp chung khó tránh phải trả giá.