LTS: Tiếp tục bàn về việc có nên bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình văn học lớp 11 hay không, cô giáo Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình trước vấn đề trên.
Theo đó, cô Tuyết cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây chính là cách dạy văn trong nhà trường hiện nay phải làm thế nào để giúp học sinh hiểu được sâu sắc hình tượng của nhân vật.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền về việc bỏ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình văn học lớp 11 đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối của giáo viên, các nhà chuyên gia giáo dục.
Hình ảnh nhân vật Chí Phèo (Ảnh minh họa: 24h.com.vn). |
Ai đã từng học tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng không thể nào quên được hình ảnh một anh Chí vốn được nhà văn Nam Cao miêu tả là một người “hiền như đất”.
Anh mang trong mình ước mơ giản dị của một người bình thường, có một mái nhà nho nhỏ, chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải, khá thì kiếm dăm ba sào ruộng…
Thế nhưng hình ảnh anh Chí về sau đã biến thành con quỷ dữ, không chỉ thay đổi về tính tình mà còn thay đổi cả về nhân dạng bên ngoài:
“Cái đầu cạo trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết…”. Mỗi khi uống rượu say là hắn chửi, chửi trời, chửi cả làng, chửi đứa nào đẻ ra hắn…rồi rạch mặt ăn vạ và đâm chém…cuối cùng thì giết người tự sát”.
Một anh Chí vốn hiền như đất, một con người lương thiện bỗng chốc trở nên tha hóa đến thế chính là do cái xã hội đương thời xô đẩy và bóp nát cuộc đời của Chí.
Tác giả Nguyễn Sóng Hiền đề nghị bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình văn học lớp 11 theo tôi nghĩ không phải tác giả không hiểu được tác phẩm Chí Phèo là một “kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 30-45, truyện ngắn “Chí Phèo” luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó” giống như nhận định của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết.
Điều tác giả không muốn lớp trẻ bây giờ nhìn thấy một nhân vật “khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát”.
Ở lớp 11 học trò không đủ nhận thức để nhìn thấy được tính nhân văn và sự tốt đẹp của Chí Phèo nhưng giáo viên chắc chắn hiểu rất rõ điều này.
Có điều không phải thầy cô giáo dạy văn nào cũng biết truyền cảm xúc đến cho học sinh qua bài giảng của mình. Không phải giáo viên nào cũng giúp học sinh hiểu được một cách sâu sắc hình tượng của nhân vật.
Với cách dạy văn như hiện nay ở nhà trường, một số thầy cô chỉ cho học sinh tự đọc, tự tìm hiểu như đọc đoạn trích và trả lời một số câu hỏi trong sách giáo khoa thì việc các em hiểu lệch lạc về nhân vật “Chí Phèo chỉ biết ăn vạ, uống rượu say là chửi, hay xin đểu và giết người rồi tự sát” là điều rất dễ xảy ra.
Và trong thực tế điều này đã được minh chứng. Cái anh Chí hiền lương mang trong mình ước mơ giản dị, chân chất, luôn khát khao được sống lương thiện người ta đã quên đi.
Cái hoàn cảnh, cái nguyên nhân xô đẩy anh Chí vào con đường tha hóa, biết chất ấy cũng chẳng còn mấy ai nhớ.
Chỉ đọng lại duy nhất hình ảnh Chí uống rượu vào rồi chửi, ăn vạ, đi khật khưỡng và vác dao dọa giết người lại hằn sâu trong tâm trí bao người.
Để rồi cái tên Chí Phèo đã được người đời đặt cho bất kể những ai có một chút gì giống Chí như anh chàng hay say rượu đi khật khà khật khưỡng trong xóm, một kẻ hay đến quán, đến nhà người khác xin đểu và gây sự, một người hay quậy phá lung tung, một người vác dao lùa chém làng xóm, anh em hay cha mẹ với bất cứ lý do gì…
Người có học gọi những kẻ ngang tàng quậy phá là Chí Phèo, người chưa bao giờ đi học, cũng chẳng biết tác phẩm Chí Phèo ra sao nhưng cái tên Chí Phèo đối với họ cũng vô cùng quen thuộc.
Tôi đã từng nghe nhiều người đặt biệt hiệu cho một ai đó là Chí Phèo. Khi nghe hỏi “vì sao lại gọi họ như vậy?” Câu trả lời được nghe nhiều nhất “hay ăn vạ, phá phách xóm làng” hoặc “nó là thằng côn đồ, phá làng phá xóm”…
Anh Chí hiền lương trong tác phẩm đã bước ra đời thường hóa thân vào tất cả những kẻ ngang tàng, dữ tợn, sống bất cần và không sợ luật pháp. Đây chính là thất bại của việc dạy và học văn trong nhà trường.
Vì thế, loại bỏ một tác phẩm văn học được coi là kinh điển của dòng văn học hiện thực phê phán không phải là cách làm hay.
Để học sinh có được cái nhìn lạc quan và không bị những hành động “quỷ dữ” của Chí chi phối là trách nhiệm nặng nề của các thầy cô giáo dạy văn trong nhà trường hiện nay.