LTS: Sau được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, hai bài viết "Những Bá Kiến trong ngành giáo dục" của thầy giáo Thanh An và "Làm gì có Bá Kiến - Chí Phèo trong giáo dục" của tác giả Kim Anh được rất nhiều độc giả quan tâm đưa ra ý kiến tranh luận.
Bàn về vấn đề này, thầy giáo Nhật Duy chia sẻ bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình.
Toà soạn trân trọng mời độc giả theo dõi bài viết.
Câu chuyện Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao bỗng nhiên là chủ đề bàn luận của một số bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong mấy ngày qua.
Để làm sáng tỏ thêm việc ngành giáo dục ngày nay có Bá Kiến không, người viết bài này xin không bình luận từ những bài viết trước.
Hai nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo trong tác phẩm điện ảnh "Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ảnh: Internet. |
Chỉ xin góp nhặt vài câu chuyện đời đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, trước khi chứng minh chuyện “Bá Kiến” ngày nay, người viết xin điểm qua một chút về ông Bá Kiến ngày xưa của Nam Cao.
Cụ Bá quả là kẻ khôn róc đời và có tiếng quát người khác rất sang.
Bao giờ bắt đầu cụ Bá cũng quát để thử dây thần kinh của người đối diện.
Đặc biệt, cụ có tiếng cười rất ngọt - nhạt, nó giòn giã nhưng lại khiến người ta lạnh người.
Cụ đã già rồi nhưng có nhiều bà vợ, trong đó có bà Tư còn rất trẻ và “trông đĩ lắm”.
Cụ Bá nhìn bà Tư như người ta nhìn thấy miếng thịt bò ngon mà hàm răng thì đã rụng hết… nên cụ tức.
Vậy mà bà Tư lại có thói quen là hay nhờ anh Chí bóp chân mà lại cứ đòi bóp lên, lên nữa…thì cụ Bá căm lắm.
Những Bá Kiến trong ngành giáo dục |
Việc làm của bà Tư khiến cụ căm phẫn cái gã trai lực điền tên Chí nên cụ Bá tức, cụ quyết đẩy Chí vào tù…
Trong cách dùng người của cụ Bá là dung nạp tất cả những thằng bạt mạng, những kẻ tứ cố vô thân. Vì bọn này không sợ chết, không sợ đi tù mà những thằng như thế là những thằng được việc.
Có chúng nó sinh chuyện thì mới có cớ để kiếm ăn. Với phương châm như vậy nên cụ khống chế được rất nhiều người.
Phương châm của cụ là “lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò” nên chẳng mấy chốc lão trở nên giàu có và vẫn giữ vững được chiếc ghế bấy lâu nay cho mình.
Nhưng rồi cuối cùng cụ Bá cũng bị giết mà người giết cụ lại chính là… thằng Chí Phèo - một kẻ tay sai lâu nay của cụ.
Mặc dù là kẻ khôn ranh nhưng có lẽ cụ Bá chưa đánh giá hết được khả năng tiềm tàng, lòng căm hận tận xương tủy của những người cùng khổ.
Cụ Bá chết, Chí Phèo chết, có nhiều người mừng ra mặt. Nhưng, cũng có kẻ lại nói rằng thằng Bá Kiến này chết lại có thằng Bá Kiến khác thay thế.
Đến ngay cả ả Thị Nở khi nghe Chí Phèo chết cũng bất giác nhìn xuống cái bụng của mình và nhìn ra cái lò gạch xa xôi mà nghĩ ngợi mông lung lắm…
Mà thôi, đó là chuyện ngày xưa, chuyện của những ngày xa lắc, xa lơ. Bây giờ làm gì có Bá Kiến, nhất là trong ngành giáo dục của mình.
Bất chợt, mấy ngày nay, trên các mặt báo xôn xao thông tin cô giáo T. - dạy cấp 1 tại một trường ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Vì muốn được vào hợp đồng dài hạn cô phải “quan hệ tình cảm” với Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường, khiến người đọc rất đau lòng.
Không chỉ chấp nhận quan hệ với vị này mà cô còn phải chấp nhận để ông này quay clip sex.
Bàn về "gánh nặng và sự sẻ chia" với người thầy |
Sau khi cô giáo đòi chia tay, ông Phó hiệu trưởng tung clip lên mạng tống tình và gửi đến nhiều người thân của nữ giáo viên.
Trước những sự việc trên, chi bộ trường tiểu học nơi ông H. làm Phó hiệu trưởng đã thi hành kỷ luật đối với ông H. bằng hình thức “khiển trách” do vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm đạo đức lối sống của người Đảng viên.
Còn cô giáo T. thì bị buộc thôi hợp đồng với trường tiểu học. Vậy là cô T. không chỉ mất nghề, mất hạnh phúc gia đình mà còn bị người đời chê bai, nhạo báng.
Ngày xưa, Chí Phèo muốn được làm người lương thiện mà không được nên phải chết. Bây giờ cô T. không chết nhưng tương lai chắc cũng sẽ lâm vào ngõ cụt của đường đời.
Lật lại những chuyện đã qua, chuyện chưa xa lắm, ta chợt rùng mình nhớ tới Hiệu trưởng khá “nổi tiếng” Sầm Đức Xương - là một Hiệu trưởng trường trung học phổ thông nhưng đang tâm mua dâm những học sinh của của mình mà đa số các em đều là những những học sinh dưới 18 tuổi.
Sầm Đức Xương phải vào tù nhưng mấy năm tù thấm tháp gì với nỗi đau của 9 nữ sinh đang còn còn trong trắng, thơ ngây mà tâm hồn phải nhuốm màu nhơ nhớp.
Còn nhớ, hơn một năm về trước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã yêu cầu Hiệu trưởng của 21 trường mầm non trên địa bàn hủy hợp đồng tuyển dụng hơn 90 giáo viên mầm non trái với qui định của ngành, của tỉnh vì các Hiệu trưởng trường mầm non không đủ thẩm quyền ký hợp đồng lao động với giáo viên.
Qua kiểm tra của Uỷ ban nhân dân huyện, các Hiệu trưởng các trường mầm non đã ký tuyển dụng 126 hợp đồng, trong đó có 90 giáo viên mầm non được Hiệu trưởng 21 trường mầm non ký hợp đồng tuyển dụng trái quy định, sai thẩm quyền (Báo Thanh tra ngày 01/12/2015).
Ai cũng biết, luật rất đúng nhưng người thi hành pháp luật không phải bao giờ cũng đúng.
Vì thế, có người nói rằng Hiệu trưởng không có quyền kí hợp đồng nhưng thực tế không phải là vậy.
Hơn nữa, nếu tìm hiểu kĩ thì ta thấy văn bản pháp quy vẫn cho phép Hiệu trưởng kí hợp đồng có thời hạn với giáo viên mà điều này được thể hiện rõ trong Điều 22 Bộ luật lao động 2012.
“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi” |
Mà mấy hôm nay, nghe đâu Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị ban hành văn bản để cho phép Hiệu trưởng các trường được tuyển nhân sự cho đơn vị rồi đó.
Viết đến đây, người viết lại khấp khởi “mừng thầm”.
Còn định lấy thêm vài ví dụ nữa … nhưng thôi, người viết xin tạm dừng.
Chỉ “trách” ông thầy Thanh An nói ngành giáo dục mình có Bá Kiến ở một số nơi, đến nỗi tác giả Kim Anh phải thốt lên rằng “làm gì có Bá Kiến-Chí Phèo trong ngành giáo dục”.
Tôi thấy ông thầy Thanh An nói “chẳng đúng” chút nào, mà tác giả Kim Anh đã nhận định thật chính xác.
Bởi, Bá Kiến ngày xưa chắc cũng chỉ có vài ba con chữ là cùng, còn Chí Phèo thì chắc chắn chẳng có một chữ nào cắn đôi đâu…
Hơn nữa, cả 2 đã chết từ thời tám hoánh rồi còn gì.
Trong nhà trường chỉ có những Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và giáo viên mà thôi - Phần lớn họ đang tận tâm cống hiến cho sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà.
Chỉ tức, có một vài ông Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng “cá biệt” làm bừa, lộ liễu quá làm cho dư luận người ta biết, ảnh hưởng đến người khác, thành ra ông thì bị khiển trách, ông thì cảnh cáo, thậm chí có ông như Sầm Đức Xương phải đi tù vài năm rồi mới được về.
Còn giáo viên bị mấy ông lợi dụng, phỉnh lừa thì bị cắt hợp đồng. Có người tìm được việc khác, người ở nhà, có người lại còn bị chồng bỏ nữa…
Không có việc, nhiều gia đình tan nát, thật “đáng đời” nhé giáo viên hợp đồng!
Cuối cùng, người viết xin thành tâm xin lỗi những lãnh đạo nhà trường đang ngày đêm đau đáu vì đơn vị, vì nền giáo dục nước nhà.
Vì thế, người viết chỉ dám dùng chữ “một vài”, “một bộ phận” cá biệt để chỉ những người lãnh đạo chưa tốt, chưa là tấm gương sáng mà thôi.
Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước. Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng. |