Ngày 08/8, Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin Quốc hội lùi thời hạn thông qua Luật Giáo dục đến năm 2019.
Bộ Trưởng nêu những bất cập trong luật cũng như những hạn chế đã để xảy ra tiêu cực trong công tác thi cử vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dự án luật cần sửa đổi toàn diện, giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân như đã làm đối với Luật Đất đai.
Tiến sĩ Trần Đình Lý. (Ảnh: H.L) |
“Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi, nhân dân rất quan tâm luật này, không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì đụng tới từng nhà”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia đánh giá một cách toàn diện và khách quan năng lực của các học sinh.
Một vài chia sẻ về quan điểm. Tiêu cực thi cử phụ thuộc nhiều yếu tố: ý thức người tổ chức thực hiện và tính chặt chẽ của quy trình, tính logic.
Thường thì, nếu mọi yếu tố khác như nhau thì kết quả kỳ thi càng quan trọng thì nguy cơ tiêu cực càng cao. Do đó, công tác tổ chức quản lý càng phải chặt chẽ. Cái chính là ý thức tuân thủ pháp luật của người thực hiện.
Nếu việc học mà không có việc thi thì cũng sẽ rất phức tạp và có thể dẫn đến việc trống rỗng kiến thức, học lấy lệ. Việc thi là để đánh giá mức độ đạt được chuẩn kiến thức ở các cấp độ..
Việc thi sẽ góp phần tác động điều chỉnh quá trình dạy học trong nhà trường; điều chỉnh quản lý giáo dục; tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng; điều chỉnh chính sách vĩ mô; tác động ý thức dạy và học của cả Thầy và Trò..
‘Từ khâu coi thi với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng đã thực hiện rất tốt và thành công, mang lại hiệu quả cao”, tiến sĩ Lý nhận định.
Thí sinh và phụ huynh có một kỳ thi vừa để xét duyệt tốt nghiệp, vừa để lấy điểm làm đầu vào trước ngưỡng cửa của cấp học cao hơn mà không cần phải đi đâu xa.
Nhìn chung, kỳ thi “2 trong 1” mang lại giá trị tích cực cho mọi người.
Đối với khâu ra đề thi đã nằm trong tầm kiểm soát và khả năng làm bài nhưng ngoài một số đánh giá tốt, cập nhật kiến thức, độ phân hóa cao để tiện cho việc xét tốt nghiệp.
Độ khó của đề thi còn nhằm mục đích xét tuyển nhưng đã làm cho dư luận xã hội và tâm lý thí sinh lo lắng.
Sở Giáo dục Hòa Bình chưa biết công an đang điều tra những gì |
Tiến sĩ Trần Đình Lý đưa ra đánh giá mặt bằng điểm thi xuống thấp khiến phụ huynh và thí sinh hoang mang mặc dù “nước lên, thuyền lên” và “nước rút thì thuyền… mắc cạn”.
“Điều đáng tiếc, khâu chấm thi là rất quan trọng và nhạy cảm, đã bộc lộ một số bất cập. Đặc biệt, đối với việc chấm thi trắc nghiệm đã có sự can thiệp thô bạo của một số đối tượng ở các địa phương”, tiến sĩ Lý băn khoăn.
Tiêu cực trong công tác chấm thi của một số địa phương đã làm xã hội tổn thương và làm người dân mất niềm tin vào ngành giáo dục.
Sự việc diễn ra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tính nghiêm túc của kỳ thi được mệnh danh là “Thầy cô chịu thiệt để phục vụ tối đa thí sinh, phụ huynh cả ở vùng sâu, vùng xa”.
Tiến sĩ Lý đưa ra quan điểm, có lẽ đây là kỳ thi chấn động dư luận xã hội lớn nhất và cá nhân của một số tỉnh đã để lại hình ảnh về người thầy không còn đủ tư cách làm thầy. Hình ảnh người thầy chân chính, có lòng tự trọng đã bị tổn thương.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, cao đẳng và điểm thi
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, để kỳ thi mang tầm Quốc gia tốt hơn, theo lộ trình đổi mới về lâu về dài thì chắc chắn các trường đại học, cao đẳng sẽ phải tự chủ toàn diện”.
Vấn đề trước mắt, cơ quan quản lý cần phải đổi mới ngay và thật quyết liệt trong khâu chấm thi. Nên giao cho các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm chính ở khâu này và chấm thi ngay tại địa phương.
Lúc này, vai trò của địa phương chỉ là hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho việc chấm thi.
Cán bộ chấm thi của các trường đại học, cao đẳng sẽ chủ trì việc chấm. Hai bên phối hợp với nhau để hạn chế thấp nhất những khả năng có thể xảy ra từ sự can thiệp của một số cá nhân trong hệ thống.
Sau khi có kết quả, các bên liên quan đều lưu giữ kết quả này để đối sánh, phục vụ cho công tác hậu kiểm là thanh – kiểm tra.
Gian lận điểm thi Sơn La, không thể khôi phục dữ liệu gốc bằng niềm tin |
Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tính toán đến việc bỏ luôn kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia như hiện nay mà chỉ nên chú trọng vào chất lượng dạy và học, chỉ tổ chức thi, đánh giá do trường/địa phương tổ chức .
Việc học và thi môn nào sẽ được gói gọn, kết thúc ngay môn đó. Học sinh có thể học tích lũy như việc học tín chỉ của chương trình đại học. Khi tích lũy đủ điều kiện thì có thể xét cấp bằng tốt nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể bỏ kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông vì vướng luật nên Quốc hội cân nhắc cũng có lý do.
Tiến sĩ Trần Đình Lý đặt vấn đề, các trường đại học cần phải tính toán đến phương án tự chủ tuyển sinh là đương nhiên nhưng cũng phải theo mức chuẩn chung, chuẩn tắc.
Nhà trường cần phải hướng đến hệ thống ngân hàng đề thi trắc nghiệm và việc thi xong là có ngay kết quả. Thí sinh thi xong có thể biết được điểm số bài thi và không mệt mỏi chờ đợi thêm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khuyến khích thành lập các Trung tâm khảo thí chuyên nghiệp, ra đề thi chuẩn. Như vậy, sẽ có mặt bằng chung của cả nước do chính các trường đại học gắn với trách nhiệm của nhà trường vào đối tượng dự thi.
Sự đa dạng các hình thức thi, đa dạng trong đánh giá năng lực và xét tuyển sẽ là xu hướng tiến bộ trong thời gian sắp tới. Lợi thế của chúng ta là đang có cơ hội lớn để trao đổi, chia sẻ và học hỏi có chọn lọc các đại học tiên tiến trên thế giới.
Các trường đại học tự chủ tuyển sinh và nếu có các trung tâm khảo thí thi như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm thì quá tốt như kỳ thi SAT, ACT…
“Một thực tế, sự đa dạng này đã được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đưa vào áp dụng”, tiến sĩ Lý chốt lại vấn đề.